Nhóm Nụ cười: Nơi tìm ra ánh sáng cho người nhiễm HIV

06/02/2019 19:11

Nhờ tham gia các hội đoàn dành cho những người nhiễm HIV, tôi cảm thấy phấn khởi hơn, yêu đời hơn và nhiều sức sống hơn. Được nói chuyện với các chuyên gia tâm lý, tôi giải toả nhiều bức xúc mà bấy lâu tôi không biết tâm sự cùng ai. Tôi thấy mình như được sống trở lại, được là chính mình, trong ngõ cụt tăm tối tôi tìm thấy le lói ánh sáng trong trái tim tôi.

 Nhóm tổ chức sự kiện truyền thông cung cấp kiến thức HIV/AIDS. Ảnh: Kim Nhiều

Có nỗi đau nào bằng nỗi đau mất chồng. Tôi như người rơi vào vực thẳm không lối thoát, bi quan, đau khổ tột cùng. Tôi không còn đứng vững trên đôi chân của mình, không biết tương lai mình sẽ ra sao, sẽ đi về đâu, phía trước là một ngõ cụt, một màu đen tối.

Càng nghĩ tôi càng khóc thật nhiều vì tôi còn con, con còn quá nhỏ, chỉ mới bốn tuổi đã mồ côi cha. Rồi cuộc sống, tương lai con sẽ như thế nào đây. Tôi sinh con ra - đó là sự kết tinh của một cuộc tình hạnh phúc - mà giờ tôi bất lực trước hoạch định tương lai của con mình.

Nhà trống trải, con nhớ ba, con cứ bắt tôi dẫn đi thăm vì lâu quá không thấy ba ở nhà, con hỏi “Sao mẹ cứ khóc hòai vậy, ba đi đâu rồi mà không thấy về chơi với con” có lẽ con tôi chưa hiểu được mọi chuyện đang diễn ra xung quanh. Tôi stress nặng, mỗi lần tôi không kiềm chế được cảm xúc của mình là tôi đổ lên đầu con tôi, tôi la mắng con không thương tiếc…Con khóc.. rồi tôi …cũng khóc.

Nỗi đau nào rồi cũng nguôi ngoai và người sống vẫn phải sống. Tôi sống cho chính mình, cho con và cho cả anh ấy. Tôi tự nhủ với bản thân, để cuộc sống hai mẹ con tốt hơn thì bản thân tôi phải thay đổi. Thế là tôi tìm kiếm các lớp kỹ năng sống, kỹ năng làm cha mẹ để học vì tôi biết muốn dạy được con mình phải có kiến thức, biết kiềm chế cảm xúc, biết lắng nghe, trò chuyện, thấu hiểu và biết chia sẻ với con.

Nhờ tham gia các hội đoàn, tôi cảm thấy phấn khởi hơn, yêu đời hơn và nhiều sức sống hơn. Được nói chuyện với các chuyên gia tâm lý, tôi giải toả nhiều bức xúc mà bấy lâu tôi không biết tâm sự cùng ai. Tôi thấy mình như được sống trở lại, được là chính mình, trong ngõ cụt tăm tối tôi tìm thấy le lói ánh sáng trong trái tim tôi.

Năm 2008, tôi chính thức là Phó Trưởng nhóm - kiêm kế toán của một nhóm tự lực mang tên “Nụ Cười”. Vì tôi mong muốn sẽ đem lại niềm vui cho những người có hoàn cảnh khó khăn, những người bị nhiễm và ảnh hưởng bởi HIV/AIDS.

Có lần tôi đến thăm nhà khách hàng-một phòng trọ ẩm thấp, chật hẹp, trời mưa thì dột nát, trời nắng thì nóng kinh khủng, sàn nhà chỉ là lớp xi măng tráng vội, lổm chổm, vách ngăn giữa các phòng chỉ là lớp ván cũ kỹ. Phòng được xây trên miếng đất quy hoạch sắp giải tỏa. Một mình chị phải nuôi 4 đứa nhỏ, hoàn cảnh rất khó khăn. Tôi nghe mà cảm thấy đắng lòng, chồng chị vừa mới mất, để lại cho chị 4 đứa con cùng với căn bệnh thế kỷ mà chị nhận từ chồng, trong 4 đứa con thì có một bé nhiễm từ mẹ, bé èo uột, nay đau mai ốm. Bé không chấp nhận sự thật bệnh của mình, không trách cứ gì ba mẹ nhưng nhìn vào ánh mắt tôi biết bé rất buồn… một nỗi buồn khó chia sẻ.

Tôi rời khỏi nhà khách hàng mà lòng nặng trĩu, tôi cảm thấy cuộc sống của tôi còn tốt hơn họ rất nhiều. Sự tổn thương và mất mát của tôi chỉ là hạt cát giữa sa mạc mênh mông.

Thời gian đó, sự kỳ thị của bản thân và mọi người xung quanh còn nặng nề, họ không biết chia sẻ cùng ai, họ sống cô lập, sống trong tuyệt vọng. Kiến thức về HIV không có, không chăm sóc được bản thân. Sức khỏe yếu, trình độ lại không nên rất khó tìm kiếm việc làm ổn định, khó cải thiện được cuộc sống, nghèo vẫn hoàn nghèo, khó khăn vẫn khó khăn.

Tôi trăn trở, suy nghĩ làm sao để cuộc sống của họ được tốt hơn. Thế là, tôi tìm kiếm, viết dự án gây quỹ, xin nguồn tài trợ từ các dự án phi chính phủ. Mục đích nhóm là để nâng cao chất lượng cuộc sống cho người nhiễm HIV/AIDS, giảm nguy cơ lây nhiễm HIV tại cộng đồng, tư vấn kiến thức liên quan về HIV cho người nhiễm HIV và người thân.

Sau thời gian hoạt động nhóm đã có thêm nhiều thành viên là người nhiễm HIV tham gia vào các hoạt động cho nhóm như: chăm sóc tại nhà, hỗ trợ kiến thức về tuân thủ điều trị ARV cho người nhiễm HIV và thúc đẩy sự tham gia của người nhiễm HIV nhằm phân biệt kỳ thị tại cộng đồng.

Hằng ngày, sau giờ làm việc tại cơ quan nhà nước, tôi lê la các ngỏ hẻm, các công viên, các quán nước tại các điểm nóng, nơi các bạn sử dụng ma túy, các nữ bán dâm để tuyên truyền về kiến thức HIV, phát các vật phẩm giảm hại như bơm kim tiêm, bao cao su để họ sử dụng riêng cho bản thân tránh lây nhiễm HIV cho bản thân và người khác. Sau khi làm quen, trò chuyện và tạo uy tín, tôi vận động họ cai nghiện đồng thời vận động họ xét nghiệm HIV để kiểm tra sức khỏe. Nếu không may có người dương tính với HIV, trước tiên tôi phải trấn an tâm lý để họ chấp nhận sự thật, rồi động viên chuyển gởi đến cơ sở y tế để được điều trị kịp thời và miễn phí.

Thời gian đầu, tôi phải tư vấn trước khi điều trị, một số tác dụng phụ của thuốc, vì khi điều trị là phải uống đúng giờ, đúng liều và đúng cữ. Trong quá trình điều trị tôi phải gọi điện thoại hỏi thăm, động viên và trò chuyện. Bên cạnh đó, nhóm tổ chức các lớp truyền thông để cung cấp thêm kiến thức về HIV cũng như các kiến thức về Luật pháp hỗ trợ người có HIV. Các thành viên rất hào hứng vì có được một sân chơi phù hợp để được chia sẻ, hỗ trợ tâm lý và các kỹ năng để hỗ trợ lẫn nhau.

Trường hợp trẻ em bị nhiễm hoặc ảnh hưởng từ ba mẹ, tôi sẽ chuyển qua nhóm trẻ em để được hỗ trợ dinh dưỡng, hỗ trợ về tâm lý. Đến với nhóm, trẻ biết thế nào là đi du lịch, tắm biển, dã ngoại, tham quan những nơi vui chơi bổ ích, tham gia những trò chơi mạo hiểm giàu trí tuệ. Đến với nhóm trẻ được học anh văn, vi tính, ca hát, ôn lại những kiến thức trong lớp chưa kịp tiếp thu và học biết lễ phép hơn. Những buổi không học, nhóm thường tổ chức cho trẻ đi bơi để rèn luyện cơ thể nhờ vậy mà bé nào cũng biết bơi. Đến với nhóm trẻ còn được kiểm tra răng và kiểm tra sức khỏe định kỳ.

 Thành viên nhóm mặt áo vàng tham gia sự kiện của các nhóm tự lực. Ảnh: Kim Nhiều

Đã 10 năm tôi làm việc trong môi trường những người nhiễm HIV, tôi đã trải qua biết bao niềm vui và nỗi buồn. Các thành viên nhóm Nụ Cười có những hoạt động tích cực hỗ trợ những người cùng cảnh ngộ vượt lên mặc cảm, sống khỏe mạnh và có ích. Trẻ em giờ cũng lớn, có trẻ đang học cao đẳng - đại học, có người đã đi làm chăm lo lại cho gia đình.

Với những nỗ lực không ngừng, nhóm Nụ Cười đã được vinh dự nhận giải “Nhóm cộng đồng tiêu biểu” do Mạng lưới người sống chung với HIV tổ chức. Nhóm đã giúp cho những cuộc đời bất hạnh, không may mắn luôn luôn kết thúc có hậu. Đó cũng là mong muốn của những thành viên của nhóm Nụ Cười và cũng là động lực để tôi gắng tiếp trên con đường mình đã chọn.
Top