Nhiều đối tượng đích được hưởng lợi ích từ dịch vụ dự phòng HIV

12/12/2017 14:40

Nhờ thực hiện “Tăng cường sự tham gia của các tổ chức xã hội và tổ chức cộng đồng trong phòng, chống HIV/AIDS” do Dự án VUSTA-Dự án Quỹ Toàn cầu phòng, chống HIV/AIDS triển khai, 3 nhóm đối tượng đích đã được hưởng nhiều lợi ích tích cực từ các dịch vụ dự phòng HIV/AIDS của dự án.

Cụ thể, các nhóm đối tượng đích mà dự án hướng tới là người nghiện chích ma túy, phụ nữ bán dâm và nam có quan hệ tình dục với nam/người chuyển giới (quan hệ đồng tính nam - MSM/TG).

Tổ chức CBO xét nghiệm HIV cho cộng đồng. Ảnh: Thùy Chi

Dự án VUSTA với mục tiêu là tăng cường sự tham gia của các tổ chức xã hội và tổ chức cộng đồng trong thực hiện Luật Phòng, chống HIV/AIDS và Chiến lược Quốc gia phòng chống HIV/AIDS đến năm 2020 và tầm nhìn 2030, góp phần thực hiện mục tiêu giảm tỷ lệ nhiễm HIV trong cộng đồng dân cư xuống dưới 0,3% vào năm 2020 và giảm các tác động của dịch đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Dự án cũng tăng cường hợp tác kết nối với Bộ Y tế, Cục Phòng, chống HIV/AIDS xây dựng Bản phối hợp hành động ký với Dự án Quỹ Toàn cầu - Y tế; phối hợp với Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS ở 15 tỉnh, thành phố; lập kế hoạch, lựa chọn địa bàn và đối tượng can thiệp; phối hợp chuyển gửi người có hành vi nguy cơ cao tới các dịch vụ dự phòng, chăm sóc và điều trị HIV/AIDS; phối hợp trong quản lý, cấp phát bơm kim tiêm, bao cao su và tiêu hủy bơm kim tiêm đã qua sử dụng; phối hợp trong báo cáo kết quả.

Vượt chỉ tiêu cam kết trong cung cấp dịch vụ dự phòng

Từ tháng 7/2015, Dự án được triển khai tại 15 tỉnh, thành phố là Hà Nội, Vĩnh Phúc, Hải Dương, Hải Phòng, Quảng Ninh, Nam Định, Thái Nguyên, Ninh Bình, Thái Bình, Nghệ An, TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai, Khánh Hòa và Bà Rịa-Vũng Tàu.

Kết quả chỉ số cam kết năm 2016 cho thấy, tính đến tháng 9/2016, số lượng người quan hệ đồng tính nam tiếp cận chương trình dự phòng HIV là 23.239, đạt 102,7%; tỷ lệ người quan hệ đồng tính nam chuyển gửi thành công đi xét nghiệm HIV vượt chỉ tiêu so với chỉ số cam kết.

Số lượng phụ nữ bán dâm tiếp cận chương trình dự phòng HIV là 10.259, đạt 104,6%; số lượng người nghiện chích ma túy tiếp cận chương trình dự phòng HIV là 37.409, đạt 105,2%; số lượng tổ chức cộng đồng là 96 đạt 100%; số lượng tiếp cận viên đồng đẳng là 1.180, đạt 78%; tỷ lệ người nghiện chích ma túy chuyển gửi vượt chỉ tiêu cam kết; số cuộc gọi xin tư vấn pháp luật là 2.509, đạt 125%...

Trong 9 tháng đầu năm 2017, Dự án VUSTA đã triển khai các hoạt động tiếp cận đồng đẳng, bao gồm sàng lọc các khách hàng cũ, tìm kiếm các khách hàng mới, đồng thời thực hiện các hoạt động truyền thông, tư vấn, chuyển gửi khách hàng tới các cơ sở dịch vụ cần thiết. Phần lớn các nhóm đã có kinh nghiệm trong triển khai dự án, nên từ đầu năm 2017, các nhóm đều thực hiện việc sàng lọc, rà soát và đưa ra khỏi danh sách can thiệp các khách hàng HIV ( ) đã được điều trị ARV và các khách hàng đã điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế Methadone, tìm kiếm và tiếp cận các khách hàng mới có hành vi nguy cơ cao và chưa hoặc đã từng xét nghiệm HIV trước đó ít nhất 6 tháng. Các nhóm đã mở rộng hoạt động tiếp cận sang các địa bàn mới, xa hơn nhằm tới các khách hàng có hành vi nguy cơ lây nhiễm cao.

Tính đến hết ngày 20/9/2017, tất cả các hoạt động nhằm thực hiện mục tiêu “Cung cấp dịch vụ dự phòng lây nhiễm HIV cho những người tiêm chích ma túy, phụ nữ mại dâm, người quan hệ đồng tính nam có nguy cơ lây nhiễm cao” đều đã được Dự án thực hiện đạt và vượt chỉ tiêu cam kết với nhà tài trợ.

Tại 15 tỉnh/thành phố triển khai Dự án, 3 đơn vị tiếp nhận viện trợ phụ đã làm việc tích cực với các tổ chức dựa vào cộng đồng, cung cấp dịch vụ dự phòng lây nhiễm HIV cho 26.513 người quan hệ đồng tính nam đạt 101,1% chỉ tiêu, 44.699 người tiêm chích ma túy đạt 99,6% chỉ tiêu và 10.623 nữ bán dâm đạt 101,4% chỉ tiêu cam kết trong năm 2017.

Thêm cơ hội xét nghiệm HIV cho các đối tượng đích

Một trong những dịch vụ dự phòng hoạt động hiệu quả trong thời gian qua của Dự án VUSTA phải kể đến hoạt động xét nghiệm HIV không chuyên bằng phương pháp lấy máu đầu ngón tay do cộng đồng nhóm đích thực hiện - đã được triển khai tại Hà Nội và TPHCM từ cuối năm 2016.

Đến cuối tháng 9/2017, hoạt động này đã được mở rộng ra 14 tỉnh dự án, hỗ trợ nhiều cho các nhóm trong việc tạo thêm cơ hội xét nghiệm cho thành viên cộng đồng. Tỷ lệ người quan hệ đồng tính nam, người nghiện chích ma túy và phụ nữ bán dâm được chuyển gửi thành công đến dịch vụ xét nghiệm HIV cũng đạt vượt chỉ tiêu cam kết năm 2017.

Cu thể, năm 2017, Dự án cam kết với nhà tài trợ chuyển gửi 65% số lượng khách hàng được chăm sóc tiếp cận đến dịch vụ tư vấn xét nghiệm HIV. Thực tế đến hết tháng 9, trong tổng số 26.513 người quan hệ đồng tính nam được tiếp cận, chăm sóc, tỷ lệ được chuyển gửi sang dịch vụ tư vấn xét nghiệm HIV thành công là 66%. Tương tự, tỷ lệ chuyển gửi thành công khách hàng đến dịch vụ tư vấn, xét nghiệm HIV ở nhóm nghiện chích ma túy là 67,4% và nhóm phụ nữ bán dâm là 66,1%.

Truyền thông thay đổi hành vi, giảm kì thị phân biệt đối xử

Hàng tháng, các nhóm đều tổ chức định kỳ các hoạt động truyền thông, tư vấn nhóm nhỏ với sự tham gia các khách hàng. Số người tham dự thường từ 15-30 người/buổi truyền thông và 5-10 người/tư vấn nhóm. Các nội dung truyền thông tập trung vào các kiến thức cơ bản về HIV, quy trình tư vấn, xét nghiệm HIV tự nguyện; lợi ích của việc điều trị ARV, tác dụng phụ; điều trị phơi nhiễm HIV, các bệnh lây truyền qua đường tình dục, tác hại của ma túy, viêm gan C, lợi ích của việc sử dụng bảo hiểm y tế trong điều trị, cách sử dụng bao cao su đúng cách…

Các hoạt động truyền thông có vai trò quan trọng trong việc khuyến khích các tổ chức dựa vào cộng đồng (CBO) đoàn kết, hiểu nhau hơn, duy trì nhiệt huyết trong cộng đồng; tăng cường sự phối hợp, hỗ trợ của các ban ngành địa phương trong việc giúp CBO triển khai hoạt động can thiệp, và giảm kì thị phân biệt đối xử liên quan đến HIV/AIDS. Sự kiện giúp cộng đồng hiểu hơn, đồng cảm, chia sẻ hơn với nhóm đối tượng đích. Sự kiện là tiếng nói chung của CBO kêu gọi cộng đồng giảm kỳ thị phân biệt đối xử với người sống chung với HIV và nhóm nguy cơ cao.

Năm 2017 là năm cao điểm chuyển giao nguồn lực điều trị HIV từ nguồn viện trợ sang nguồn tài chính trong nước. Do vậy, bảo hiểm y tế cho người nhiễm HIV là một chủ để nóng bỏng mà các khách hàng của dự án rất quan tâm. Trong kỳ báo cáo, với sự hỗ trợ từ Trung tâm LIFE, 4 CBO tại tỉnh Bình Dương đã tổ chức thành công sự kiện truyền thông “Bước ngoặt” tại cộng đồng vào ngày 24/6/2017 đánh dấu 7 năm thành lập và phát triển của các CBO với hơn 200 người tham dự.

Thông qua sự kiện, CBO tại tỉnh Bình Dương khẳng định được vai trò và vị trí của các tổ chức dựa vào cộng đồng trong hoạt động phòng, chống HIV/ AIDS tại địa phương. Thông qua sự kiện, CBO tại tỉnh Bình Dương khẳng định được vai trò và vị trí của các tổ chức dựa vào cộng đồng trong hoạt động phòng, chống HIV/ AIDS tại địa phương.

Nhiều người được tư vấn qua đường dây “nóng”

Ngoài các hoạt động can thiệp giảm hại, xét nghiệm tự nguyện, tư vấn truyền thông, Dự án VUSTA còn duy trì tư vấn pháp luật miễn phí qua đường dây hotline 18001029 về các vấn đề: Liên quan đến hôn nhân - gia đình, dân sự - hành chính: Đất đai, tài sản thừa kế; Hình sự: Sử dụng ma túy, hành nghề mại dâm; Tham gia chương trình điều trị Methadone, xét nghiệm HIV, điều trị ARV, bảo hiểm y tế. Tính đến hết 30/6/2017, đã có 1.267 cuộc gọi tư vấn qua đường dây nóng.

Tổ chức một số hội thảo vận động chính sách, như: “Hoàn thiện cơ sở pháp lý về tài chính cho các tổ chức xã hội” với mục đích chia sẻ kết quả cuối cùng của nghiên cứu “Hướng tới sự phát triển bền vững của các tổ chức xã hội dưới góc độ tài chính”. Hội thảo đã tham vấn ý kiến của gần 20 chuyên gia để có thể đưa ra những đề xuất nhằm hoàn thiện hơn khung khổ pháp lý liên quan đến tài chính cho các TCXH, đóng góp cho các dự thảo luật và văn bản dưới luật liên quan đến hoạt động của các TCXH trong thời gian tới.

Hội thảo góp ý dự thảo Luật trợ giúp pháp lý, thảo luận về các rào cản trong việc tiếp cận dịch vụ hỗ trợ pháp lý cho các nhóm dễ bị tổn thương về lĩnh vực phòng, chống HIV/AIDS; đồng thời tổng hợp các ý kiến đóng góp của các cơ quan ban ngành, các tổ chức cộng đồng và các tổ chức xã hội với Dự thảo Luật trợ giúp pháp lý.

Hội thảo Chia sẻ kinh nghiệm triển khai hoạt động phòng, chống HIV/AIDS, chia sẻ sẻ kinh nghiệm hoạt động nhằm cải thiện chất lượng chương trình phòng, chống HIV/AIDS; chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức và thảo luận về các biện pháp nhằm tăng sự tiếp cận và sử dụng dịch vụ điều trị ARV: dự phòng lây nhiễm HIV/AIDS; chuyển gửi khách hàng đi xét nghiệm HIV, thực hiện laytest; điều trị ARV và các dịch vụ y tế liên quan đến HIV/AIDS…

Ông Phạm Nguyên Hà, Phó Giám đốc Thường trực Ban Quản lý Dự án VUSTA cho biết, trong thời gian tới Dự án tiếp tục cung cấp các gói dịch vụ dự phòng lây nhiễm HIV và điều trị nghiện ma túy; củng cố hệ thống cộng đồng; gỡ bỏ các rào cản tiếp cận dịch vụ phòng chống HIV/AIDS; tăng nguồn lực tài chính.

Bên cạnh đó, tiếp tục cung cấp gói dịch vụ dự phòng lây nhiễm HIV và nghiện ma túy, như thông tin, truyền thông thay đổi hành vi (đa dạng và cung cấp tài liệu truyền thông); cung cấp can thiệp dự phòng giảm hại như cung cấp bơm kim tiêm, bao cao su, chất bôi trơn...; tư vấn, xét nghiệm, phát hiện HIV; xét nghiệm tại các cơ sở y tế; xét nghiệm tự nguyện tại cộng đồng; chuyển gửi người nhiễm HIV tới cơ sở điều trị HIV…
Top