Nhiều hoạt động để ‘Mẹ không có HIV - Con không nhiễm HIV’

31/05/2019 10:54

Tháng cao điểm dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con có chủ đề “Mẹ không có HIV - Con không nhiễm HIV” với nhiều hoạt động thiết thực diễn ra từ ngày 1 đến 30/6 trên toàn quốc.

 Ảnh minh họa

Tại TPHCM, thành phố sẽ tăng cường cung cấp các dịch vụ dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con như: Xét nghiệm phát hiện nhiễm HIV cho phụ nữ mang thai, cung cấp thuốc ARV cho phụ nữ nhiễm HIV (bao gồm phụ nữ nhiễm HIV mang thai)…

Thông qua tháng cao điểm nhằm đẩy mạnh sự tham gia của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân thực hiện dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con; nâng cao nhận thức của xã hội, nhất là phụ nữ mang thai, vợ của những người HIV trong độ tuổi sinh đẻ, phụ nữ sống ở vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc thiểu số.

Tại Bình Thuận cũng sẽ diễn ra nhiều hoạt động nhằm thúc đẩy sự tham gia của cả hệ thống chính trị và của toàn dân nhằm thực hiện mục tiêu “Giảm tỷ lệ trẻ nhiễm HIV từ mẹ xuống dưới 2% vào năm 2020” đã được đề ra trong Chiến lược Quốc gia phòng, chống HIV/AIDS đến năm 2020 và tầm nhìn 2030. Nâng cao nhận thức của các tầng lớp Nhân dân, đặc biệt là phụ nữ mang thai, vợ của những người nhiễm HIV trong độ tuổi sinh đẻ, phụ nữ có hành vi nguy cơ cao về lợi ích của xét nghiệm HIV sớm và điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con sớm. Giảm kỳ thị và phân biệt đối xử với phụ nữ mang thai nhiễm HIV và trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV, tăng cường sự hỗ trợ của gia đình, xã hội trong dự phòng lây nhiễm HIV từ mẹ sang con.

Theo số liệu thống kê, tính đến thời điểm hiện tại, Bình Thuận phát hiện trên 5.800 người nhiễm HIV, trong đó phụ nữ chiếm khoảng 25%, tương đương trên 1.400 nghìn người. Điều này cho thấy công tác dự phòng lây nhiễm HIV từ mẹ sang con rất quan trọng, nhằm giảm thiểu số người nhiễm mới HIV và loại trừ lây truyền HIV từ mẹ sang con.

Đồng thời, tăng cường cung cấp các dịch vụ dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con như xét nghiệm phát hiện nhiễm HIV cho phụ nữ mang thai, cung cấp thuốc ARV cho phụ nữ nhiễm HIV bao gồm phụ nữ nhiễm HIV mang thai, đẩy mạnh các can thiệp và chất lượng các dịch vụ dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con.

Tại Bắc Giang, trong tháng 6, địa phương sẽ tập trung vào triển khai, tổ chức các hội nghị, hội thảo về các chủ đề như: Xét nghiệm HIV cho phụ nữ mang thai tại cộng đồng; trả kết quả khẳng định HIV sớm cho phụ nữ mang thai có test nhanh dương tính; theo dõi tải lượng HIV cho phụ nữ mang thai nhiễm HIV để đạt dưới ngưỡng ức chế; theo dõi cặp mẹ con; điều trị bằng ARV sớm cho trẻ khi khẳng định nhiễm HIV; huy động và đảm bảo tài chính cho công tác dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con, đặc biệt là test nhanh HIV đối với phụ nữ mang thai;…

Lễ mít tinh và diễu hành quần chúng hưởng ứng Tháng cao điểm Dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con sẽ được tổ chức tập trung tại các huyện, thành phố. Tùy điều kiện các huyện, thành phố có thể tổ chức Lễ phát động hoặc mít tinh và diễu hành quần chúng. Thời điểm tổ chức vào thời điểm thuận lợi cho việc huy động cộng đồng tham gia.

Ngoài Lễ mít tinh, có thể tổ chức các sự kiện phối hợp như: Đi bộ, chạy, xe đạp, trưng bày triển lãm, ca nhạc, biểu diễn kịch, truyền thông lưu động hoặc các sự kiện gây quỹ hỗ trợ người nhiễm HIV/AIDS.

Tại Gia Lai, Tháng cao điểm sẽ đẩy mạnh hoạt động truyền thông, dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con; thúc đẩy sự tham gia của cả hệ thống chính trị và của toàn dân nhằm thực hiện mục tiêu “Giảm tỷ lệ trẻ nhiễm HIV từ mẹ xuống dưới 2% vào năm 2020” đã được đề ra trong chiến lược quốc gia phòng-chống HIV/AIDS đến năm 2020 và tầm nhìn 2030.

Đến nay, toàn tỉnh phát hiện 1.105 người nhiễm HIV/AIDS, trong đó có 394 người chuyển sang AIDS và 252 người tử vong vì AIDS; số phụ nữ mang thai nhiễm HIV chiếm 1,7% tổng số người nhiễm HIV/AIDS trên toàn tỉnh.

* Theo số liệu thống kê của ngành Y tế, ước tính ở Việt Nam mỗi năm có 1,8 - 2 triệu phụ nữ sinh con, với tỷ lệ nhiễm HIV trong phụ nữ có thai hiện nay khoảng 0,35% thì mỗi năm sẽ có khoảng 5.000 - 7.000 phụ nữ mang thai nhiễm HIV sinh con và tỷ lệ lây nhiễm từ mẹ sang con là 25 - 40% (tương đương 1.500 - 1.800 trẻ ) nếu không có can thiệp gì.  Tuy nhiên, nếu được được chẩn đoán sớm và có phác đồ điều trị hiệu quả thì có đến 97 - 98% bà mẹ nhiễm HIV sinh con an toàn, nghĩa là tỷ lệ lây nhiễm HIV từ mẹ sang con chỉ còn 2 - 3%. Như vậy nếu biết dự phòng, chăm sóc và theo dõi đúng cách, trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV bị lây nhiễm HIV sẽ được giảm đi đáng kể.

Từ năm 2004, Chương trình Dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con chính thức trở thành 1 trong 9 chương trình hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong Chiến lược quốc gia phòng, chống HIV/AIDS đến năm 2010 và tầm nhìn 2020.

Từ năm 2009, Ủy ban quốc gia phòng, chống HIV/AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm đã chọn tháng 6 hàng năm là Tháng cao điểm dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con trong phạm vi cả nước.

Điều quan trọng nhất trong dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con là giúp người phụ nữ nắm rõ nguy cơ lây nhiễm và đường lây truyền HIV để họ biết cách tự phòng bệnh cho mình và tránh lây nhiễm HIV cho con. Do vậy, thông qua tháng cao điểm cần đẩy mạnh tuyên truyền, tư vấn cho phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, nhất là phụ nữ nhiễm HIV thăm khám thai hàng tháng ở các cơ sở y tế chuyên khoa để điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con; uống thuốc kháng virut (ARV) theo phác đồ của Bộ Y tế; cung cấp các biện pháp chăm sóc và dự phòng thích hợp trong quá trình chuyển dạ và sinh đẻ như đảm bảo vô khuẩn tuyệt đối khi đỡ đẻ, hạn chế các can thiệp gây chảy máu, chỉ mổ lấy thai khi có chỉ định của bác sĩ… Trẻ sau khi sinh cần được uống thuốc kháng virus và cho trẻ dùng sữa ngoài, không cho trẻ bú sữa mẹ khi người mẹ đang nhiễm HIV.

Nhìn chung những người bị nhiễm HIV, nhất là những bà mẹ mang thai thường có tâm lý rất tiêu cực. Vì vậy cần sự chia sẻ của gia đình, cộng đồng và xã hội. Các cơ sở y tế cần làm tốt công tác tư vấn không chỉ về điều trị mà cả tâm lý, tình cảm. Xã hội cần tránh kỳ thị với người nhiễm HIV, đặc biệt là phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, phụ nữ mang thai đang nhiễm HIV. Tập trung tuyên truyền về lợi ích của bảo hiểm y tế đối với phụ nữ nhiễm HIV. Vận động, tạo điều kiện cho phụ nữ nhiễm HIV trong độ tuổi sinh đẻ có thẻ bảo hiểm y tế và khám, chữa bệnh bằng bảo hiểm y tế, giảm bớt áp lực về kinh tế, qua đó giảm việc không điều trị hoặc điều trị ngắt quãng thuốc kháng visus (ARV).

Hy vọng với sự góp sức của xã hội, của ngành Y tế và sự chủ động trong dự phòng lây nhiễm HIV sẽ góp phần làm giảm mạnh và đi đến chấm dứt tình trạng lây truyền HIV từ mẹ sang con trong thời gian sớm nhất.
Top