Người phụ nữ “vượt qua số phận” để được sống...

18/02/2014 13:18

Trong gia đình có sáu người nhưng có đến năm người nhiễm HIV, gia đình chị đã có thời gian bị xa lánh, cô lập, thậm chí có người đã ngăn không cho mọi người trong gia đình chị được làm việc để kiếm sống. Không tuyệt vọng, suốt một năm qua, chị đã đi đòi quyền sống cho cả gia đình...

Chị Hồ Thị Lài và anh Trương Bá Nam ở tổ 4, ấp Trà Thanh, xã Thanh An, huyện Hớn Quản, tỉnh Bình Phước cưới nhau năm 2002. Tuy không khá giả, nhưng anh chị có công ăn việc làm ổn định. Anh Nam có nghề uốn cây cảnh, nổi tiếng khéo tay, nên thu nhập khá. Còn chị Lài, phụ bán quán ăn nên hai vợ chồng cũng chỉ đủ ăn.

Hội LHPN xã Thanh An thăm hỏi gia đình chị Lài (áo trắng)

Sau khi kết hôn, hai vợ chồng sinh liên tục bốn đứa con. Thấy các con ra đời đều lanh lợi, hoạt bát, khỏe mạnh, hai anh chị vui lắm. Họ chăm chỉ làm nhiều hơn để kiếm tiền lo cho con cái. Chị Lài kể: “Sinh và nuôi bốn đứa con một lèo sau chín năm (từ 2003 đến 2012) cũng là lúc căn nhà vách gỗ của chúng tôi sắp sập. Anh Nam đi làm thuê ở vườn kiểng, những khi rảnh rỗi, còn nhận điêu khắc gỗ để kiếm thêm. Hễ có tiền, anh lại mua ván để dành, sửa lại nhà cho con có chỗ ở tươm tất”.

Nhưng rồi mọi dự tính của đôi vợ chồng trẻ ấy vỡ tan khi các bác sĩ Bệnh viện (BV) Nhi Đồng 2, TP.HCM kết luận đứa con thứ hai của anh chị, cháu Trương Thị Thúy Nga (sinh 2007) nhiễm HIV chuyển sang AIDS giai đoạn cuối. Chị Lài nhớ lại: “Sau bốn tháng ròng Nga ho, sốt, chạy chữa hoài không dứt, chúng tôi đưa Nga đến BV Nhi Đồng 2. Được mấy hôm, các bác sĩ mời anh Nam vào phòng tư vấn báo tin Nga nhiễm HIV. Anh Nam ngất lịm bên con, khi gọi điện về nhà, anh chỉ nói tôi lên BV vì anh đang mệt quá”.

Sau khi ở viện về, anh Nam nằm liệt luôn vì những cơn ho dai dẳng. Mẹ Nam ở gần đấy phải chạy sang chăm con trai và các cháu hộ hai vợ chồng anh chị.

Chị Lài ở BV được hai ngày thì lại được mời lên phòng tư vấn. Thấy vị bác sĩ cứ nhìn mình một cách đầy thương cảm, lại chỉ lên tấm ảnh một đứa bé tiều tụy, gầy giơ xương dán ở một góc phòng, giải thích cách chăm sóc con cho khoa học… chị Lài bật khóc: “Bác sĩ ơi, tôi không biết chữ, ông nói gì cho rõ ràng hơn với, con tôi bị ung thư phổi hay là ung thư gan hả ông?”. Lúc ấy, chị Lài mới hay bệnh tình của con và chị lẫn chồng đều có nguy cơ đang ủ bệnh.

Không tuyệt vọng

Chị Lài chia sẻ: “Kết quả xét nghiệm cho thấy cả nhà tôi đều nhiễm HIV, trừ con gái lớn Thủy Tiên. Trong đó, anh Nam và cháu Nga ở giai đoạn cuối, tôi ở giai đoạn ba, còn hai cháu nhỏ vào thời kỳ đầu. Các bác sĩ giải thích, có thể tôi và anh Nam đã nhiễm HIV sau khi sinh cháu Thủy Tiên”.

Chỉ trong vòng vài ngày, dường như cả xã Thanh An đều biết tin về bệnh tật của gia đình Lài. Một buổi chiều, bé Tiên đi học về, khóc tức tưởi: “Mẹ ơi, các bạn ở trường không ai chơi với con, có bạn đang nói chuyện với con liền bị mẹ giật tay, tát vào mặt, cấm con chơi cùng!”. Chị Lài nuốt nước mắt, dỗ dành Tiên cố gắng đi học để biết chữ. Nhưng khi anh Nam trở bệnh nặng phải nhập viện điều trị thì chị Lài bị chủ quán cho nghỉ việc.

“Lúc đó tôi chỉ muốn chết. Vợ tôi phải lần lượt bán hết đồ đạc trong nhà. Không có thẻ bảo hiểm y tế, nên tiền thuốc men không lo nổi. Tháng 4/2013, mẹ tôi đồng ý cho bán nửa mảnh đất đang ở để lấy tiền trị bệnh. Hoàn cảnh khổ vậy, thêm nỗi đau là không có một người hàng xóm nào dành cho vợ chồng tôi một nụ cười”- anh Nam nói như mếu.

Trước sự ghẻ lạnh, kỳ thị của cộng đồng khi cả nhà lâm vào khốn quẫn, chị Lài đã tìm đến Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Thanh An gặp chị Phan Thị Thu, Chủ tịch Hội, kể chuyện gia đình mình. Chị Thu nhớ lại: “Chính trong khổ đau, tuyệt vọng, Lài đã bật ra những suy nghĩ để bảo vệ sự sống cho cả gia đình. Lài không chờ đợi tôi đi “minh oan” và tìm việc giúp. Để kiếm tiền lo cho chồng con, cô không từ một việc vất vả nào. Nhưng khốn khổ thay, nhận việc được năm ba bữa, người ta phát hiện “cô Lài sida”. Thế là cô ấy tất tả tìm việc mới”.

Bà Lê Thị Sáu, mẹ chồng chị Lài rưng rưng: “Lài làm ở quán ăn, xí nghiệp may, hiệu làm tóc, giúp việc nhà... đây là những công việc tiếp cận với con người nên bị họ từ chối đã đành. Còn Nam đi uốn cây cảnh mà họ cũng không cho làm việc, họ cư xử cứ như sida có thể lây vào khóm cây hay cái kéo cắt cành”.

Cuối cùng, chị Lài đã tìm được cho mình hai công việc là làm công nhân vác đá làm đường và bóc mủ cao su. Thu nhập của cả hai công việc cũng chỉ giúp chị Lài có của để ăn, ấy vậy mà vẫn có những công nhân cùng làm đường đòi nhà thầu cho chị Lài thôi việc.

Chị Thu thấy vậy phải “bảo lãnh” cho chị Lài thì chị mới được làm tiếp. Sau đó, chính chị Lài đã “truyền thông” cho những người phu làm đường rằng HIV không dễ lây như người ta vẫn tưởng.

Chị Lài cũng đã tìm đến Trường tiểu học Trà Thanh, tuyên truyền “thủ thỉ” chia sẻ kiến thức phòng HIV/AIDS với từng phụ huynh để bé Tiên được chơi với bạn, được học hành bình thường như các trẻ khác.

 “Cho đến giờ các bác sĩ vẫn chưa hề biết vì sao vợ chồng tôi lây nhiễm HIV. Có thể do anh Nam đi cắt tóc, ngoáy tai, cũng có thể do tôi làm móng tay chân bị trầy xước...đã làm lây nhiễm HIV. Suốt 12 năm chung sống, chúng tôi chỉ quần quật lao động để lo cho gia đình, vậy mà khi bệnh tật lại xảy ra với gia đình chúng tôi”, chị Lài nói.

Anh Nam hiện đang làm nghề chăm sóc cây cảnh

Bà Lê Thị Kim Tuyến - Trưởng phòng Văn hóa - thông tin huyện Hớn Quản cho biết: “Chính việc kêu cứu, vẫy vùng đòi quyền được sống của chị Lài cho chúng tôi một bài học sâu sắc về công tác truyền thông phòng, chống AIDS. Tờ bướm, sổ tay, loa phát thanh rồi những buổi sinh hoạt cộng đồng đều không hiệu quả bằng cách làm của chị Lài”.

Chị Lài trầm tư: “Vợ chồng tôi cảm ơn từng ký gạo, hộp sữa mà các chị ở Hội Phụ Nữ chắt chiu gửi tặng. Nhưng tôi và anh Nam vẫn muốn tự mình làm ra tiền lo cho các con, để mai này các con tôi biết nhìn vào gương cha mẹ mà sống tiếp. Cũng may, người chủ vựa kiểng đã đồng ý cho anh Nam nhận cây cảnh về nhà uốn. Chính quyền xã, huyện đã cứu giúp, cất cho chúng tôi căn nhà tình thương. Tôi cảm ơn cuộc đời này đã cho gia đình tôi quyền được sống!”.

Đối diện nỗi đau, không phải ai cũng bi lụy, mất phương hướng. Bằng nghị lực của bản thân, với sự đùm bọc thương yêu, chia sẻ của người thân, bạn bè, cộng đồng, nhiều người đã vượt qua nghịch cảnh để tiếp tục sống tốt hơn, ý nghĩa hơn, trong số đó có chị, một người phụ nữ giàu nghị lực.
Top