Một số bệnh huyết học của trẻ nhiễm HIV cần lưu ý

01/06/2012 12:45

Cũng như trẻ em bình thường, trẻ nhiễm HIV có thể mắc các bệnh của hệ tạo máu, ngoài ra còn mắc các bệnh liên quan với HIV hoặc do sử dụng thuốc.

Tế bào máu.

Có nhiều bệnh lý khác nhau có thể gây tổn thương ở hệ tạo máu như giảm một dòng hạch cả 3 dòng. Căn nguyên có thể do nhiễm trùng (nhiễm khuẩn) hoặc thiếu dinh dưỡng hoặc bệnh ác tính. Dưới đây là một số bệnh huyết học phổ biến ở trẻ nhiễm HIV.

Bệnh thiếu máu

Nguyên nhân chủ yếu của bệnh thiếu máu (giảm hồng cầu) ở trẻ nhiễm HIV do nhiễm trùng kéo dài; các loại ký sinh trùng (như giun đũa, giun móc, sốt rét); thiếu dinh dưỡng; bệnh đường ruột gây hấp thụ kém; bệnh ác tính Lymphoma, Sarcoma, Kaposi, khi đồng thời giảm tất cả tế bào (hồng cầu, bạch  cầu, tiểu  cầu) cần nghi ngờ nhiễm tủy xương do MAC, TB, CMV, Lymphoma, nhiễm nấm.

Biểu hiện lâm sàng: Toàn thân mệt mỏi hoặc quấy khóc, đau đầu, chóng mặt, giảm khả băng tập trung; niêm mạc mắt hoặc lòng bàn tay nhợt nhạt, có thể vàng nhẹ, viêm góc miệng, viêm lưỡi, móng tay khô, gãy; nhịp  tim nhanh, có tiếng thổi; phản ứng gan lách to.

Những tế bào máu bị virus HIV hủy hoại (màu trắng).

Bệnh giảm bạch cầu trung tính

Nguyên nhân do HIV gây nhiễm và làm tổn thương tế bào mầm; bệnh lý ác tính tủy xương; do thuốc ARV, thuốc chống nấm...

Biểu hiện lâm sàng: Nhiều trường hợp không có triệu chứng sốt; tổn thương hoặc loét ở da, viêm miệng, đau hoặc nứt quanh trực tràng; có ổ nhiễm trùng như viêm phổi, tiêu chảy...

Gia đình có trẻ nhỏ nhiễm HIV giảm bạch cầu trung tính nên hạn chế tiếp xúc, rửa tay thường xuyên; thông báo với nhân viên y tế nếu sốt trên 38.5 độ C; vệ sinh ăn uống sạch sẽ.

Bệnh giảm tiểu cầu

Nguyên nhân bệnh giảm tiểu cầu do xuất huyết giảm tiểu cầu tự phát, giảm sản xuất tiểu cầu.

Các biểu hiện lâm sàng: Xuất huyết do tiểu cầu dạng chấm, nốt; đôi khi đi kèm theo chảy máu cam, chảy máu chân răng, đái máu; xác định khi số lượng tiểu cầu ở máu ngoại biên <100,000/mm3.

Bệnh nhân và gia đình tránh để trẻ vận động nhiều dễ bị chảy máu do sang chấn; uống nhiều nước hoa quả để tránh táo bón; thông báo cho nhân viên y tế nếu chảy máu không thể kiểm soát được.

Cần báo cho nhân viên y tế nếu trẻ bị chảy máu không kiểm soát được. Ảnh minh họa

Một số bệnh huyết học khác cần lưu ý

Bệnh xuất huyết giảm tiểu cầu tiên phát thường hay gặp  ở trẻ nhiễm HIV (cao gấp 40 lần so với trẻ không nhiễm HIV). Bệnh này có thể được nhiều người công nhận nguyên nhân do kháng tiểu cầu, xuất hiện chấm xuất huyết dưới da, chảy máu niêm mạc, hiếm khi xuất huyêt ồ ạt.

Bệnh thiếu máu tan máu miễn dịch, kháng thể gắn với kháng nguyên trên bề mặt hồng cầu dẫn đến phá hủy hồng cầu thông qua con đường bổ thể hoặc hệ thống liên võng nội mô. Có nhiều bệnh nhân HIV (20-40%) có thể test Coombs dương tính mà không có tan máu. Có 3 nguyên nhân chính: Tan máu do miễn dịch đồng loài; tự miễn, tự kháng thể ấm, hội chứng ngưng kết tế lạnh; đái huyết sắc tố niệu kịch phát do lạnh; thiếu máu tan máu do thuốc, thuốc làm thay đổi kháng nguyên trên bề mặt hồng cầu dẫn tới sản xuất kháng thể kháng hồng cầu và thuốc gắn vào bề mặt hồng cầu cũng trở thành một phần của kháng nguyên sinh ra kháng thể kháng hồng cầu.

Bệnh thiếu máu tan máu do HIV có phản ứng Coombs luôn dương tính. Trẻ bị bệnh có triệu chứng điển hình là sốt cao, li bì, xanh xao, thường liên quan đến đông máu nội mạch rải rác và bệnh lý đông máu.

Top