Nam Định: Ẩn chứa những nguy cơ tiềm tàng làm lan truyền dịch HIV/AIDS

06/12/2019 15:56

Theo số liệu của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, tính đến tháng 11/2019, số người nhiễm HIV hiện đang còn sống trên địa bàn là 4.159 trường hợp, số người nhiễm HIV tử vong từ đầu dịch đến nay là 1.543 trường hợp.

 Công tác điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế Methadone tiếp tục được duy trì tại 8 cơ sở. Ảnh: Thùy Chi

Tại Nam Định, dịch HIV vẫn tập trung, chưa có dấu hiệu lan ra cộng đồng. Các trường hợp phát hiện nhiễm HIV mới nguyên nhân chủ yếu lây truyền qua đường tình dục, tập trung trong nhóm tuổi từ 20-29 và 30-39. Phần lớn người nhiễm HIV được phát hiện từ hệ thống bệnh viện hoặc các cơ sở tư vấn xét nghiệm HIV tự nguyện ở những người thuộc nhóm nguy cơ cao.

Tuy nhiên, trong cộng đồng còn nhiều người nhiễm HIV không thuộc nhóm nguy cơ cao do đó rất khó phát hiện sớm, ẩn chứa những nguy cơ tiềm tàng làm lan truyền dịch HIV/AIDS. Trước tình hình đó, Ban Chỉ đạo Phòng, chống AIDS và phòng chống tệ nạn ma túy, mại dâm tỉnh chỉ đạo các ngành thành viên, các huyện, thành phố tăng cường các giải pháp phòng, chống HIV/AIDS và can thiệp giảm tác hại.

Công tác thông tin, giáo dục, truyền thông nhằm thay đổi hành vi phòng, chống HIV/AIDS được địa phương đẩy mạnh bằng nhiều hình thức: Trên các phương tiện thông tin đại chúng, trên hệ thống đài phát thanh các huyện, thành phố, đài truyền thanh ở các xã, phường, thị trấn; phát tờ rơi truyền thông điều trị Methadone, tư vấn xét nghiệm tự nguyện và điều trị ARV; tổ chức nói chuyện chuyên đề tại các tổ dân phố, cụm dân cư và truyền thông trực tiếp cho các đối tượng có hành vi nguy cơ cao như nhóm nghiện chích ma túy, phụ nữ mại dâm, người nhiễm HIV và gia đình, tiếp viên nhà hàng, khách sạn…

Cùng với tuyên truyền, công tác giám sát HIV/AIDS và can thiệp giảm tác hại dự phòng lây nhiễm HIV được đẩy mạnh. Toàn tỉnh có 10 phòng tư vấn xét nghiệm tại Trung tâm Y tế huyện Giao Thuỷ, Hải Hậu, Nghĩa Hưng, Xuân Trường, Ý Yên, TP Nam Định, Nam Trực, Trực Ninh, Mỹ Lộc và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đến 30/9/2019 đã tư vấn và xét nghiệm cho 4.325 người trong đó phát hiện 60 người có HIV dương tính.

Chương trình chăm sóc, điều trị người nhiễm HIV/AIDS tích cực được thực hiện tại 10 cơ sở, trong đó 8 cơ sở điều trị HIV/AIDS người lớn tại Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS, Trung tâm Y tế các huyện Hải Hậu, Xuân Trường, Ý Yên, Nghĩa Hưng, Nam Trực, Trực Ninh, Bệnh viên Đa khoa tỉnh; cơ sở điều trị HIV trẻ em tại Bệnh viện Nhi tỉnh và cơ sở điều trị cả người lớn và trẻ em tại Trung tâm Y tế Giao Thủy.

Đến tháng 10/2019 có 1.317 bệnh nhân đang điều trị ARV (1263 người lớn và 54 trẻ em). Tỷ lệ bệnh nhân điều trị ARV có thẻ BHYT trên địa bàn tỉnh là 98.7% (dự án Quỹ Toàn Cầu hỗ trợ kinh phí mua thẻ BHYT cho 17 bệnh nhân). Từ ngày 8/3/2019 các bệnh nhân điều trị HIV/AIDS tại 6 cơ sở điều trị HIV/AIDS do dự án Quỹ Toàn cầu tài trợ bắt đầu sử dụng thuốc ARV từ nguồn BHYT.

Bên cạnh đó, công tác dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con tiếp tục được duy trì. Tại Trung tâm Y tế các huyện: Giao Thủy, Hải Hậu và Bệnh viện Phụ sản tỉnh hiện đang triển khai nhiều hoạt động cung cấp dịch vụ phòng lây truyền từ mẹ sang con như: Tư vấn và xét nghiệm HIV cho phụ nữ mang thai, điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con cho phụ nữ mang thai nhiễm HIV. Từ đầu năm đến nay toàn tỉnh có 18.552 phụ nữ mang thai được xét nghiệm HIV, phát hiện 11 phụ nữ mang thai nhiễm HIV. Điều trị dự phòng lây truyền mẹ con cho cho 12 phụ nữ mang thai nhiễm HIV và con của họ.

Công tác điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế Methadone tiếp tục được duy trì tại 8 cơ sở: Trung tâm Y tế các huyện Giao Thủy, Xuân Trường, Trực Ninh, Hải Hậu, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Tỉnh, Trung tâm Cai nghiện huyện Nam Trực, Phòng khám Đại Đồng huyện Giao Thủy và Trung tâm Bảo trợ và phòng, chống tệ nạn xã hội huyện Giao Thủy; cơ sở cấp phát thuốc Methadone tại Trung tâm Y tế thành phố Nam Định. Tổng số bệnh nhân tham gia điều trị Methadone tính đến 30/9/2019 là 2.001 người, đạt 105% so với chỉ tiêu được Thủ tướng Chính phủ giao.

Với các giải pháp tích cực, công tác dự phòng lây nhiễm HIV trong cộng đồng của địa phương đã tới được các đối tượng nhiễm HIV; chất lượng điều trị cho bệnh nhân AIDS ngày càng được nâng cao. Thời gian tới, địa phương sẽ tăng cường kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện nhiệm vụ phòng, chống HIV/AIDS ở các ngành, các địa phương, đơn vị. Duy trì công tác dự phòng và can thiệp giảm tác hại của HIV/AIDS. Tăng cường giám sát, phát hiện HIV/AIDS, nâng cao chất lượng chăm sóc và điều trị cho người nhiễm HIV/AIDS.
Top