Một “phóng viên” có HIV

09/04/2012 16:39

Ít ai ngờ tác giả của nhiều bài viết sâu sắc trên đặc san “Sống chung với HIV” là của một cô gái học hết lớp 7 sống với HIV 10 năm trời.

Thấy cách cô tác nghiệp tại các hội thảo, nhiều người có HIV (NCH) đã cho rằng cô phải là phóng viên, chứ không thể là... NCH được.

Viết hay đến biên tập viên còn nghi ngờ

Năm 2005, từ thực tế NCH thiếu các thông tin về thuốc điều trị ARV, bị kỳ thị... nên Mạng lưới Vì ngày mai tươi sáng Hà Nội - một nhóm tự lực của NCH đã thực hiện bản tin nội bộ hằng quý. Từ số đầu tiên chỉ là những bản photo, đến nay, bản tin đã phát triển lên thành đặc san “Sống chung với HIV”, do Trung tâm Hỗ trợ sáng kiến phát triển cộng đồng thực hiện.

Được phát hành tới 1.200 địa chỉ ở khắp 63 tỉnh/TP, ấn phẩm tổ chức theo từng chủ đề, đã đề cập được những vấn đề thời sự, nóng bỏng nhất trong cộng đồng NCH. Điều đặc biệt là có tới 80% nội dung tin/bài/ảnh trong đó do chính NCH thực hiện.

Cô gái có HIV, tên Nguyễn Thị Dương nhớ lại lần đầu ngạc nhiên, nghẹn ngào vui mừng đến rơi nước mắt khi nhận được nhuận bút của số đặc san đầu tiên 3,8 triệu đồng, sau khi đã trừ thuế. Không chỉ là vì số tiền quá lớn đối với hai mẹ con cô, mà còn là sự thừa nhận về chất lượng những bài viết của cô.

Nguyễn Thị Dương đang nói chuyện về HIV/AIDS với các nhân viên Cty liên doanh nhà máy bia VN

Hơn một năm qua, Dương tiếp tục miệt mài viết, cô không còn cảm giác thấy việc viết được những bài báo đối với một NCH là kỳ tích như xưa. Bởi cô nghĩ mình đơn giản cũng đang như bao nhiêu con người khác luôn phải phấn đấu, học hỏi và làm được tất cả công việc những người không có “H” đang làm.

Cuộc đời cô biết bao biến động từ khi phải thôi học từ năm lớp 7, theo gia đình từ Hà Nam vào Đắc Lắc làm rẫy, lập gia đình lúc 19 tuổi và lây HIV từ chồng. Chưa đầy 1 năm sau, chồng Dương mất vì AIDS. Bị gia đình, anh em nhà chồng kỳ thị, chơi vơi giữa cuộc sống mà hầu như vẫn không hiểu gì về HIV, cô tìm đường vào TP.HCM mong có được những thông tin về căn bệnh này.

Dương bỏ công việc giao dịch bất động sản để làm tình nguyện viên phòng, chống HIV cho mạng lưới của NCH ở TPHCM. Lập gia đình lần thứ hai với một NCH, cô thêm lần nữa hạnh phúc không trọn vẹn khi 3 năm sau lại một mình ôm con về Tây Nguyên. Một thân một mình nuôi con, đã có lúc Dương không biết phải làm gì!

Trong những ngày tháng lận đận ấy, cô tìm thấy người tri kỷ, đó chính là những trang viết. Câu chuyện dự thi của Dương trong mục “Chuyện đời tự kể” do Báo Tuổi Trẻ tổ chức năm 2007 đã được giải khuyến khích. Rồi bài báo tiếp theo, Dương kể về đứa con bé bỏng của mình được đăng trên báo Tiếp thị Sài Gòn. Bài thứ ba, cô viết về cuộc sống của một NCH theo đặt hàng của Tạp chí “Nhịp sống trẻ”. Tất cả những trang viết ấy, Dương đã viết như con tằm rút ruột nhả những sợi tơ máu thịt của mình, không một bài nào phải sửa khi lên trang.

Có thể những bài viết của Dương chỉ dừng lại như tâm sự chuyện đời như thế, nếu không có cuộc gặp tình cờ với anh Hoàng Hải Vương - một thông tin viên nòng cốt của Đặc san “Sống chung với HIV” - tại mảnh đất Tây  Nguyên đầy nắng và gió. Cô nửa tự tin, nửa ngập ngừng khi nhận lời viết cho đặc san, bởi cô vốn là người hay đọc văn, đọc truyện, thích viết, nhưng để hình thành được những bài báo theo chủ đề yêu cầu thì cô đâu đã biết gì.

Lần đầu tiên đọc bài viết của Dương gửi cho đặc san là tản văn “Ký ức mùa dã quỳ”, biên tập viên Phạm Hoài Thanh thậm chí còn hỏi liệu đó có phải là bài viết của một cộng tác viên mới toe như cô hay không, bởi bài viết tinh tế và giàu cảm xúc, đầy ắp hình ảnh. Sự nghi ngờ đó đã bị đánh tan, khi các biên tập viên đọc các bài viết khác Dương gửi đến trong cùng số báo ấy. Bài của Dương không chỉ có sự trải nghiệm của tác giả cũng chính là NCH, mà còn là cuộc sống của NCH với những góc nhìn mới, được phát hiện và cả những gai góc, phê bình những điều chưa đẹp, chưa hay của NCH.

Mỗi bài viết Dương đều in đậm sự trải nghiệm, dấn thân, trăn trở suy nghĩ làm thế nào để nói lên được những khó khăn của NCH đã và đang trải qua. Dương kể: “Có những bài, sau 1 tuần suy nghĩ dồn nén như đã chín muồi, tôi mở máy tính và hoàn chỉnh bài viết chỉ trong 2 tiếng đồng hồ. Hay để có phóng sự ảnh NCH trong lao động, tôi phải đi 60km, lặn lội tới một xã vùng sâu để lấy hình ảnh chị Tuyến đang thu mì trên đồi, mồ hôi nhễ nhại dưới cái nắng ban trưa. Bức ảnh có thể chưa được đẹp, nhưng với tôi, nó rất đáng giá, bởi đó là tâm huyết của tôi”.

Cobe123 và mơ ước làm báo chuyên nghiệp

Viết bài, rồi đọc bài, cô mới ngộ ra: “Bấy lâu nay tôi thường nghĩ, đời sống của NCH là một thế giới riêng. Nhưng sau khi viết bài và đọc các bài viết trên đặc san, tôi nhận thấy chúng tôi đang rất đỗi đời thường như mỗi con người trên hành tinh này. Chúng tôi đang làm được rất nhiều việc mà những người không nhiễm HIV đang làm. Và hơn hết, chính những công việc ấy đang giúp tôi thấy được cuộc sống đang trở lại như những người khác”.

Đã có những cuộc hội thảo, hội nghị, Dương được cử đi viết tin, bài. Đọc những bài viết, nhìn tác phong làm việc của Dương và biết cô đang không làm việc cố định cho tổ chức về HIV nào, nhiều NCH đã đoan chắc, cô phải là một phóng viên chuyên nghiệp, chứ không thể là một NCH. Mỗi lần đưa con về thăm gia đình  cách nơi cô ở (TP.Buôn Ma Thuột) hơn 100km, cô mang vài tờ báo tự hào khoe với mọi người về bài viết và ảnh được đăng. Người dân trong xóm xúm lại đọc rồi mọi người đặt cho cô chức danh “phóng viên” ngay khi đọc xong những bài viết của cô.

Dương đã viết trong một bài chia sẻ của mình: “10 năm đi qua nhanh như tia chớp, cuộc sống có lẽ đã để lại cho tôi bao vết thương lòng. Nhưng 10 năm ấy, tôi vẫn vững tin và sẵn sàng làm lại từ đầu”. Đó cũng là ý nghĩa của bút danh cobe123 mà Dương trên vẫn dùng cho các bài viết của mình trên đặc san. Người ta thường đếm 1,2,3 trước khi chụp ảnh. Và câu đếm ấy cũng như những bước đầu tiên cho một việc được khởi sự. Trước mọi mất mát sóng gió cuộc đời, cobe123 vẫn luôn sẵn sàng để học từ đầu và học tiếp nữa để có thể theo đuổi niềm yêu thích viết văn, viết báo của mình.

“Những kết nối nhịp cầu thông tin cho NCH đã giúp tôi lấy lại khả năng làm việc của mình. Khả năng ấy tiếp tục đánh thức những tiềm năng của tôi cũng như thông tin viên nòng cốt khác. Điều đó giúp chúng tôi có được sự chia sẻ chân thành về những niềm vui nỗi buồn trong cuộc sống hằng ngày, về những việc tốt chúng tôi đang làm và cả những gì chúng tôi còn làm chưa tốt cần cố gắng hoàn thiện. Mục đích là để cùng đưa nhau về với cuộc sống như những ngày chưa nhiễm “H”, ở đó chúng tôi sẽ sống và làm việc bình thường như không hề có virus HIV trong con người mình”.

Top