Nhiều hoạt động trong khuôn khổ Hội nghị Khoa học về HIV/AIDS

27/11/2015 09:52

Trong khuôn khổ Hội nghị Khoa học quốc gia về phòng, chống HIV/AIDS lần thứ VI vừa diễn ra tại Hà Nội, Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) đã phối hợp với Chương trình phối hợp của Liên Hợp Quốc về HIV/AIDS (UNAIDS) tại Việt Nam tổ chức nhiều phiên chuyên đề và hội thảo vệ tinh được nhiều người quan tâm.

Kinh tế y tế và Bảo hiểm y tế

Điển hình là phiên chuyên đề về Kinh tế Y tế và Bảo hiểm Y tế với sự chủ trì của TS. Nguyễn Hoàng Long, Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS và TS. Kristan Schoultz, Giám đốc quốc gia của UNAIDS. Đây là chuyên đề được rất nhiều đại biểu quan tâm vì thời gian không xa các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS sẽ chủ yếu dựa vào nguồn bảo hiểm y tế.

Tại phiên chuyên đề, các đại biểu được nghe bài trình bày của Ths. Naz Todini Dự án Tài chính và Quản trị Y tế (USAID/HFG) về ước tính chi phí bảo hiểm y tế chi trả cho điều trị HIV/AIDS tại Việt nam giai đoạn 2016 – 2020 và TS. Benjamin John Dự án Tài chính và Quản trị Y tế (USAID/HFG) trình bày kết quả nghiên cứu thu nhập, chi tiêu và bảo hiểm y tế của bệnh nhân điều trị ARV. Đây là các thông tin rất hữu ích đối với những người lập chính sách, những nhà quản lý.

Đề tài về tính sẵn sàng chi trả cho các sản phẩm và dịch vụ dự phòng HIV của nhóm quần thể dân cư có nguy cơ cao được khảo sát người tiêu dùng tại 6 tỉnh ở Việt Nam do BS. Vũ Ngọc Bảo, Tổ chức PATH tại Việt Nam trình bày. Chủ đề này cho biết, khả năng chi trả cho bao cao su và bơm kim tiêm cho từng nhóm đối tượng khác nhau. Trong đó, nhóm nam quan hệ đồng giới có khả năng chi trả lớn nhất cho các sản phẩm trên.

Ths Nguyễn Bích Huệ đến từ UNAIDS tại Việt Nam báo cáo kết quả đánh giá việc tiếp cận và sử dụng bảo hiểm y tế trong điều trị HIV/AIDS ở Việt Nam. Những lý do khó tiếp cận được với bảo hiểm y tế và sử dụng trong điều trị HIV/AIDS được nêu rõ, từ đó giúp các địa phương có các giải pháp tháo gỡ để người nhiễm HIV tiếp cận bảo hiểm y tế dễ dàng hơn.

Ths Vũ Quỳnh Mai, trường Đại học Y Hà Nội trình bày kết quả nghiên cứu về chi phí hiệu quả của can thiệp Nhóm hỗ trợ cho bệnh nhân HIV điều trị tại phòng khám ngoại trú ở Việt Nam. Kết quả ban đầu giúp chương trình có những định hướng tốt hơn cho việc hỗ trợ điều trị ARV một cách hiệu quả.

TS Nguyễn Hoàng Long nhận xét, các đề tài tại phiên chuyên đề hết sức cần thiết, giúp cho Cục phòng, chống HIV/AIDS có những bằng chứng cụ thể về lĩnh vực kinh tế y tế và bảo hiểm y tế ở nhiều góc độ khác nhau của chuỗi cung cấp dịch vụ từ can thiệp đến điều trị HIV/AIDS, kịp thời có những giải pháp phù hợp trong việc chuyển giao nguồn lực từ tài trợ sang ngân sách trong nước, trong đó bảo hiểm y tế là cơ bản.

Sẵn sàng cho Dự phòng trước phơi nhiễm

PGS.TS. Bùi Đức Dương, Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS đã khẳng định tầm qua trọng của công tác Dự phòng trước phơi nhiễm (PrEP) trong công tác phòng chống HIV/AIDS.

Tại hội thảo vệ tinh này, các đại biểu được cung cấp các thông tin về đánh giá tình trạng nhiễm HIV trong nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM), mô hình đa bậc xét nghiệm và điều trị, thay đổi hành vi, sử dụng bao cao su, khoa học về PrEP, chi phí và hiệu quả của PrEP; Các vấn đề lâm sang liên quan đến Dự phòng phơi nhiễm (PrEP) bao gồm tầm quan trọng của việc tuân thủ, nguy cơ tác dụng phụ, nguy cơ kháng thuốc điều trị HIV và khuyến cáo theo dõi bệnh nhân sử dụng PrEP; Dự phòng phơi nhiễm (PrEP) trong cộng đồng nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM) và chuyển giới ở Việt Nam… Tất cả đã sẵn sàng cho công tác Dự phòng trước phơi nhiễm.

Sau các bài tham luận, các đại biểu tham dự hội nghị đã trao đổi, thảo luận, đóng góp nhiều ý kiến tích cực, đồng thời chia sẻ nhiều kinh nghiệm, kết quả đã đạt được và những khó khăn khi triển khai công tác Dự phòng phơi nhiễm (PrEP) trong thời gian qua.

PGS.TS Bùi Đức Dương cho biết, Dự phòng phơi nhiễm (PrEp) hiện nay không chỉ riêng Việt Nam mà nhiều quốc gia trên thế giới cũng đã và đang tiếp cận, nhưng số người biết và hiểu về tác dụng của PrEP lại không nhiều. Bởi vậy hiện nay, công tác truyền thông cần phải được đẩy lên hàng đầu và cần thêm sự ủng hộ, giúp đỡ từ tổ chức quốc tế để Việt Nam sớm triển khai PrEP trong thời gian tới.

Top