Ninh Bình: Thay đổi hành vi cho cộng đồng bằng nhiều hình thức

14/10/2019 16:27

Để không ngừng nâng cao chất lượng dự phòng, chăm sóc và điều trị cho người nhiễm HIV/AIDS, thời gian qua, Ninh Bình đặc biệt chú trọng đến công tác truyền thông thay đổi hành vi cho cộng đồng bằng nhiều hình thức. Đồng thời, đẩy mạnh công tác can thiệp giảm hại đối với những đối tượng nguy cơ cao nhiễm HIV.

 Xét nghiệm tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh. Ảnh: TT KSBT Ninh Bình

Phát hiện hơn 4 nghìn người nhiễm HIV

Theo số liệu thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Ninh Bình, tính đến 15/9/2019, lũy tích phát hiện nhiễm HIV/AIDS ở Ninh Bình là 4.070 người, trong đó, trường hợp nhiễm HIV hiện còn sống là 1.796 người; tổng số trường hợp bệnh nhân AIDS còn sống là 1.182 người và tổng số trường hợp tử vong do AIDS là 1.092 người. Trong 9 tháng đầu năm 2019, toàn tỉnh phát hiện 81 trường hợp nhiễm HIV; số chuyển AIDS là 24 trường hợp và 5 ca tử vong do AIDS.

Từ đầu năm 2019 đến nay, ngành y tế tỉnh đã tổ chức hàng trăm đợt truyền thông lưu động trên toàn tỉnh và hàng chục buổi nói chuyện chuyên đề cho người dân, người có hành vi nguy cơ cao về phòng, chống HIV/AIDS và chương trình điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế Methadone... Đồng thời cung cấp tài liệu truyền thông như phát hàng nghìn tờ rơi, sách mỏng có nội dung phong phú về phòng chống HIV/AIDS, về chăm sóc và điều trị ARV, lợi ích của tham gia BHYT, lợi ích của điều trị thay thế các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone.... cho các cơ sở y tế, người dân tại cộng đồng.

Đối với hoạt động can thiệp giảm tác hại dự phòng lây nhiễm HIV, hàng tháng, Khoa phòng, chống HIV/AIDS, tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh thực hiện giao ban nhân viên tiếp cận cộng đồng, định kỳ giải quyết kịp thời những khó khăn vướng mắc cùng với đội ngũ nhân viên tiếp cận cộng đồng, thống nhất phương thức làm việc có hiệu quả. Củng cố kiện toàn mạng lưới tham gia chương trình can thiệp giảm tác hại.

Trong chương trình trao đổi bơm kim tiêm, địa phương tiếp tục triển khai ở 5/8 huyện, thành phố, đã phân phát 40.808 bơm kim tiêm sạch, 21.300 nước cất cho người nghiện chích ma túy; thu gom 21.215 bơm kim tiêm bẩn đã qua sử dụng. Phân phát 63.476 bao cao su cho nhà nghỉ, khách sạn, các điểm vui chơi giải trí trên địa bàn tỉnh; cung cấp các vật tư, trang thiết bị bảo hộ lao động cho nhân viên tiếp cận cộng đồng.

Thực hiện Dự án thành phần VUSTA, hiện toàn tỉnh có 4 nhóm tự lực (CBOs) của dự án thành phần VUSTA, phân bố đều ở các huyện, thành phố. Trong 9 tháng đã phân phát 68.130 chiếc bao cao su, 381.394 chiếc bơm kim tiêm sạch, 92.360 ống nước cất cho người nghiện chích ma túy; đồng thời thu gom và tiêu hủy 163.563 chiếc bơm kim tiêm bẩn đã qua sử dụng.

Trong chương trình điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế Methadone, tỉnh đã mở thêm 2 điểm cấp phát thuốc Methadone tại Trạm y tế xã Gia Lâm và Phòng khám đa khoa Quỳnh Sơn, xã Quỳnh Lưu và bắt đầu hoạt động từ tháng 4/2019. Toàn tỉnh hiện có 817 bệnh nhân đang điều trị Methadone, trong đó có 684 bệnh nhân điều trị liều duy trì, đạt 84%. Đa số các bệnh nhân đều tuân thủ tốt quy trình điều trị, trong quá trình điều trị không có tai biến chuyên môn, an ninh trật tự tại khu vực điều trị được bảo đảm.

Điều trị ARV đạt gần 96% chỉ tiêu được giao

Không chỉ chú trọng công tác truyền thông, can thiệp giảm hại, Ninh Bình cũng đặc biệt quan tâm đến nâng cao chất lượng chăm sóc, điều trị HIV/AIDS. Trong 9 tháng đầu năm 2019, địa phương phát hiện 81 người nghiễm HIV, theo đó đã tư vấn cho 68 người tiếp cận điều trị ARV, nâng tổng số người hiện đang được điều trị ARV là 1.242 người, đạt 95,5% so với chỉ tiêu kế hoạch được giao năm 2019 (1.300 người), trong đó có 41 trẻ em. Số còn lại chưa điều trị ARV có nhiều lý do, như chưa hiểu được tầm quan trọng của điều trị ARV, còn sợ sự kỳ thị của cộng đồng, không muốn công khai danh tính, chưa sẵn sàng tham gia điều trị....

Hiện tổng số người nhiễm HIV có thẻ BHYT là 1.068/1.117 người, chiếm tỷ lệ 96%. Hàng tháng, Khoa phòng, chống HIV/AIDS phê duyệt danh sách bệnh nhân HIV/AIDS đồng ý mua thẻ BHYT theo Kế hoạch 111 của UBND tỉnh, năm 2019 phê duyệt mua và cấp thẻ BHYT cho 148 người, trong đó 139 bệnh nhân đang điều trị ARV và 9 người nhiễm HIV ngoài cộng đồng.

Cùng với đó kiện toàn và triển khai hoạt động của các phòng tư vấn xét nghiệm HIV tại 8/8 huyện, thành phố; đẩy mạnh hoạt động tại các phòng tư vấn xét nghiệm. Kết quả, có 16.606 người được tư vấn và xét nghiệm HIV, trong đó có 81 trường hợp có kết quả xét nghiệm HIV dương tính.

Trong 9 tháng đầu năm, địa phương cũng đã tư vấn và xét nghiệm HIV cho 9.860 phụ nữ mang thai, trong đó số phụ nữ có thai đang điều trị ARV là 17 người, 14 trẻ được sinh ra từ bà mẹ nhiễm HIV đều được điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con, 7 trẻ được làm xét nghiệm chẩn đoán HIV sớm đều cho kết quả âm tính.

Để đạt được những mục tiêu đã đặt ra trong công tác phòng chống HIV/AIDS, thời gian tới, địa phương tập trung vào các hoạt động triển khai Tháng hành động Quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2019; tổ chức các buổi nói chuyện chuyên đề về phòng, chống HIV/AIDS; triển khai công tác thông tin, truyền thông cho các đối tượng có hành vi nguy cơ cao và cho cộng đồng bằng các hình thức khác nhau: Truyền thông trực tiếp, truyền thông gián tiếp, cung cấp tài liệu truyền thông...

Tăng cường giám sát các cơ sở điều trị cấp phát thuốc thực hiện đúng qui trình khám chữa bệnh. Tiếp tục rà soát, phê duyệt mua, cấp BHYT theo Kế hoạch 111 của UBND tỉnh cho bệnh nhân, tránh tình trạng bệnh nhân không có thẻ BHYT khi tham gia khám chữa bệnh, ảnh hưởng tới quá trình tuân thủ điều trị của bệnh nhân...

Tăng cường các hoạt động về tư vấn xét nghiệm sớm HIV, tiếp cận sớm dịch vụ điều trị và tuân thủ điều trị, xét nghiệm tải lượng HIV định kỳ và hướng tới mục tiêu 90-90-90.
Top