Nhiều nghiên cứu khoa học về lây nhiễm HIV, viêm gan mang tính thực tiễn cao

26/11/2015 17:25

Trong khuôn khổ Hội nghị khoa học quốc gia về HIV/AIDS lần thứ VI với chủ đề “Hướng tới mục tiêu 90-90-90 về phòng, chống HIV/AIDS” diễn ra tại Hà Nội, các đại biểu đã có phiên họp chuyên đề lây nhiễm HIV và viêm gan trong nhóm bị ảnh hưởng chính.

Phiên họp chuyên đề lây nhiễm HIV và viêm gan trong nhóm bị ảnh hưởng chính

Tham dự và chủ trì phiên họp có TS. Phạm Đức Mạnh, Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS, TS. Urban Weber, Quỹ Toàn cầu khu vực châu Á. Cùng tham dự còn có các nhà khoa học trong và ngoài nước, các báo cáo viên trình bày báo cáo khoa học đến từ các cơ quan trong và ngoài nước.

Tại phiên chuyên đề, các đại biểu đã được nghe các báo cáo viên trình bày và thảo luận một số báo cáo nghiên cứu khoa học như: Tỷ lệ nhiễm HIV/HCV/HBV trên nhóm nghiện chích ma túy, phụ nữ bán dâm và nam quan hệ tình dục đồng giới; Kết quả từ nghiên cứu lồng ghép các chỉ số hành vi và sinh hoạt tại Việt Nam; Tình hình sử dụng các chất kích thích dạng amphetamine trong nhóm phụ nữ mại dâm ở Việt Nam; Tính cộng hưởng các yếu tố nguy cơ lây nhiễm HIV ở nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới; Cơ hội can thiệp – kết quả từ nghiên cứu DRIVE IN.

Bên cạnh đó, các đại biểu trao đổi, thảo luận về những tiến bộ nghiên cứu khoa gần đây và các bước tiếp theo trong dự phòng y sinh học; Thực trạng kiểm soát HIV ở người nghiện chích ma túy (PWID) tại Hải Phòng; Thực trạng bỏ điều trị, ra khỏi chương trình và quay lại điều trị tại các cơ sở điều trị cai nghiện bằng Methadone tỉnh Thái Nguyên; Triển vọng kết thúc dịch HIV trong nhóm nghiện chích ma túy tại Hải Phòng, Việt Nam; Thí điểm điều trị lồng ghép nghiện chất dạng thuốc phiện tại Việt Nam; Nghiên cứu HIV ở nam giới trẻ bán dâm tại Việt Nam: Các yếu tố nguy cơ và những phát hiện ban đầu từ biện pháp can thiệp nâng cao sức khỏa sinh sản; Các yếu tố liên quan đến sử dụng Heroin trong bện nhân đang điều trị bằng thuốc Methadone tại Việt Nam giai đoạn 2008 - 2013; So sánh hiệu quả và chi phí của mô hình cai nghiện tập trungg và mô hình điều trị thay thế bằng Methadone tại cộng đồng tại Hải Phòng, Việt Nam.

Nhìn chung các nghiên cứu khoa học của chuyên đề về lây nhiễm HIV, viêm gan được các đại biểu đánh giá rất mang tính thực tiễn cao. Một số kết quả nghiên cứu chỉ ra một số điểm cần thay đổi trong chính sách đối với chương trình can thiệp dự phòng lây nhiễm HIV, đặc biệt là chương trình điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone.

Đồng thời, các nghiên cứu khoa học cũng đưa ra những dự báo về tình hình dịch HIV/AIDS tại Việt Nam trong thời gian tới; những định hướng ưu tiên nghiên cứu khoa học cho chương trình phòng, chống HIV/AIDS giai đoạn 2016-2020 và đề xuất các giải pháp duy trì tính bền vững, hiệu quả của chương trình phòng, chống HIV/AIDS tại Việt Nam nhằm thực hiện mục tiêu 90 - 90 - 90 mà Việt Nam đã cam kết với Liên Hợp Quốc là hướng tới năm 2020 ở Việt Nam có 90% số người biết được tình trạng nhiễm HIV của mình, 90% số người đã chẩn đoán nhiễm HIV được điều trị thuốc ARV liên tục và 90% số người được điều trị ARV kiểm soát được tải lượng virus ở mức thấp và ổn định.
Top