Ninh Bình: Hơn 3 nghìn trường hợp nhiễm HIV/AIDS

18/08/2020 17:44

Theo số liệu thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Ninh Bình, trong tháng 7, toàn tỉnh phát hiện 8 người nhiễm HIV mới; bệnh nhân chuyển sang giai đoạn AIDS 5 người; bệnh nhân tử vong do AIDS 1 người.

 Xét nghiệm mẫu máu HIV. Ảnh: TT KSBT tỉnh Ninh Bình

Lũy tích số người nhiễm HIV tính đến nay là 3.020 người, trong đó: Số người nhiễm HIV còn sống 375 người, số người chuyển sang giai đoạn AIDS còn sống là 1.375 người, số trường hợp tử vong do AIDS là 1.270 người. 

Thời gian qua để đầy lùi dịch bệnh, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Ninh Bình đã tăng cường giám sát các hoạt động về chăm sóc và điều trị HIV/AIDS tại các tuyến.

Hàng năm, Trung tâm phối hợp chặt chẽ với các cơ quan thông tin đại chúng của tỉnh như: Báo Ninh Bình, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Trung tâm truyền thông giáo dục sức khỏe tỉnh; các tổ chức, đoàn thể như: Hội Phụ nữ, Tỉnh đoàn, Hội Nông dân trong thực hiện tuyên truyền, truyền thông trực tiếp đến các đoàn viên, hội viên.

Cùng với đó, tổ chức các buổi nói chuyện chuyên đề tại cộng đồng dân cư, các doanh nghiệp nơi có nhiều dân cư di biến động và những người có hành vi nguy cơ cao (nghiện chích ma túy, gái mại dâm, người có quan hệ tình dục đồng giới, người nhiễm HIV/AIDS và gia đình của họ…) về các biện pháp phòng chống, cung cấp địa chỉ các dịch vụ tư vấn, xét nghiệm, điều trị ARV, điều trị Methadone và các dịch vụ y tế khác.

Trung tâm cũng phối hợp với ủy ban MTTQ tỉnh triển khai phong trào toàn dân phòng, chống HIV/AIDS tại cộng đồng dân cư, giúp người dân có nhận thức đúng đắn về căn bệnh này.

Điều trị miễn phí thuốc ARV cho 1.348 người, lũy tích bệnh nhân điều trị ARV là 1.690 bệnh nhân, điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone cho 814 người nghiện ma túy. Bệnh nhân được tư vấn phòng, chống lây nhiễm HIV/AIDS: 1.323 lượt.

Mặc dù tỉnh Ninh Bình đã đạt được những kết quả nhất định trong công tác phòng, chống HIV/AIDS, tuy nhiên, hiện khó khăn, thách thức trong công tác này là kinh phí bị cắt giảm nhiều, nguồn tài trợ từ các dự án quốc tế còn rất ít, làm ảnh hưởng đến công tác triển khai, thực hiện.

Thêm vào đó, nguy cơ tiềm ẩn lây nhiễm HIV/AIDS vẫn còn cao, nguy cơ gia tăng sự lây nhiễm HIV qua quan hệ tình dục, tình dục đồng giới, gia tăng số người nhiễm HIV vốn được coi là những người ít có nguy cơ; vẫn còn sự kỳ thị và phân biệt đối xử đối với người nhiễm HIV/AIDS, gia đình của họ trong cộng đồng… Đây là những rào cản lớn đối với các hoạt động trong công tác dự phòng lây nhiễm HIV.

Thời gian tới địa phương chú trọng huy động nhiều nguồn kinh phí từ địa phương, cơ sở cho hoạt động phòng, chống HIV/AIDS. Đặc biệt, tăng cường các biện pháp thông tin, giáo dục, tuyên truyền và truyền thông thay đổi hành vi, mở rộng bao phủ hoạt động can thiệp giảm tác hại dự phòng lây nhiễm HIV/AIDS.

Đẩy mạnh cung cấp các dịch vụ chăm sóc HIV/AIDS, nhất là hoạt động điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone; tăng cường công tác xét nghiệm HIV, công tác chăm sóc, điều trị cho người nhiễm HIV/AIDS… tại các cơ sở y tế và cộng đồng, phấn đấu đạt được mục tiêu kết thúc dịch HIV/AIDS ở Việt Nam vào năm 2030.
Top