Nơi gửi gắm niềm tin của bệnh nhân AIDS

13/09/2012 16:00

Đến Bệnh viện 09, nơi chữa trị cho bệnh nhân AIDS, tận mắt chứng kiến công việc của các cán bộ, nhân viên y tế nơi đây mới hiểu được sự vất vả và những cống hiến thầm lặng của họ. Các y bác sỹ làm việc không ngơi nghỉ để chăm sóc, giúp đỡ những bệnh nhân AIDS vơi bớt nỗi đau về thể xác và tinh thần.

Không tấp nập người ra vào như nhiều bệnh viện khác, tại bệnh viện 09 (Tân Triều, Thanh Trì, Hà Nội) hầu như chỉ thấy bóng áo trắng của các y tá, bác sỹ. Hiếm hoi lắm mới thấy một vài người nhà bệnh nhân đến thăm nom. Nơi đây từ lâu là điểm đến của những bệnh nhân AIDS. Đối với họ, bệnh viện không chỉ là nơi điều trị mà còn là chốn nương náu,  là nơi gửi gắm niềm tin. Ở đó, họ được chăm sóc cả về sức khoẻ và tinh thần. Các bác sỹ không chỉ là thầy thuốc mà còn là những người thân thiết nhất khi họ bị chính người thân của mình ruồng bỏ.

Bệnh viện 09 nhìn từ ngoài vào. Ảnh Nhật Thy

Không chỉ là thầy thuốc

Hàng ngày, công việc của các cán bộ, y bác sỹ ở bệnh viện 09 là tư vấn, tiếp nhận điều trị và chăm sóc cho bệnh nhân AIDS. Bệnh nhân đến đây được trợ cấp hoàn toàn không phải trả bất kỳ chi phí nào. Khi họ ra viện, nếu đủ điều kiện sử dụng ARV thì sẽ được bệnh viện cấp thuốc miễn phí. 

 

Các bác sỹ bệnh viện 09 đang điều trị cho bệnh nhân. Ảnh Nhật Thy

Ngoài việc chăm sóc điều trị, các bác sỹ còn lo cả chế độ dinh dưỡng cho bệnh nhân. Hiện nay, chế độ ăn của bệnh nhân 1 ngày là 10 nghìn đồng. Những ai có người nhà chăm sóc sẽ được bồi dưỡng thêm. Nhưng con số này là rất ít. Điều trị đầy đủ nhưng dinh dưỡng kém nên hiệu quả cũng giảm đi rất nhiều. Các y bác sỹ lại tìm mọi cách để tăng dinh dưỡng cho người bệnh.

Các bác sĩ không chỉ là người điều trị, mà còn kiêm luôn vai "chuyên gia tâm lý" để động viên, an ủi bệnh nhân. Liều thuốc tinh thần nhiều khi còn có giá trị hơn cả thuốc giảm đau, kháng khuẩn.

Từ năm 2011, bệnh viện phối hợp với Trung tâm hỗ trợ sáng kiến phát triển cộng đồng (SCDI) thành lập câu lạc bộ  “Nắng mới” để hỗ trợ tâm lý cho người bệnh. Hiện câu lạc bộ đang hoạt động rất hiệu quả. Ngoài việc tư vấn, chia sẻ cùng bệnh nhân, câu lạc bộ còn tổ chức các buổi truyền thông thu hút nguồn hỗ trợ.  

Cách tiếp cận với bệnh nhân ở bệnh viện 09 cũng rất mới. Các y bác sỹ, chuyên gia tư vấn không ngồi đợi bệnh nhân đến với mình mà chủ động tiếp cận với họ. Điều này tạo không khí thân thiện, giúp bệnh nhân cởi mở hơn.

Bệnh viện có hẳn một kênh radio cung cấp cho bệnh nhân thông tin cần thiết như phương pháp điều trị, sử dụng thuốc đúng cách... Các cán bộ cũng tổ chức sinh hoạt nhóm kết hợp chiếu phim về những tấm gương vượt qua bệnh tật. Các buổi truyền thông, tư vấn giúp họ hiểu được AIDS không phải là chấm hết.

Ngay cả trong trường hợp bệnh nhân không thể qua khỏi, các y bác sỹ trong bệnh viện cũng là người đưa họ về nơi an nghỉ cuối cùng. Các bác sỹ bệnh viện chia sẻ, ở đây, cứ 10 đám tang thì 8 -9 đám không có người thân tới dự, không tiếng khóc xót thương. Nhiều hôm mưa, gió, bão bùng, trời rét căm căm, chỉ có bóng những người thầy thuốc áo trắng tiễn bệnh nhân về nhà tang lễ.

Vì quá yêu nghề!

Bên cạnh đó, các y bác sỹ ở đây thường phải đối mặt với nguy cơ phơi nhiễm cao. Từ đầu năm đến nay cũng đã có 3 bác sỹ bị phơi nhiễm. Sau khi điều trị khỏi phơi nhiễm, họ lại không nề hà, tiếp tục công việc điều trị cho bệnh nhân AIDS.

Công việc cao cả là vậy nhưng các bác sỹ ở đây lại phải chịu kỳ thị từ chính gia đình và xã hội. Bác sỹ Trần Quốc Tuấn, Giám đốc bệnh viện cho biết, chính ông cũng đã rất nhiều lần bị kỳ thị. Nhiều người khi biết ông làm ở đây, họ còn không muốn bắt tay. Có những y tá vì yêu nghề nên bị người yêu bỏ....

Bác sỹ Trần Quốc Tuấn cho biết, mặc dù, những cán bộ y tế trực tiếp điều trị cho bệnh nhân AIDS được hưởng thêm 70% lương; TP hỗ trợ 700.000 đồng/tháng; ngoài ra họ còn được hưởng chế độ độc hại 0,4%, nhưng đời sống của cán bộ viên chức BV vẫn vô cùng khó khăn. Đa phần các bác sỹ đều phải đi thuê nhà, có bác sỹ hàng ngày đi từ Ninh Bình lên để làm việc. Thế nhưng họ không từ bỏ công việc mà vẫn hết lòng với bệnh nhân vì một chữ “tâm”.

Bệnh viện Chăm sóc và điều trị bệnh nhân HIV/AIDS (gọi tắt là bệnh viện 09) thuộc Sở Y tế Hà Nội trên cơ sở tổ chức lại TT Điều trị 09, địa điểm tại xã Tân Triều, Thanh Trì, Hà Nội với quy mô 100 giường bệnh, 4 phòng chức năng và 10 khoa chuyên môn gồm: Khoa Khám bệnh - Tư vấn và điều trị ngoại trú, Lao, Nhi,…

Ngoài nhiệm vụ chính là khám, chữa bệnh cho người lây nhiễm HIV và chăm sóc bệnh nhân HIV/AIDS giai đoạn cuối đang cư trú hợp pháp trên địa bàn TP Hà Nội, bệnh viện 09 còn có chức năng nghiên cứu khoa học, hợp tác với các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài trong lĩnh vực phòng chống, khám, điều trị, chăm sóc BN HIV/AIDS. Đồng thời,  phối hợp với công an TP và chính quyền địa phương trong việc bảo đảm an ninh trật tự và an toàn cho nhân viên y tế và bệnh nhân.

 

 

Top