Nâng cao năng lực phòng, chống HIV/AIDS khu vực tiểu vùng Mê Công

26/12/2014 16:35

Sau 1 năm triển khai, Dự án Nâng cao năng lực phòng, chống HIV/AIDS khu vực tiểu vùng Mê Công được triển khai tại Hà Giang đã góp phần nâng cao nhận thức về phòng chống HIV/AIDS, giảm kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS, giúp hạn chế sự lây nhiễm HIV cho cộng đồng trên địa bàn triển khai dự án.

Tuyên truyền phòng, chống HIV/AIDS cho cộng đồng - Ảnh minh họa

Với mục tiêu nâng cao năng lực quản lý chương trình phòng, chống HIV/AIDS tại tỉnh và huyện triển khai dự án; thống nhất cơ chế phối hợp giữa các ban ngành trong tỉnh tiếp nhận triển khai dự án; hỗ trợ chuyên môn kỹ thuật cho tuyến huyện, xã; nâng cao năng lực cho lãnh đạo, đoàn thể, tuyên truyền viên đồng đẳng, giáo viên và các đối tượng khác tại tuyến xã về phòng, chống HIV/AIDS, dự án “Nâng cao năng lực phòng chống HIV/AIDS khu vực tiểu vùng Mê Công mở rộng” bắt đầu triển khai từ 11/1/2014 đến hết ngày 31/12/2014 trên địa bàn tỉnh Hà Giang.

Dự án được Ngân hàng Phát triển Châu Á tài trợ với tổng số tiền là trên 11 tỷ đồng và được triển khai tại 7 huyện trên địa bàn bao gồm: Vị Xuyên, Bắc Quang, Quang Bình, Hoàng Su Phì, Yên Minh, Đồng Văn và Mèo Vạc.

Trong năm 2014, Ban Quản lý Dự án “Nâng cao năng lực phòng chống HIV/AIDS khu vực tiểu vùng Mê Công mở rộng” tỉnh Hà Giang đã duy trì hoạt động điều phối, kết nối dự án với các chương trình khác, thu hút được sự tham gia vào cuộc của các ban, ngành, đoàn thể trong công tác phòng, chống HIV/AIDS tại địa bàn triển khai dự án.

Qua đó, nâng cao nhận thức của người dân về phòng, chống HIV/AIDS, hạn chế sự lây nhiễm HIV cho cộng đồng. Giảm sự kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS và những người bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS tại địa bàn triển khai dự án.

Bên cạnh đó, Ban Quản lý Dự án còn thường xuyên mở các lớp tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác phòng chống HIV/AIDS trên địa bàn 7 huyện triển khai dự án. Từ đó góp phần giảm số người nhiễm mới HIV, số bệnh nhân AIDS, số người chết do AIDS hàng năm tại địa bàn triển khai dự án.

Đặc biệt, dự án đã đạt các mục tiêu: Mở rộng, tăng cường chất lượng dịch vụ điều trị và chăm sóc HIV/AIDS cho người nhiễm HIV, đảm bảo 70% người nhiễm HIV có nhu cầu điều trị bằng thuốc ARV được tiếp cận thuốc; 70% phụ nữ mang thai được tư vấn xét nghiệm HIV; 70% phụ nữ mang thai nhiễm HIV được điều trị ARV…

Tính đến hết ngày 20/12/2014, toàn tỉnh Hà Giang có 1.730 trường hợp nhiễm HIV, trong đó có 813 người chuyển sang giai đoạn AIDS và 310 tử vong do AIDS. Tình hình dịch HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh đang có chiều hướng giảm bền vững.

Đại diện Ban Quản lý Dự án cho biết, trong năm 2015, Hà Giang sẽ tiếp tục tăng cường quản lý, giám sát, đôn đốc, hướng dẫn hỗ trợ các đơn vị triển khai dự án trên địa bàn toàn tỉnh. Tổ chức triển khai các hoạt động đào tạo nâng cao năng lực, xét nghiệm điều trị, can thiệp giảm tác hại và thực hiện lồng ghép triệt để hoạt động dự án với Chương trình mục tiêu Y tế Quốc gia và Chương trình can thiệp giảm tác hại của tỉnh.

Đồng thời, tăng cường sự phối hợp liên ngành trong triển khai dự án và tổ chức tuyên truyền cho nhóm đối tượng nguy cơ cao, di biến động; đảm bảo thực hiện tốt công tác tiếp nhận và quản lý tài sản, trang thiết bị của dự án đầu tư.
Top