Ngôi trường ‘đặc biệt’ của người chuyển giới tại Indonesia

24/09/2018 16:28

Giữa một đất nước còn nhiều định kiến và kỳ thị đối với cộng đồng song tính, đồng tính và chuyển giới (LGBT), ngôi trường “đặc biệt” đã trở thành mái ấm cho những người bị xã hội ruồng bỏ tại Indonesia.

 

Bà Shinta Ratri - người thành lập nên ngôi trường dành cho các "waria".

Indonesia là quốc gia Hồi giáo đông dân nhất thế giới. Tại đất nước này, người LGBT thường xuyên phải đối mặt với sự kỳ thị và phân biệt đối xử từ xã hội, trở thành nạn nhân của đói nghèo và bạo lực.

Tuy nhiên, Shinta Ratri (56 tuổi) là một người đấu tranh tích cực cho cộng đồng người chuyển giới tại Indonesia đã thành lập ra ngôi trường đặc biệt có tên Pondok Pesantren Waria. Ngôi trường nội trú thành lập năm 2008, dành cho những người được gọi là "waria", một từ ghép giữa wanita (có nghĩa là "phụ nữ" trong tiếng Indonesia) và pria (có nghĩa là "đàn ông"). 

Shinta thú nhận với gia đình mình về giới tính thật ẩn chứa trong con người mình từ năm 16 tuổi. Sinh ra trong dáng hình một người con trai nhưng Shinta lại cảm nhận mình là nữ. Việc này đã khiến Shinta không được phép đặt chân vào ngôi nhà của mình tại Yogyakarta trong suốt 37 năm. Vì quá khứ đau buồn ấy mà ngôi trường Pondok Pesantren Waria đã trở thành mái ấm che chở cho những người chuyển giới có cùng cảnh ngộ, bảo vệ họ khỏi sự dè bỉu của xã hội và sự ruồng bỏ của gia đình.

Bà Shinta Ratri cho biết: “Chương trình học của chúng tôi gồm 3 chủ đề chính. Chúng tôi dạy các học viên về đạo Hồi, ý thức giá trị của bản thân mình và từ đó giúp họ cởi mở hơn với xã hội. Đồng thời, chúng tôi dạy họ về quyền của con người".

"Waria thường cảm thấy không thoải mái khi cầu nguyện ở những thánh đường công cộng, vì thế tôi nghĩ mọi thứ sẽ dễ dàng hơn khi chúng tôi cùng ngồi bên nhau trong căn nhà riêng với những vấn đề tâm linh riêng trong trái tim của mỗi chúng tôi", bà Shinta chia sẻ.

Ngôi trường được lập nên cũng là nỗ lực của bà Shinta nhằm phá vỡ những khái niệm giới tính cổ hủ, khắt khe khi nam nữ phải cầu nguyện riêng ở các nhà thời Hồi giáo, không được tiếp xúc thân thể, trao đổi ánh mắt tại nơi công cộng và nơi linh thiêng, các mối giao lưu giữa 2 người khác giới đều bị cấm.

Không bị coi là phạm pháp, nhưng người LGBT tại Indonesia luôn bị xã hội kỳ thị, thậm chí là bạo lực. Nhiều người phải sống bằng “vốn tự có” hoặc biểu diễn đường phố vì không thể tìm được công việc ổn định.

Học viên tại trường của bà Shinta chia sẻ: "Ở đây chúng tôi cảm thấy thoải mái. Chúng tôi trò chuyện với nhau, cùng cầu nguyện và thường rủ nhau đi dạo hay gặp gỡ bạn bè vào buổi tối. Tôi không cảm thấy mình là người kỳ lạ".

Bà Shinta mong muốn ngôi trường của mình sẽ trở thành một hình mẫu cho cộng đồng LGBT theo đạo Hồi, không chỉ tại Indonesia mà còn ở nhiều nước khác trên thế giới.
Top