Ninh Bình chú trọng triển khai dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con

24/07/2014 16:12

Xác định phòng, chống HIV/AIDS là nhiệm vụ quan trọng, thời gian qua Ninh Bình đã triển khai đồng bộ các hoạt động từ thông tin, giáo dục, truyền thông thay đổi hành vi đến các chương trình chăm sóc và điều trị. Đặc biệt, các hoạt động can thiệp dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con được chú trọng.

Theo báo cáo của Trung tâm phòng, chống HIV/AIDS tỉnh Ninh Bình, lũy tích phát hiện người nhiễm HIV trên địa bàn tỉnh hiện trên 3.400 người. Hình thái dịch HIV/AIDS ở Ninh Bình vẫn đang trong giai đoạn tập trung, dịch có xu hướng chững lại, không tăng nhanh như trước đây, nhưng đáng lo ngại là tỷ lệ phụ nữ nhiễm HIV có xu hướng gia tăng trong thời gian gần đây.

Tư vấn các chương trình dự phòng lây nhiễm HIV từ mẹ sang con cho phụ nữ mang thai. Ảnh minh họa

Tính đến tháng 4/2014, tỉnh phát hiện 683 phụ nữ và 22 trẻ em nhiễm HIV trên địa bàn, trong đó 326 người đã chuyển sang giai đoạn AIDS, 54 người tử vong và 66 phụ nữ có thai nhiễm HIV.

Riêng trong 6 tháng đầu năm, Ninh Bình phát hiện 8 trường hợp phụ nữ mang thai nhiễm HIV và có 6 bà mẹ trong số này đã sinh con, các trẻ đều khỏe manh, duy chỉ có 1 trường hợp trẻ sinh ra dương tính với HIV. Trường hợp này rơi vào bà mẹ không trải qua giai đoạn điều trị can thiệp dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con tại 3 cơ sở có cung cấp các gói can thiệp dự phòng mà sinh con tại trạm y tế xã.

Để loại trừ lây nhiễm HIV từ mẹ sang con, tỉnh Ninh Bình đã chú trọng triển khai nhiều chương trình hành động phòng, chống HIV/AIDS trong thời gian qua như dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con, tổ chức tư vấn, xét nghiệm sớm cho phụ nữ mang thai, nhất là các  phụ nữ mang thai trong 3 tháng đầu của thai kỳ, tích cực đẩy mạnh các chương trình can thiệp giảm hại và chương trình điều trị ARV cho phụ nữ mang thai nhiễm HIV…

Đặc biệt, nhờ sự phối hợp của các đội ngũ tuyên truyền viên, đồng đẳng viên, cộng tác viên và y tế thôn bản, nhiều buổi thảo luận, phổ biến kiến thức chuyên đề cho cộng đồng trong công tác dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con đem lại nhiều hiệu quả cao.

Ngoài ra, nhờ cấu trúc trong Dự án 3 về dự phòng lây nhiễm HIV từ mẹ sang con của Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống HIV/AIDS, hàng năm có khoảng hơn 9.000 phụ nữ mang thai được tư vấn, xét nghiệm và sàng lọc HIV, 85% phụ nữ mang thai nhiễm HIV được điều trị dự phòng bằng ARV.

Giám đốc Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh Hoàng Huy Phương cho biết, ngành y tế tỉnh luôn chú trọng việc nâng cao chất lượng cung cấp các dịch vụ. Cụ thể, nâng cao chăm sóc sức khỏe sinh sản tại các cơ sở cho phụ nữ mang thai nhiễm HIV, cung cấp các dịch vụ chất lượng trong phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con, đẩy mạnh chất lượng tư vấn xét nghiệm HIV cho phụ nữ mang thai tại điểm tuyến xã, phường nhằm phát hiện sớm phụ nữ mang thai nhiễm HIV để kịp thời cung cấp dịch vụ dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con…

Chứng minh cho những kết quả của chương trình can thiệp dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con, bác sỹ Ngô Thị Hồng - Trưởng khoa Điều trị thuộc Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh cho biết, gia đình anh chị C tại xã Trường Yên (Hoa Lư) là cặp vợ chồng nhiễm HIV. Với nguyện vọng được sinh con, khi được biết về thông tin của hoạt động can thiệp dự phòng, anh chị đã quyết định sinh thêm cháu thứ 2 vì hoàn toàn tin tưởng vào chương trình dự phòng, chăm sóc, điều trị của các bác sỹ. Nhờ việc tuân thủ đúng phác đồ điều trị và trải qua nhiều lần xét nghiệm, đến nay khi cậu con trai đã hơn 1 tuổi, gia đình anh chị đã hoàn toàn yên tâm với cậu con trai khỏe mạnh, âm tính với HIV.

Theo Giám đốc Hoàng Huy Phương, để chương trình dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con đạt kết quả cao hơn nữa trong thời gian tiếp theo, tỉnh Ninh Bình sẽ tiếp tục tìm kiếm các nguồn lực cho công tác này và lựa chọn giải pháp phù hợp để không ngừng nâng cao hiệu quả tuyên truyền cũng như chất lượng các dịch vụ dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con với mục tiêu hướng tới không còn trẻ nhiễm HIV từ mẹ.

Đồng thời, cần phải tích cực lồng ghép với các chương trình y tế khác như chương trình dân số kế hoạch hóa gia đình và chương trình chăm sóc sức khỏe sinh sản. Đây là giải pháp quan trọng nhất trong thời điểm hiện nay, khi nguồn tài trợ cho hoạt động phòng, chống HIV/AIDS đang dần bị cắt giảm.
Top