Năm 2020, 100% người học được trang bị kiến thức về phòng, chống HIV/AIDS

25/12/2011 18:00

Phấn đấu đến năm 2015 đạt 70% và năm 2020 đạt 100% người học được nâng cao nhận thức, thay đổi thái độ, hành vi, trang bị kiến thức, kỹ năng về phòng, chống HIV/AIDS phù hợp với từng cấp học. Đến năm 2020, tình trạng kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS hoàn toàn được xóa bỏ trong các cơ sở giáo dục…

Đó là mục tiêu cụ thể được Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) công bố tại Hội thảo Xây dựng kế hoạch hành động về phòng, chống HIV/AIDS của ngành giáo dục giai đoạn 2011-2020 và tầm nhìn 2030 và vận động tài trợ xây dựng mô hình triển lãm “Giáo dục sức khoẻ sinh sản, giới và phòng chống HIV/AIDS cho thanh thiếu niên” diễn ra ngày 22/12 tại Hà Nội.

Hội thảo Xây dựng kế hoạch hành động về phòng, chống HIV/AIDS

Theo thống kê của Bộ Y tế, hiện nay tại Việt Nam số trẻ em phát hiện nhiễm HIV là 4.205 em, trong đó có 2.153 em đang được điều trị ARV. Với tỷ lệ nhiễm 0,25% trong số 1,5 triệu bà mẹ sinh con mỗi năm, Việt Nam sẽ có khoảng 4.000 bà mẹ mang thai nhiễm HIV/năm. Nếu không được can thiệp, tỷ lệ lây truyền từ mẹ sang con là 35% thì trung bình mỗi năm sẽ có khoảng 1.400 trẻ sơ sinh bị nhiễm HIV từ mẹ. Nếu được can thiệp, tỷ lệ lây truyền từ mẹ sang con sẽ giảm xuống còn khoảng 5-10%.

Học sinh, sinh viên (HSSV) là đối tượng cần được quan tâm, chăm sóc, bảo vệ và phát triển về thể chất và tinh thần, ham tìm tòi, khám phá cái mới và thích thể hiện mình. Do vậy, phương pháp giáo dục phù hợp, sự quan tâm thường xuyên kịp thời, môi trường trong gia đình và xã hội tốt là điều kiện quan trọng để các em phát triển toàn diện về thể chất và hình thành nhân cách. Giáo dục phòng, chống HIV/AIDS là một trong các nội dung góp phần xây dựng đạo đức, lối sống cho các em.

Trong những năm vừa qua, công tác phòng, chống tác động của đại dịch HIV/AIDS trong nhà trường cũng đã được quan tâm. Nội dung phòng, chống HIV/AIDS chính thức được đưa vào giảng dạy lồng ghép trong các môn học: Tự nhiên - Xã hội, Sinh học, Giáo dục công dân, Ngữ văn, Địa lý và giáo dục ngoài giờ lên lớp. Ngoài ra, nội dung phòng, chống HIV/AIDS được quy định trong nội dung của tuần sinh hoạt công dân đầu khoá đối với học sinh, sinh viên ở các trường đại học, cao đẳng và trung học chuyên nghiệp…

Tại hội thảo, Bộ GD&ĐT cho biết: Kế hoạch hành động về phòng, chống HIV/AIDS sẽ được chia thành 2 giai đoạn. Giai đoạn 1(2011-2015) triển khai các hoạt động tại 70% cơ sở giáo dục thuộc 3 khu vực các tỉnh phía Bắc, miền Trung và Tây Nguyên, phía Nam; giai đoạn 2 (2016-2020) triển khai đại trà tại 63 tỉnh, thành phố trên toàn quốc.

Các giải pháp chủ yếu nằm trong Kế hoạch hành động về phòng, chống HIV/AIDS của ngành giáo dục bao gồm: tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp đối với công tác giáo dục phòng, chống HIV/AIDS và nâng cao trách nhiệm của những người đứng đầu các cơ sở giáo dục; tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra đối với giáo dục phòng, chống HIV/AIDS; hoàn thiện hệ thống luật và chính sách có liên quan đến công tác giáo dục phòng, chống HIV/AIDS; tuyên truyền về công tác giáo dục phòng, chống HIV/AIDS trong ngành giáo dục; đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục và nhà giáo về giáo dục sức khỏe sinh sản và phòng, chống HIV/AIDS…

Top