Nghệ An: Hơn 80% người nhiễm được điều trị ARV

11/12/2020 11:52

Theo số liệu thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, Nghệ An đã ghi nhận có 4.245 người chết do AIDS. Hiện hơn 5.800 người nhiễm HIV và hơn 80% trong số này được điều trị ARV.

Diễu hành hưởng ứng Ngày Thế giới phòng, chống HIV/AIDS ngày 01/12/2020 và Tháng hành động Quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 202. Ảnh: TTKSBT Nghệ An

Tính đến tháng 11/2020, Nghệ An có 21/21 huyện, thị xã, thành phố phát hiện người nhiễm HIV; 10.094 người nhiễm HIV được báo cáo, trong đó số người chết do AIDS là 4.245 người. Số người nhiễm HIV còn sống là 5.849 người. Tổng số bệnh nhân đang được điều trị thuốc ARV là 4.693 bệnh nhân.

Đến nay, Nghệ An đã đạt chỉ tiêu trên 87% số người nhiễm biết được tình trạng của mình; 80,2% số người nhiễm đang được điều trị bằng thuốc ARV. Công tác điều trị đã được triển khai ở 21/21 huyện, thành, thị với 25 cơ sở chăm sóc và điều trị. Các hoạt động cấp phát thuốc tại xã phường, lưu động về tư vấn, xét nghiệm, cấp phát bơm kim tiêm, bao cao su...đã được triển khai đồng bộ và đã tạo chuyển biến rõ nét trong thực hiện các chỉ tiêu 90-90-90.

Tuy nhiên, đáng lưu ý, tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm vợ, chồng, bạn tình của người nhiễm HIV có xu hướng gia tăng; năm 2010 là 13,36% tới năm 2015 là 19,3% và năm 2020 tỷ lệ này là 22,79%. Tỷ lệ người nhiễm HIV tập trung ở nhóm nam giới với 78,59% và nữ giới chiếm 21,41%. Người nhiễm HIV chủ yếu trong độ tuổi từ 20 tuổi đến 39 tuổi, chiếm 85,9% tổng số người nhiễm của cả tỉnh.

Để đẩy lùi dịch bệnh, thời gian qua địa phương chú trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền. Theo đó, hoạt động truyền thông phòng, chống HIV/AIDS thường xuyên được chú trọng đổi mới về cả nội dung lẫn hình thức, bảo đảm tính thiết thực và phù hợp với từng đối tượng. Giai đoạn 2015-2020, các cơ quan truyền thông đã phát sóng 1.025 lượt trên đài truyền hình tỉnh/huyện, đài phát thanh xã/phường/thị trấn quảng bá về các dịch vụ tư vấn xét nghiệm HIV, điều trị Methadone, điều trị ARV, BHYT và giảm kỳ thị, phân biệt đối xử liên quan tới HIV/AIDS.

Ngoài ra, sự kỳ thị phân biệt đối xử với người nhiễm HIV vẫn còn lớn khiến người có hành vi nguy cơ lây nhiễm HIV sợ bị kỳ thị, không muốn đi làm xét nghiệm HIV, người nhiễm không muốn bộc lộ bị nhiễm HIV để đến cơ sở y tế để được điều trị ARV sớm. Trong khi đó nhân lực phòng, chống HIV/AIDS thường xuyên thay đổi, trang thiết bị kỹ thuật hạn chế... cũng đang là trở ngại đối với công tác phòng chống căn bệnh thế kỷ này tại Nghệ An.

Ông Dương Đình Chỉnh - Giám đốc Sở Y tế Nghệ An cho hay để công tác phòng, chống HIV/AIDS đạt hiệu quả cần phải có sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức xã hội và mọi người dân. Các cấp, ngành cần coi nhiệm vụ phòng chống HIV/AIDS vừa có tính cấp bách vừa có tính lâu dài...
Top