Nha Trang: Chương trình phòng ngừa lây nhiễm HIV từ mẹ sang con đạt kết quả cao

17/01/2012 18:33

Mặc dù mới triển khai hoạt động được hơn 2 năm nhưng Chương trình phòng ngừa lây nhiễm HIV từ mẹ sang con tại Nha Trang đã đạt được những kết quả khả quan.

Theo Trung tâm Y tế thành phố Nha Trang, tính đến ngày 28/12/2011, thành phố đã phát hiện 1.039 người nhiễm HIV, 636 người đã tử vong do AIDS, trong đó tỷ lệ người nhiễm HIV/AIDS là nữ chiếm 18%, số phụ nữ nhiễm HIV mang thai chiếm 2% trên tổng số người nhiễm HIV/AIDS.

Thông qua công tác truyền thông, tư vấn trực tiếp Chương trình đã tiếp nhận và tổ chức xét nghiệm HIV tự nguyện cho hàng ngàn phụ nữ mang thai. Đặc biệt nhờ làm tốt công tác điều trị dự phòng, năm vừa qua tại Nha Trang có 14/18 phụ nữ mang thai nhiễm HIV sinh con âm tính với HIV.

Chương trình phòng ngữa lây nhiễm HIV từ mẹ sang con (thuộc Dự án Quỹ Toàn cầu phòng, chống HIV/AIDS) được triển khai thực hiện ở Nha Trang từ tháng 6-2009. Đến nay mạng lưới hoạt động của Chương trình trải rộng đến tất cả 27 xã, phường, Đội Bảo vệ sức khỏe bà mẹ trẻ em và Nhà hộ sinh thành phố. Ngoài ra, tham gia mạng lưới dự phòng lây nhiễm HIV từ mẹ sang con còn có nhóm đồng đẳng viên, Câu lạc bộ người có “H” của thành phố.

Một buổi truyền thông về Dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con ở Nha Trang.

Nội dung hoạt động của Chương trình gồm: Tư vấn xét nghiệm HIV cho thai phụ; điều trị dự phòng bằng thuốc kháng HIV; chăm sóc hỗ trợ cho mẹ và con trước, sau khi sinh; cung cấp sữa thay thế; truyền thông về dự phòng lây nhiễm HIV từ mẹ sang con cho các ban ngành, đoàn thể, lãnh đạo địa phương, phụ nữ mang thai và cộng đồng dân cư.

Hoạt động dự phòng lây nhiễm HIV từ mẹ sang con của Nha Trang đã đạt được kết quả đáng khích lệ. Số phụ nữ mang thai xét nghiệm HIV tự nguyện ngày càng tăng, từ 40% (năm 2009) lên 83% (năm 2011), xét nghiệm trong lúc mang thai từ 63% (năm 2009) tăng lên 97,35% (năm 2011). 100% phụ nữ mang thai được phát hiện nhiễm HIV từ các cơ sở tư vấn, xét nghiệm và từ Trung tâm Y tế Nha Trang đều được quản lý, theo dõi, điều trị, chăm sóc mẹ, bé trước, trong và sau khi sinh.

Tuy nhiên, hiện nay hoạt động dự phòng lây nhiễm HIV từ mẹ sang con của Nha Trang đang gặp không ít trở ngại. Sự kỳ thị và tự kỳ thị người nhiễm HIV đã và đang là rào cản cho hoạt động này. Một số người nhiễm HIV có hoàn cảnh khó khăn, không đủ điều kiện để chăm sóc thai sản, nuôi dưỡng bé sau sinh cũng là nguyên nhân ảnh hưởng đến chất lượng của Chương trình. Ngoài ra, do kinh phí cho truyền thông trực tiếp còn hạn chế nên công tác tuyên truyền để nâng cao ý thức cho người dân trong phòng, chống HIV/AIDS và dự phòng lây nhiễm HIV từ mẹ sang con ở Nha Trang gặp nhiều khó khăn.

Top