Những chính sách ưu việt trong dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con

20/05/2016 11:45

Dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con là một chương trình can thiệp hiệu quả nhất trong các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS, đồng thời mang đậm tính nhân văn sâu sắc.

Nhằm giảm tối đa tình trạng trẻ nhiễm HIV từ mẹ, đồng thời cải thiện chất lượng cuộc sống của phụ nữ mang thai nhiễm HIV, trong những năm qua Chính phủ đã xác định Dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con là một trong những can thiệp ưu tiên trong chương trình Phòng, chống HIV/AIDS.

Tuyên truyền dự phòng lây nhiễm HIV từ me sang con - Ảnh: Kim Thoa

Trong Luật Phòng, chống HIV/AIDS có riêng một điều quy định về phòng, chống lây nhiễm HIV từ mẹ, theo đó phụ nữ nhiễm HIV được tạo điều kiện thuận lợi trong tiếp cận các dịch vụ dự phòng một cách miễn phí với chất lượng cao, đặc biệt là thuốc kháng virus (ARV). Bộ Y tế, đã cập nhật thường xuyên các tiến bộ khoa học trên thế giới để giảm tối đa sự lây truyền HIV từ mẹ. Đến nay Việt Nam đã và đang thực hiện chương trình phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con theo chiến lược bốn nhóm hoạt động can thiệp do Liên Hợp Quốc khởi xướng. Đây là chiến lược can thiệp một cách toàn diện nhằm ngăn chặn từ xa để phụ nữ không bị nhiễm HIV, nếu phụ nữ đã nhiễm HIV thì không mang thai ngoài ý muốn, nếu phụ nữ nhiễm HIV mang thai thì được điều trị ngay bằng phác đồ ba thuốc ARV hiệu quả.

Năm 2009, chiến dịch quốc gia về dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con lần đầu tiên đã được phát động trên toàn quốc nhằm đẩy mạnh cách tiếp cận toàn diện cho chương trình này. Sau đó, Bộ Y tế đã chọn tháng 6 hàng năm là Tháng cao điểm Dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con để đẩy mạnh hơn nữa công tác truyền thông và cung cấp các dịch vụ dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con. Sau 7 năm liên tiếp triển khai Tháng cao điểm cho thấy sau khi đẩy mạnh các hoạt động truyền thông đã có sự tăng đột biến phụ nữ mang thai đến tư vấn, làm xét nghiệm HIV, từ đó họ được phát hiện sớm tình trạng nhiễm HIV và được cung cấp các dịch vụ phù hợp để dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con.

Tăng cường mở rộng chương trình dự phòng

Chương trình Dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con đã đạt được các tiến bộ đáng kể và đang được tăng cường mở rộng. Hiện nay tất cả các cơ sở sản khoa tuyến tỉnh, thành phố đang cung cấp gói dịch vụ toàn diện phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con. Toàn quốc hiện nay có 226 điểm cung cấp dịch vụ dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con, bao gồm 02 điểm tuyến Trung ương, 92 điểm tuyến tỉnh, còn lại là 132 điểm tuyến huyện chiếm khoảng 25% số huyện trong toàn quốc. Tuy nhiên, hiện chỉ có trên 133 cơ sở cung cấp dịch vụ phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con toàn diện và cũng chủ yếu tập trung tại tuyến tỉnh/thành phố có dự án. Số cơ sở y tế cung cấp gói dịch vụ dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con tối thiểu theo hướng dẫn của Bộ Y tế trên toàn quốc là 561 điểm và 275 huyện.

Năm 2015, số phụ nữ mang thai được xét nghiệm trên 1 triệu người và phát hiện nhiễm HIV cho gần 1.000 phụ nữ mang thai nhiễm HIV, khoảng 60% phụ nữ mang thai nhiễm HIV được xét nghiệm trong thời kỳ mang thai, 40% phụ nữ mang thai phát hiện trong thời kỳ chuyển dạ.

Trong năm 2015, ước tính điều trị dự phòng HIV từ mẹ sang con cho khoảng 1.400 phụ nữ mang thai nhiễm HIV, khoảng 40% phụ nữ mang thai nhiễm HIV điều trị ARV trước khi có thai. Tổng số trẻ đẻ sống từ mẹ nhiễm HIV trên 1000 trẻ được tiếp tục điều trị dự phòng ARV, có khoảng 30 cháu bị nhiễm HIV mặc dù đã được điều trị dự phòng.

15.000 trẻ sinh ra không nhiễm HIV từ mẹ

Trong báo cáo tổng kết giai đoạn 2001 – 2015 của Bộ Y tế, Chương trình dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con đã tránh cho 15.000 trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV không bị nhiễm HIV. Đây là kết quả đã khích lệ tinh thần lao động hăng say của toàn hệ thống y tế, đặc biệt là những người làm công tác phòng, chống HIV/AIDS tiếp tục vượt mọi khó khăn để làm tốt hơn nữa nhiệm vụ của mình.

Tháng cao điểm dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con năm 2016, sẽ được diễn ra từ ngày 1/6 đến 30/6. Ủy ban Quốc gia Phòng, chống AIDS và phòng, chống ma túy, mại dâm tiếp tục chỉ đạo thực hiện Tháng cao điểm trên phạm vi toàn quốc. Theo đó, đẩy mạnh công tác chỉ đạo, điều hành ở địa phương và Bộ, ngành đồng thời tăng cường thông tin, giáo dục, truyền thông như về lợi ích của điều trị bằng thuốc ARV sớm ngay trong những tháng đầu của thai kỳ ở phụ nữ mang thai nhiễm HIV trong viêc giảm lây truyền HIV từ mẹ sang con. Quảng bá, giới thiệu địa chỉ các cơ sở cung cấp các can thiệp dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con sẵn có tại địa phương. Linh hoạt áp dụng các hình thức khác nhau phù hợp với từng địa phương như: truyền thông đại chúng, tuyên truyền trên hệ thống loa phát thanh sẵn có, tổ chức truyền thông trực tiếp như nói chuyện, tư vấn, thăm gia đình, thảo luận nhóm, tổ chức các đợt truyền thông, tư vấn tại xã, phường, thôn bản...

Song song với đó là cung cấp dịch vụ can thiệp dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con, như đẩy mạnh công tác tư vấn xét nghiệm HIV cho phụ nữ mang thai, tư vấn và xét nghiệm HIV ngay từ lần đầu khi phụ nữ mang thai đến khám thai tại các cơ sở y tế. Mở rộng tư vấn xét nghiệm HIV cho phụ nữ mang thai tại tuyến xã. Sử dụng phương pháp lấy mẫu máu thuận tiện như lấy máu đầu ngón tay. Tăng cường hình thức xét nghiệm lưu động tại nơi có tình hình dịch cao. Đảm bảo đủ test để xét nghiệm HIV cho phụ nữ mang thai, đặc biệt là đối tượng có nguy cơ cao. Tăng cường cơ chế phối hợp để chuyển gửi hiệu quả giữa cơ sở phát hiện phụ nữ mang thai nhiễm HIV với cơ sở chăm sóc và điều trị HIV/AIDS, đảm bảo phụ nữ mang thai nhiễm HIV được đồng thời chăm sóc thai nghén và điều trị bằng thuốc ARV.

Với những nỗ lực triển khai các hoạt động dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con và những chính sách ưu việt của Chính phủ, chúng ta hoàn toàn có thể tin tưởng rằng mục tiêu “Loại trừ lây truyền HIV từ mẹ sang con“ tại Việt Nam sẽ thành hiện thực trong thời gian không xa.
Top