Nâng cao vai trò của tổ chức cộng đồng trong phòng, chống HIV/AIDS

26/11/2019 18:26

Tổ chức cộng đồng ngày càng có vị thế và vai trò đặc biệt quan trọng trong chương trình ứng phó với đại dịch HIV/AIDS. Từ tiếp cận, truyền thông thay đổi hành vi cho các nhóm nguy cơ cao, chăm sóc hỗ trợ tại nhà cho người sống chung với HIV, đã giúp họ tuân thủ điều trị đến các hỗ trợ tâm lý, tư vấn và kết nối pháp lý.

Vượt mục tiêu điều trị ARV kiểm soát được tải lượng virus

TS. BS. Hoàng Đình Cảnh, Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) cho biết: Gần 30 năm đại dịch HIV xuất hiện tại Việt Nam cũng như 5 năm Việt Nam cam kết hưởng ứng mục tiêu 90-90-90 của Liên Hợp Quốc, hiện với mục tiêu này ở con số thứ nhất và thứ 2 chúng ta đã đạt được 80-70 và con số thứ ba (90% số người được điều trị ARV kiểm soát được tải lượng virus ở mức thấp và ổn định) chúng ta đã đạt con số 95% (vượt mục tiêu 90%). Đây là một kết quả ấn tượng bởi nếu người nhiễm HIV đạt được ngưỡng ức chế tải lượng virus thì không có khả năng lây nhiễm HIV cho bạn tình qua đường tình dục.

 Đại diện các tổ chức cộng đồng được nhận bằng khen vì những đóng góp trong chương trình phòng chống AIDS tại Việt Nam

BS Hoàng Đình Cảnh cho hay, các tổ chức cộng đồng đã có nhiều đóng góp trong công tác phòng, chống HIV/AIDS, Tháng Hành động về phòng, chống HIV và ngày 1/12 -  ngày thế giới phòng chống AIDS năm nay, với chủ đề Cùng hành động để kết thúc dịch AIDS cũng có sự tham gia rất mạnh mẽ của các cơ quan chính phủ, các tổ chức quốc tế, nhà tài trợ, các NGO, và đặc biệt là các tổ chức cộng đồng trong việc ứng phó, cũng như chấm dứt đại dịch AIDS.

TS. BS Nguyễn Thị Minh Tâm, Trưởng phòng can thiệp, giảm hại, Cục phòng chống HIV/AIDS cũng cho biết, thời gian qua nước ta không chỉ triển khai toàn diện công tác phòng chống HIV/AIDS mà còn ứng dụng các mô hình mới về phòng, chống HIV/AIDS; mở rộng các dịch vụ và loại hình xét nghiệm (xét nghiệm tại cộng đồng, tự xét nghiệm), điều trị (điều trị sớm, điều trị trong ngày). Theo đó, đã có 10.000 trường hợp nhiễm HIV mới qua các phương pháp xét nghiệm mới. Với 1.345 cơ sở xét nghiệm sàng lọc, 33 tỉnh thành đã có xét nghiệm HIV tại cộng đồng, cho thấy mức độ phủ sóng rộng rãi của của các dịch vụ y tế đáp ứng nhu cầu của cộng đồng.

BS Nguyễn Minh Tâm cho biết, Việt Nam cũng cập nhập các phương án dự phòng thế hệ mới – Điều trị dự phòng trước phơi nhiễm (PrEP) đã được triển khai khá tốt, tốc độ tăng trưởng khách hàng nhanh hơn so với nhiều nước trong khu vực, khi hiện tại có khoảng hơn 5.000 đang duy trì điều trị. Đây là nỗ lực của ngành y tế và sự kết nối của tổ chức cộng đồng, đặc biệt là các tổ chức làm việc về MSM.

Chiến dịch quốc gia K=K (Không phát hiện bằng không lây truyền) đã được thực hiện rộng rãi đem đến những tác động tích cực trong cộng đồng, tăng khả năng tiếp cận của người dân đến với các dịch xét nghiệm, điều trị, đồng thời thông điệp K=K cũng làm giảm kỳ thị và phân biệt đối xử của cộng đồng, cơ sở y tế.

TS. BS. Hoàng Đình Cảnh nhấn mạnh, Việt Nam là một trong số ít các nước đầu tiên trên thế giới sử dụng BHYT để chi trả cho dịch vụ điều trị HIV. Trong 15 nước có tỷ lệ lây nhiễm cao nằm trong chương trình PEPFAR hỗ trợ, Việt Nam là nước duy nhất và đi đầu trong việc sử dụng nguồn lực trong nước thông qua BHYT để hỗ trợ các dịch vụ điều trị HIV cho người dân. Có được điều này là nhờ có sự cam kết mạnh mẽ của Chính phủ Việt Nam đối với công tác chăm sóc y tế nói chung và HIV nói riêng. Cụ thể, số người nhiễm HIV đang được điều trị ARV tham gia BHYT tăng từ 40% năm 2014 lên 89% cuối năm 2018, tăng hơn gấp đôi trong khoảng 4-5 năm trở lại đây.

Cộng đồng mở rộng kết nối

Tổ chức cộng đồng ngày càng có vị thế và vai trò đặc biệt quan trọng trong chương trình ứng phó với đại dịch HIV/AIDS. Từ tiếp cận, truyền thông thay đổi hành vi cho các nhóm nguy cơ cao, chăm sóc hỗ trợ tại nhà cho người sống chung với HIV, giúp họ tuân thủ điều trị đến các hỗ trợ tâm lý, tư vấn và kết nối pháp lý. Đặc biệt là các mạng lưới ra đời từ cộng đồng đích đem lại kết nối và hỗ trợ đặc biệt có thể kịp thời trợ giúp bất kì trường hợp nào ở địa phương nào.

Ông Tống Văn Nam, Tổ chức Kết Nối Trẻ, đại diện nhóm cộng đồng cho biết, những nỗ lực và đóng góp không mỏi mệt của các tổ chức cộng đồng đã được ghi nhận xứng đáng, khi mà có tới 25-50% ca nhiễm mới mỗi năm được phát hiện và đưa vào điều trị nhờ các tổ chức cộng đồng. Mối liên kết với Cục Phòng chống HIV/AIDS càng gắn bó mật thiết, khi Cục đã có nhiều hoạt động kết nối giữa khối nhà nước, các tổ chức tài trợ quốc tế, NGO trong nước và các tổ chức cộng đồng.

Ông Mark P. Troger, Giám đốc điều phối PEPFAR Việt Nam ghi nhận những đóng góp to lớn của các tổ chức cộng đồng cho chương trình phòng chống HIV/AIDS cũng như mối quan hệ hợp tác tích cực giữa Cục Phòng, Chống HIV/AIDS, các cơ quan quản lý y tế ở các địa phương và các tổ chức cộng đồng. Ông Troger đã rất ấn tượng về cách thức tổ chức, chia sẻ trách nhiệm, cùng chung tay hướng tới mục tiêu to lớn là kiểm soát dịch và cải thiện chất lượng cuộc sống của những người chịu ảnh hưởng bởi HIV.

 Việt Nam được đánh giá đi đầu trong chiến dịch truyền thông K=K tại khu vực cũng như quốc tế. Trong ảnh, ông  Mark P. Troger - Giám đốc điều phối PEPFAR Việt Nam và bà Nguyễn Nguyên Như Trang - Trung tâm Life trao kỉ niệm chương cho tổ chức có hoạt động tiêu biểu về phổ biến thông điệp K=K tại Việt Nam

Khẳng định vai trò của tổ chức cộng đồng trong phòng chống HIV/AIDS, ông Troger nhấn mạnh, tổ chức cộng đồng là lực lượng nòng cốt trong phòng, chống HIV/AIDS kể từ giai đoạn đầu của bệnh dịch này. Họ là người hiểu rõ môi trường chính trị, văn hóa và cung cấp thông tin cho việc xây dựng các mô hình cung cấp dịch vụ, và cũng chính họ hiểu rõ tiếng nói của các quần thể chịu ảnh hưởng

TS. Hoàng Đình Cảnh cũng ghi nhận sự đóng góp của mạng lưới các tổ chức cộng đồng, tổ chức xã hội dân sự và nhấn mạnh cần tập trung đánh giá lại kết quả mà chúng ta đã làm được; xác định, nhận diện được những khó khăn, vướng mắc, rào cản, đối với hoạt động này về mặt pháp luật, về năng lực, đào tạo, xây dựng hệ thống và triển khai các dịch vụ… Đồng thời, phải đưa ra được những giải pháp, sáng kiến để tăng cường sự tham gia của cá tổ chức dựa vào cộng đồng  trong công tác phòng, chống HIV/AIDS trong thời gian tới.

Các nhóm cộng đồng, mạng lưới và doanh nghiệp xã hội ngoài vai trò cung cấp các dịch vụ như truyền thông, phân phát bơm kim tiêm, bao cao su, chuyển các đối tượng đến các cơ sở y tế nhận dịch vụ thích hợp hay chăm sóc tại nhà, thời gian gần đây các tổ chức xã hội còn cung cấp các dịch vụ khác như: Tư vấn xét nghiệm HIV tại cộng đồng, điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP) hay vận động chính sách, tham gia lập kế hoạch và theo dõi, đánh giá.

Đặc biệt, nhiều tổ chức cộng đồng lớn mạnh đã thành lập doanh nghiệp xã hội và có tư cách pháp nhân. Các phòng khám tư nhân do các doanh nghiệp xã hội lập ra có ưu thế vượt trội, kết nối và trợ giúp được rất nhiều khách hàng e ngại dịch vụ y tế công.
Top