Nỗi đau mang tên HIV

01/12/2017 19:55

Dù nhiễm HIV bằng con đường nào thì cuộc sống của những người mang căn bệnh hiểm nghèo này cũng chan đầy nước mắt.

Đại dịch HIV vẫn đang len lỏi vào ngóc ngách của cộng đồng dân cư gây ra những hệ lụy đau lòng

Xót xa những mảnh đời

Tại Bệnh viện Đa khoa huyện An Lão, Hải Phòng, phóng viên chứng kiến những người phụ nữ lặng lẽ đến, lặng lẽ ngồi trên dãy ghế ở hành lang, không ai nói chuyện với ai, chờ đến lượt vào khám, nhận tư vấn và lấy thuốc, rồi lại lặng lẽ ra về. Sự mặc cảm in trên dáng vẻ khắc khổ, cam chịu và cả trang phục của họ.

Sau một hồi quan sát, phóng viên đến làm quen, hỏi chuyện một nữ bệnh nhân có khuôn mặt hiền hậu nhưng ánh lên vẻ khắc khổ tên Nguyễn Thị Th., quê An Lão, Hải Phòng. Hỏi về nguyên cớ nhiễm HIV, chị Th. đau khổ cho biết, ngày vào viện sinh đứa con thứ 2, khi xét nghiệm máu thì chị bàng hoàng biết mình nhiễm HIV.

Đau đớn chị về truy hỏi chồng thì được biết chồng chị có quan hệ tình dục không an toàn với nhiều cô gái khác, chị Th. đau đớn đến bật khóc và nghĩ tới cái chết. Chị đã không ăn, không ngủ được trong một thời gian dài dẫn đến suy nhược cơ thể.

Nhiều người thân, bạn bè, hàng xóm láng giềng khi biết chuyện của chị đều đau xót, thương cho chị song vẫn khó tránh được cảm giác xa lánh, họ vẫn mơ hồ sợ hãi điều gì đó khi tiếp xúc với chị. Tuy nhiên, sau một thời gian đau khổ vật vã, nghĩ đến việc hai đứa con cần có mẹ, nghĩ đến việc mình phải làm chỗ dựa cho 2 con thơ chị đã dũng cảm đứng dậy và có thêm động lực sống.

Ngay sau đó chị Th. đã viết đơn lên công ty da giầy nơi chị đang công tác trình bày hoàn cảnh và mong lãnh đạo công ty tạo điều kiện cho chị làm việc nuôi con.

Một trường hợp khác mắc HIV là chị Trần Thị T. (46 tuổi), huyện Thốt Nốt, Cần Thơ mà phóng viên có dịp tiếp xúc trong chuyến công tác miền Tây vừa qua đã để lại nhiều ám ảnh cho phóng viên.

Căn nhà sập xệ của vợ chồng chị T. nằm sâu trong một hẻm nhỏ, dựng trên một chiếc ao tù là nơi đổ rác thải của bà con trong xóm. Chị T. kể, chị bị nhiễm HIV từ hơn chục năm trước. Những người bạn cùng bị với chị hồi đó giờ chả còn ai, chỉ còn chị sống được đến nay là nhờ được điều trị ARV miễn phí.

Theo lời kể của chị T. mỗi tháng một lần, chị đến Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS của huyện khám bệnh, lĩnh thuốc. Chồng chị làm phụ hồ, mỗi ngày được khoảng 100.000 đồng, ngày khỏe thì làm ngày ốm thì nghỉ, chị bệnh tật nên chỉ ở nhà, sống dựa vào chồng, hai vợ chồng cơm cháo qua ngày.

Đang lúc chúng tôi hỏi chuyện chị thì mẹ chồng chị Th. bê nước vào mời khách. Chị vội vã xua tay nhắc chúng tôi ngừng chuyện. Hóa ra, chị sợ bà biết mình bị HIV. Chúng tôi kinh ngạc khi lấy chồng đã 8 năm nay rồi mà chị vẫn giấu việc mình bị HIV không chỉ với gia đình chồng, mà còn giấu cả chồng.

Để che giấu việc bị bệnh chị Th phải nói với chồng và mọi người mình bị bệnh khác để giải thích việc hàng tháng đi lĩnh thuốc, khám bệnh và hằng ngày dùng thuốc ARV. Theo yêu cầu của chị, các nhân viên y tế của Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS quận cũng bảo mật thông tin của chị.

Vì sợ lây sang chồng, chị yêu cầu chồng dùng bao cao su, song nhiều lần anh đã không dùng do vậy bản thân người chồng đã lây bệnh từ chị song vẫn không hề biết. Nghe đến đây, phóng viên cảm thấy quá đau xót cho người chồng và cho cả người vợ đáng thương và cũng đáng trách và lo lắng người chồng có thể vô tình sẽ lại lây tiếp bệnh cho người khác mà bản thân không hề hay biết.

Chưa hết lo với dịch

Theo lãnh đạo Cục Phòng, chống HIV/AIDS, Bộ Y tế, dù dịch HIV/AIDS ở Việt Nam tiếp tục có xu hướng giảm, tuy nhiên vẫn chưa đảm bảo tính bền vững và vẫn tiềm ẩn những nguy cơ bùng phát nếu chúng ta không tiếp tục có những biện pháp can thiệp mạnh mẽ và hiệu quả.

Theo ông Cảnh, mỗi năm nước ta vẫn có khoảng gần 10.000 trường hợp nhiễm mới HIV được phát hiện, HIV/AIDS vẫn là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây gánh nặng bệnh tật ở Việt Nam. Đường lây nhiễm HIV chủ yếu qua đường tình dục cũng đang cảnh báo việc kiểm soát dịch trở nên khó khăn hơn.

"Sự quay trở lại của đại dịch HIV/AIDS sẽ là sự thật khi nguồn lực đầu tư cho phòng chống HIV/AIDS đang giảm xuống nhất là nguồn viện trợ quốc tế cắt giảm mạnh, khi độ bao phủ các dịch vụ can thiệp nhất là các dịch vụ dự phòng vẫn còn thấp và chưa đủ mạnh", ông Cảnh nói.

Đáng chú ý theo ông Cảnh, hiện có sự đan xen giữa các hành vi của nhóm người nghiện chích ma túy và nhóm phụ nữ bán dâm, nhóm nam có quan hệ tình dục với nam, chuyển giới... trong khi mức độ bao phủ của các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS còn rất hạn chế, bơm kim tiêm, bao cao su mới chỉ đáp ứng được khoảng 30% nhu cầu và nay tiếp tục cắt giảm. Điều trị ARV mới đáp ứng được 58,1% số người nhiễm HIV được phát hiện. Dịch vụ ở miền núi, vùng sâu, vùng xa còn khó tiếp cận.

Top