Những điều cần ghi nhớ khi sống chung với người nhiễm HIV

06/11/2018 12:56

Nếu sống chung với người nhiễm HIV/AIDS, bạn cần ghi nhớ những điều dưới đây để vừa không bị lây nhiễm HIV vừa không khiến người bệnh có cảm giác bị bỏ rơi, bị xa lánh hay bị coi thường.

Điều nên làm cho người nhiễm HIV là đối xử với họ như những người bình thường; không làm những điều khiến họ mặc cảm; khuyến khích người nhiễm HIV tiết lộ tình trạng bệnh và khuyên họ có những lối sống tích cực, tuân thủ điều trị thuốc kháng ARV. Ảnh: Thùy Chi

Ăn uống, sinh hoạt

Người nhiễm HIV có thể ăn uống cũng như sử dụng chung bàn ghế, giường tủ với người khác mà không lây nhiễm HIV cho gia đình.

Tuy nhiên, những dụng cụ ăn uống như cốc, bát, đĩa có dính máu của người HIV cần rửa sạch bằng xà phòng. Người rửa nên đi găng tay cao su và băng kín các vết thương.

Đối với những bàn ghế và giường có dính máu, mủ hoặc tinh dịch của người bệnh thì nên làm sạch đúng cách, đề phòng việc lây nhiễm.

Đổ dung dịch Chlorine 0,5% và Javen lên bề mặt bị dính máu hoặc mủ cũng như tinh dịch chờ khoảng 10 - 20 phút. Sau đó người nhà đeo găng tay cao su cũng như dùng nước sạch cọ rửa chỗ bẩn. Nếu không có hóa chất nên dùng xà phòng bột hòa nước thay thế.

Đối với người nhiễm HIV có thể ngủ cùng với người thân không có bệnh mà không sợ lây virus. Khi ngủ chung vẫn có thể ôm nhau nhưng tránh không có các chỗ da bị tổn thương của hai người tiếp xúc với nhau.

Quan hệ tình dục an toàn

Người nhiễm HIV nếu quan hệ tình dục phải sử dụng biện pháp phòng tránh như bao cao su. Chú ý phải dùng ngay từ khi bắt đầu quan hệ tình dục.

Nếu như cả hai người cùng nhiễm HIV vẫn nên sử dụng bao cao su bởi bệnh có nhiều chủng khác nhau. Mỗi người nhiễm HIV đều mang trong mình những nét riêng biệt, nếu không sử dụng biện pháp phòng tránh các chủng này kết hợp với nhau sẽ khiến người nhiễm bệnh nhanh chuyển sang giai đoạn AIDS, mức độ tử vong sẽ nhanh hơn.

Đối với quần áo

Người nhiễm HIV có thể sử dụng chung quần áo với người khác. Tuy nhiên, nếu như quần áo của người có HIV nếu dính máu và dịch nên ngâm riêng trong dung dịch Chlorine nồng độ 0,5% hay dung dịch Javen trong 30 phút và giặt lại bằng xà phòng. Nếu như dính các chất đặc như phân, chất nôn thì cần gột sạch trước khi ngâm cùng Javen và giặt lại.

Khi thu dọn những đồ thải dính máu, mủ, tinh dịch của người nhiễm HIV, cần dùng găng tay cao su hay kẹp dài để gắp và cho vào 2 lần túi nylon lành lặn, sau đó đổ dung dịch Chlorine 0,5% hay nước Javen vào, ngâm khoảng 20 – 30 phút sau đó buộc chặt túi nylon, cho vào thùng rác.

Bệnh nhân cần phải dùng riêng một số đồ như dao cạo, bàn chải đánh răng, đồ làm móng tay, đồ nạo lưỡi.

Nếu người trong gia đình bị các vật bén nhọn dùng cho bệnh nhân nhiễm HIV như dao cạo, kim tiêm,... làm bị thương, cần để chảy máu và rửa vết thương dưới vòi nước sạch với xà phòng, sát trùng với cồn 70 độ. Sau đó tới các cơ sở uy tín để điều trị dự phòng.

Thay đổi nhận thức về căn bệnh

Đã đến lúc xã hội cần thay đổi nhận thức về căn bệnh này, ngoại trừ những trường hợp mắc bệnh nhưng không tuân thủ điều trị, sống cuộc sống không lành mạnh khiến diễn biến bệnh xấu đi nhanh chóng, những bệnh nhân HIV/AIDS được điều trị hoàn toàn có thể sống đến cuối đời với tuổi thọ rất cao. Thực chất bệnh nhân HIV/AIDS không mang án tử cận kề như các trường hợp mắc các căn bệnh khác phổ biến hiện nay như ung thư, tiểu đường, cao huyết áp… Điều nên làm cho người nhiễm HIV là đối xử với họ như những người bình thường; không làm những điều khiến họ mặc cảm; khuyến khích người nhiễm HIV tiết lộ tình trạng bệnh và khuyên họ có những lối sống tích cực, tuân thủ điều trị thuốc kháng ARV.
Top