Nhiều hoạt động nhân Tháng cao điểm dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con

05/06/2015 16:05

Với chủ đề “"Hướng tới loại trừ lây truyền HIV từ mẹ sang con", nhiều tỉnh, thành trên cả nước tổ chức nhiều hoạt động để hưởng ứng Tháng cao điểm dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con năm 2015 (từ 1-30/6/2015).

Tư vấn dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con - Ảnh minh họa
Để chủ động phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con, tỉnh Phú Thọ đang triển khai nhiều hoạt động giúp người dân tiếp cận với các dịch vụ can thiệp dự phòng lây truyền HIV.

Với mục tiêu đảm bảo 100% phụ nữ mang thai nhiễm HIV, 100% trẻ em nhiễm HIV hoặc phơi nhiễm với HIV được quản lý, chăm sóc và điều trị ARV và có chế độ nuôi dưỡng phù hợp, Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh Phú Thọ phối hợp chặt chẽ với các địa phương lồng ghép các hoạt động từ tỉnh đến cơ sở để cung cấp các dịch vụ phòng, chống lây truyền từ mẹ sang con.

Cụ thể, dự phòng sớm lây nhiễm HIV cho phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ; phòng tránh thai ngoài ý muốn cho phụ nữ nhiễm HIV; các can thiệp cho phụ nữ mang thai nhiễm HIV như tư vấn, xét nghiệm, điều trị dự phòng ARV; các dịch vụ chăm sóc, hỗ trợ và điều trị cho phụ nữ mang thai nhiễm HIV và con của họ sau sinh. Bên cạnh đó, Trung tâm cũng tăng cường tập huấn cho cán bộ các ban, ngành, đoàn thể cũng như cán bộ y tế về phòng chống lây truyền HIV từ mẹ sang con.

Đặc biệt, trong Tháng Cao điểm dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con năm 2015, Trung tâm triển khai việc tư vấn, xét nghiệm HIV tại tất cả các cơ sở y tế nhằm phát hiện sớm phụ nữ mang thai nhiễm HIV. Đồng thời, đảm bảo chăm sóc và cung cấp dịch vụ phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con cho phụ nữ mang thai nhiễm HIV; cung ứng đủ thuốc ARV liên tục, kịp thời để dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con, không để xảy ra tình trạng không có thuốc ARV cho dự phòng lây truyền…

Những năm gần đây, trung tâm đã tư vấn trước xét nghiệm HIV cho hàng chục nghìn phụ nữ mang thai, qua đó phát hiện nhiều trường hợp dương tính. Nhờ đẩy mạnh tư vấn, xét nghiệm sớm khi mang thai, chăm sóc thai nghén và điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con nên tỷ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con là rất ít; 100% phụ nữ mang thai nhiễm HIV sau khi sinh con được chăm sóc, điều trị đảm bảo theo quy định.

Trung tâm phòng, chống HIV/AIDS tỉnh Thừa Thiên- Huế vừa tổ chức Hội nghị triển khai Tháng Cao điểm dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con năm 2015 với mục tiêu phấn đấu đạt 60% phụ nữ mang thai nhiễm HIV và con của họ được dự phòng bằng thuốc ARV; 90% trẻ sinh từ mẹ nhiễm HIV được chăm sóc và quản lý.

Chương trình dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con năm 2014 được quan tâm thực hiện ở tất cả các tuyến tại địa phương, công tác tư vấn xét nghiệm sớm HIV cho phụ nữ mang thai được đẩy mạnh. Năm 2014, có 7 trường hợp phụ nữ nhiễm HIV mang thai sinh con, tất cả các trường hợp đã được dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con và chuyển tuyến phù hợp nên số trẻ sinh ra đều không nhiễm HIV từ mẹ.

Trong Tháng Cao điểm dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con năm 2015, tỉnh huy động sự tham gia của các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể, các ban ngành và toàn thể cộng đồng tham gia các hoạt động dự phòng lây nhiễm HIV từ mẹ sang con.

Tiếp tục nâng cao nhận thức của người dân nói chung và phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, phụ nữ mang thai nói riêng, tạo cơ hội cho phụ nữ mang thai được tiếp cận sớm các dịch vụ dự phòng lây truyền từ mẹ sang con…góp phần thực hiện thành công mục tiêu Việt Nam đã cam kết với Liên Hợp Quốc là “Loại trừ hoàn toàn tình trạng lây truyền HIV từ mẹ sang con vào năm 2015”.

Tỉnh tập trung truyền thông về lợi ích tiếp cận sớm các dịch vụ, đặc biệt là tư vấn xét nghiệm HIV cho phụ nữ mang thai trong 3 tháng đầu của thai kỳ, các can thiệp dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con và hiệu quả của các biện pháp can thiệp dự phòng.

Đồng thời, đẩy mạnh công tác tư vấn xét nghiệm HIV cho phụ nữ mang thai, tư vấn và xét nghiệm ngay từ lần đầu khi phụ nữ mang thai đến khám thai tại các cơ sở y tế. Mở rộng tư vấn xét nghiệm HIV cho phụ nữ mang thai tại tuyến xã.

Mới đây tỉnh Đồng Nai đã phát động Tháng Cao điểm dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con năm 2015. Trong tháng cao điểm , tỉnh chú trọng công tác tuyên truyền dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con. Đồng thời, tạo cơ hội cho phụ nữ mang thai tiếp cận sớm các dịch vụ phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con. Qua đó góp phần thực hiện mục tiêu thiên niên kỷ loại trừ lây truyền HIV từ mẹ sang con và hướng tới kết thúc đại dịch AIDS vào năm 2030.

Tỉnh Đồng Nai phấn đấu đạt mục tiêu 100% phụ nữ mang thai đến khám thai tại các cơ sở y tế được tư vấn xét nghiệm tự nguyện; 80% phụ nữ mang thai được xét nghiệm HIV; 100% số phụ nữ mang thai nhiễm HIV phát hiện được điều trị dự phòng lây truyền mẹ con bằng thuốc ARV; 100% số trẻ em sinh ra từ các bà mẹ nhiễm HIV được điều trị dự phòng và cung cấp sữa thay thế; 100% số phụ nữ mang thai nhiễm HIV và con của họ được tư vấn và giới thiệu chuyển tiếp đến các cơ sở chăm sóc và điều trị lâu dài.

Trong tháng Cao điểm dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con năm 2015, tỉnh Gia Lai tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các hoạt động nhân tháng cao điểm trên các phương tiện thông tin đại chúng từ ngày 01/6 đến ngày 30/6/2015 với chủ đề “Hướng tới loại trừ lây nhiễm HIV từ mẹ sang con”.

Đẩy mạnh, cung cấp thông tin về công tác phòng, chống HIV/AIDS đến các cộng đồng dân cư, đặc biệt là những nơi tập trung đông dân cư, nơi có nhiều tệ nạn xã hội, nơi có tình hình dịch cao, phụ nữ mang thai khó tiếp cận với y tế…Phối hợp với ngành Y tế và các cơ quan liên quan tăng cường tuyên truyền Tháng cao điểm Dự phòng lây truyền từ mẹ dang con năm 2015.

Tăng cường tuyên truyền lợi ích tiếp cận sớm các dịch vụ, đặc biệt là tư vấn, xét nghiệm HIV cho phụ nữ mang thai trong 3 tháng đầu cảu thai kỳ, các can thiệp lây nhiễm từ mẹ sang con và hiệu quả của các biện pháp can thiệp lây truyền HIV từ mẹ sang con…

Tỉnh Gia Lai yêu cầu các cơ quan báo chí của tỉnh, đài phát thanh, truyền hình cấp huyện cần tăng cường các tin, bài, phóng sự về các hoạt động hưởng ứng Tháng cao điểm Dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con năm 2015.

Lồng ghép tuyên truyền với các hoạt động văn hóa, xã hội khác trên địa bàn tỉnh cũng như tuyên dương kịp thời các cá nhân, tập thể, đơn vị làm tốt công tác hưởng ứng Tháng cao điểm Dự phòng lây nhiễm HIV từ mẹ sang con năm 2015. 

Với chủ đề “ Hướng tới loại trừ lây truyền HIV từ mẹ sang con” trên phạm vi toàn tỉnh, tỉnh Tây Ninh vừa tổ chức lễ phát động Tháng cao điểm Dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con năm 2015.

Để thực hiện có hiệu quả Tháng cao điểm Dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con năm 2015, Ban chỉ đạo phòng, chống tội phạm, phòng chống AIDS, ma túy, mại dâm tỉnh đề nghị Ban chỉ đạo phòng, chống tội phạm, phòng chống AIDS, ma túy, mại dâm huyện, thành phố và các Sở, Ban ngành, đoàn thể có liên quan thực hiện tốt các nội dung, hoạt động liên quan đến công tác dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con.

Cụ thể, các Sở, Ban ngành tỉnh có liên quan căn cứ vào tình hình thực tế tại đơn vị, địa phương tổ chức thông tin giáo dục truyền thông, cung cấp dịch vụ can thiệp phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con bằng nhiều hình thức theo nội dung hướng dẫn. Giám sát triển khai các hoạt động dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con trong tháng cao điểm.

Các nội dung tập trung chủ yếu truyền thông về lợi ích tiếp cận sớm các dịch vụ, đặc biệt là tư vấn xét nghiệm HIV cho phụ nữ mang thai trong 3 tháng đầu của thai kỳ, các can thiệp dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con và hiệu quả của các biện pháp can thiệp dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con; Quảng bá, giới thiệu địa chỉ các cơ sở cung cấp các can thiệp dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con sẵn có tại địa phương; truyền thông đại chúng, trên hệ thống loa phát thanh sẵn có, tổ chức truyền thông trực tiếp như nói chuyện, tư vấn, thăm gia đình, thảo luận nhóm, tổ chức các đợt truyền thông, tư vấn tại xã, phường, thôn bản; Sử dụng các thông điệp truyền thông phù hợp với từng khu vực.

Bên cạnh đó, cung cấp dịch vụ can thiệp phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con theo hướng đẩy mạnh công tác tư vấn xét nghiệm HIV cho phụ nữ mang thai, tư vấn và xét nghiệm ngay từ lần đầu khi phụ nữ mang thai đến khám thai tại các cơ sở y tế; Mở rộng tư vấn xét nghiệm HIV cho phụ nữ mang thai tại tuyến xã; Tăng cường hình thức xét nghiệm lưu động tại nơi có tình hình dịch cao, phụ nữ mang thai khó tiếp cận với y tế.

Đồng thời, tăng cường cơ chế phối hợp để chuyển gửi hiệu quả giữa cơ sở phát hiện phụ nữ mang thai nhiễm HIV với cơ sở chăm sóc và điều trị HIV/AIDS, bảo đảm phụ nữ mang thai nhiễm HIV phải được điều trị ARV sớm để phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con.

Đặc biệt, bảo đảm việc cung ứng thuốc ARV liên tục, sử dụng phác đồ điều trị phù hợp, hỗ trợ tuân thủ điều trị cho phụ nữ mang thai nhiễm HIV để giảm tối đa tình trạng nhiễm HIV từ mẹ.
Top