“Nhiễm HIV, em bị bố đuổi ra vườn ở”

14/09/2015 17:08

Đó là thực tế của T (22 tuổi, ở Sóc Sơn, Hà Nội). Khi biết con nhiễm HIV, việc đầu tiên mà bố của T làm là dựng một cái chòi ở góc khuất vườn nhà, quẳng hết đồ đạc của con mình vào đó. Điều khiến T gục ngã không phải vì căn bệnh mà chính là sự sợ hãi, ghẻ lạnh của người thân trong gia đình.

Bị kỳ thị ngay trong chính gia đình mình

Quan hệ tình dục thiếu an toàn, T bị nhiễm HIV. Sống trong chiếc lều tạm bợ dựng ở góc vườn, T tự cho là đời mình đã hết. Không nghề nghiệp, bạn bè e ngại, gia đình không còn là điểm tựa, nhiều lúc T muốn kết thúc cuộc sống của mình.

Kỳ thị và phân biệt đối xử vẫn là rào cản người nhiễm HIV tiếp cận với dịch vụ dự phòng, chăm sóc và điều trị HIV

Đúng vào lúc T chán nản nhất, định tử tự để tìm lối thoát thì một người bạn đã mách T đến Trung tâm Tư vấn pháp luật và chính sách về Y tế, HIV/AIDS xin được trợ giúp. Một cô gái trẻ là tư vấn viên của Trung tâm, đồng thời cũng là người nhiễm HIV đã đến gia đình T vận động, thuyết phục để gia đình hiểu và quan tâm đến con mình. Mẹ T đã khóc. Bà khóc vì sự thiếu hiểu biết của mình, vì khi con cần gia đình nhất thì cha mẹ ghẻ lạnh. Bà khóc vì cô gái xinh xắn kia là một người như con bà, được người thân và cộng đồng nâng đỡ đã tự tin và sống đầy ý nghĩa. Trong lúc đó, bố T đã lẳng lặng ra vườn đạp đổ cái chòi, mang đồ đạc của con trai vào nhà...

Bị nhiễm HIV khi vừa tròn 18 tuổi, đến nay M (ở Thanh Trì, Hà Nội), một người nghiện ma túy đã có được cuộc sống tốt hơn cái thời điểm mà anh cho là “rất kinh khủng ấy”. Theo bạn bè, M nghiện ma túy, dùng chung bơm kim tiêm và lây nhiễm HIV lúc nào không hay. “Khi xét nghiệm máu biết được tình cảnh của mình, em cảm thấy đầu óc trống rỗng, chán nản vô cùng. Ban đầu, bố mẹ và anh chị hắt hủi, nói những lời cay nghiệt, em đã từng bỏ nhà đi. Cũng may, khi ông bà em biết chuyện đã thuyết phục bố mẹ và em được trở về nhà. Người nhà đã liên hệ cho em được điều trị cai nghiện thay thế bằng Methadone nên giờ đây em không còn lấy trộm tiền của nhà đi mua ma túy tiêm chích. Em đã có công việc ổn định. Điều quan trọng nhất là người bạn gái của em đã cảm thông và cho em một mái ấm hạnh phúc”, M kể.

M cho biết thêm: “Lúc mới quen cô ấy, em mặc cảm mình là người đang điều trị, bệnh tật nhưng nhờ các chị ở cơ sở điều trị Methadone động viên nhiều, sức khỏe cũng tốt hơn và mình cũng trở thành người có ích nên em đã đến với cô ấy bằng tình cảm chân thành”.

Khi tình yêu đã đạt được sự tin cậy, M thổ lộ với bạn gái chuyện mình từng nghiện ma túy và tình trạng hiện tại. Thấy được sự cố gắng của người yêu, cô gái đã chấp nhận. “Lúc chuẩn bị kết hôn, em lo lắng và đau khổ lắm vì cô ấy chưa biết em bị nhiễm HIV. Nhưng đã yêu và quyết tâm làm vợ chồng thì mình không thể lừa dối cô ấy. Em đã có một buổi tâm sự và để bạn gái quyết định trước khi quá muộn. Nghe em nói xong, cô ấy bị sốc. Sau những giây phút im lặng khủng khiếp, cô ấy đã quyết sẽ vượt qua mọi khó khăn để gắn bó cuộc đời với em”, M xúc động chia sẻ.

Bị xì xào bàn tán -  dạng kỳ thị và phân biệt đối xử phổ biến nhất

Những bạn trẻ như T, M dù sống trong một xã hội hiện đại, nhiều thông tin nhưng đã không được trang bị đủ kiến thức để phòng tránh được các nguy cơ lây nhiễm HIV/AIDS. Điều đáng lo ngại là thanh, thiếu niên chiếm tới hơn 1/2 số người nhiễm.

Nói về tình hình dịch HIV/AIDS trên địa bàn Hà Nội, BS Nguyễn Phương Hoa, Trưởng khoa Giám sát HIV/AIDS, Trung tâm phòng, chống HIV/AIDS Hà Nội cho biết: Hà Nội là một trong 5 tỉnh, thành phố có số người nhiễm HIV cao nhất nước. Tính đến ngày 30/6, tổng số trường hợp nhiễm HIV/AIDS còn sống trên địa bàn Thủ đô là hơn 18.000 trường hợp. Tổng số bệnh nhân nhiễm HIV đã tử vong do AIDS là gần 5.000 trường hợp. Điều đáng nói là xu hướng nhiễm HIV/AIDS qua đường quan hệ tình dục khác giới đang tăng dần và chiếm tỷ lệ lớn hơn so với trước đây. Bên cạnh đó, trong 1-2 năm gầy đây, tỷ lệ nhiễm HIV trong quan hệ đồng giới cũng bắt đầu tăng.

Tuy nhiên, chính sự kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV đang cản trở tiến độ của các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS. Theo kết quả nghiên cứu đánh giá mức độ kỳ thị với người nhiễm HIV ở Việt Nam năm 2014 tại 5 tỉnh, thành phố (bao gồm Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Điện Biên, Hải Phòng và Cần Thơ) với hơn 1.600 người và được thực hiện bởi Mạng lưới quốc gia những người sống với HIV tại Việt Nam cho thấy, bị xì xào bàn tán là một trong các dạng kỳ thị và phân biệt đối xử phổ biến nhất chiếm tỷ lệ 23,3%; tiếp đến là 6,7% người nhiễm HIV bị từ chối việc làm; 5,8% bị xúc phạm; 4,2% bị mất việc làm hoặc nguồn thu nhập; 2,8% phụ nữ sống với HIV bị hành hung và 2,6% bị loại khỏi các hoạt động xã hội… Trong đó, phụ nữ mại dâm, phụ nữ sống với HIV, người tiêm chích ma túy là các nhóm hay bị vi phạm quyền của người nhiễm HIV cao nhất.

Tại Hội thảo “Vận động chống kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV” vừa diễn ra đầu tháng 9/2015 tại Hà Nội, TS Hoàng Đình Cảnh, Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) đã khẳng định, kỳ thị và phân biệt đối xử vẫn là rào cản người nhiễm HIV tiếp cận với dịch vụ dự phòng, chăm sóc và điều trị HIV và là rào cản cho việc hoàn thành các cam kết của Việt Nam với quốc tế: Chấm dứt dịch AIDS vào năm 2030. TS Hoàng Đình Cảnh cũng đề nghị Ban Chỉ đạo phòng, chống AIDS, ma túy và mại dâm TP Hà Nội có văn bản chỉ đạo các ban, ngành liên quan tăng cường các giải pháp nhằm giảm kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV ở Hà Nội. Trong đó nêu rõ trách nhiệm của từng ban, ngành, và báo cáo thực hiện; Sở Y tế và Sở Tư pháp thống nhất xây dựng quy chế phối hợp nhằm triển khai quy chế của Bộ Y tế và Bộ Tư pháp về tăng cường công tác trợ giúp pháp lý cho người nhiễm HIV.

 Trong 6 tháng đầu năm 2015 đã phát hiện 434 trường hợp nhiễm HIV mới; Số bệnh nhân AIDS là 381 trường hợp; Số bệnh nhân đã tử vong do AIDS là 75 trường hợp. Trên địa bàn thành phố, đến nay đã có 548/584 xã/phường/thị trấn phát hiện có người nhiễm HIV (chiếm tỷ lệ 93,3%). Trong đó có gần 90% người nhiễm tập trung chủ yếu ở 12 quận, huyện nội thành của Hà Nội. Đa số người nhiễm HIV/AIDS ở lứa tuổi (từ 20 - 39).
Top