Mong ước khó tin của người mẹ mang 'án tử'

15/11/2017 08:29

Biết mình có “H”, chị càng chăm chỉ lao động, cố gắng giữ gìn sức khỏe để đảm nhiệm vai trò vừa làm cha, vừa làm mẹ của hai cô con gái nhỏ. Giờ đây, mong muốn lớn nhất của chị là có một mái nhà kiên cố để các con có thể yên giấc ngủ mỗi khi mưa to, gió lớn thì có về thế giới bên kia với chồng chị cũng yên tâm.

Ngôi nhà gỗ lâu đời của chị C hiện giờ không che nổi nắng, mưa

Chưa kịp mừng vì sinh con đã chết lặng cả người

Trong chuyến đi công tác tại Hà Giang với Cục Phòng, chống AIDS (Bộ Y tế), chúng tôi gặp chị Cải Thị C (ở xã Bạch Ngọc, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang). chị C nhiễm “H” từ chồng, sống ở bản làng của người Tày, nơi đây, kinh tế còn khó khăn, người dân trong bản quanh năm bán mặt cho đất bán lưng cho trời.

Gặp chị C vào buổi chiều tà tại ngôi nhà gỗ cũ kĩ. Gỗ trong nhà đã mục để lại những khoảng trống không ngăn nổi những cơn gió nhẹ đầu đông. “Nhà tôi mùa mưa thì dột, mùa đông thì lạnh lắm vì gió cứ thổi ào ào, đắp bao nhiêu chăn cũng không thấy ấm”, chị C nói.

Có lẽ, cuộc sống khốn khó khiến cho người phụ nữ ở tuổi 35 có ngoại hình già hơn so với tuổi của mình. Mặt buồn, làn da đen sạm vì nắng gió, chị khoác trên mình bộ quần áo lao động vải đã sờn màu. Cuộc nói chuyện với chị lâu lâu lại ngắt quãng bởi những tiếng khóc nấc và những giọt nước mắt.

Như bao cô gái khác, hồi trẻ, chị C cũng mơ về mái nhà nhỏ, nơi đó sẽ có tiếng cười của những đứa trẻ, có một bờ vai của người đàn ông yêu thương mình. Chị từng có khoảng thời gian lâng lâng hạnh phúc vì có một tình yêu đẹp với người đàn ông quê gốc ở Thái Nguyên. Anh là thợ xây, chị quen khi anh lên Hà Giang xây dựng công trình.

Năm 2010, họ về chung một nhà. Cả hai quyết định sinh sống tại quê vợ. Chị C không hề biết chồng mình nghiện ma túy bởi anh hay đi xa nhà. Chị bảo, chồng mình rất hiền lành, biết quan tâm, yêu thương mọi người trong gia đình. Chị cũng hạnh phúc bởi những lúc chồng đưa cho mấy trăm nghìn đồng, nhiều thì khoảng 1 triệu đồng để chị trang trải cuộc sống.

Sau hơn một năm chung sống, chị sinh hạ con gái đầu lòng. Cuộc sống của họ cứ ấm êm trôi qua. Ngoài việc chăm con nhỏ, chị phụ ông bà ngoại làm ruộng, trồng thêm luống rau để phục vụ bữa ăn gia đình. Chồng chị là thợ xây nên thường xuyên phải đi xa. Dẫu cuộc sống còn muôn vàn khó khăn nhưng các thành viên trong gia đình ai cũng yêu thương nhau, họ hài lòng về những gì mình đang có.

Sóng gió đến với gia đình khi chị C trở dạ sinh em bé thứ 2. Chị khó sinh nên được chuyển lên bệnh viện tuyến huyện. Chị phải sinh mổ. Giây phút đón con chào đời cũng là lúc chị cầm trên tay tờ giấy xét nghiệm biết mình có “H”.

Mơ một mái nhà che mưa, che nắng

“Trong suy nghĩ của tôi, HIV là cái gì đó kinh khủng lắm, tôi đã nghĩ đến cái chết. Tối đến tôi chỉ biết nằm khóc vì thương 2 đứa con, thương ông bà ngoại. Tôi không ăn được cơm và cũng không muốn làm gì hết. Hàng xóm biết chuyện cũng thương, họ bảo sao tôi ăn ở hiền lành mà số khổ quá”, chị C nghẹn ngào.

Biết vợ dương tính với HIV, chồng chị cũng đi xét nghiệm. Ông bố trẻ suy sụp khi biết mình có “H”, 3 tháng sau đó đã vĩnh viễn ra đi. “Anh ấy hiền lành lắm, không chỉ người thân trong gia đình mà hàng xóm cũng rất quý. Anh ấy cứ bảo cảm thấy có lỗi vì đã lây cho tôi”, nói đến đây, chị C khóc thành tiếng. Gần 4 năm trôi qua, bây giờ nhớ về khoảng thời gian ấy chị C vẫn không kìm được lòng. Với chị, đó là một vết thương khó lành.

Biết hoàn cảnh của chị, cán bộ địa phương cũng đến vận động, họ khuyên chị ra huyện lấy thuốc ARV uống. Chị C làm theo bởi ý thức được mình phải sống khỏe mạnh để nuôi hai con gái trưởng thành.

Thương chị, em trai bên họ ngoại cho chị mượn con lợn nái về nuôi để lấy lợn con. Chị bảo, năm nay lợn mất giá nên gia đình chị gần như không có thu nhập. Trung bình mỗi năm chị xuất chuồng một lứa khoảng 7 con. Có “H” hàng tháng chị phải ra huyện lấy thuốc ARV uống. Vì chị C không tự lái được xe máy nên phải nhờ người khác đưa đi. Chi phí đi lại mỗi lần như vậy khoảng 200.000 đồng, bao gồm xăng xe và tiền ăn trưa. Mặc dù đó là số tiền nhỏ nhưng có lần chị C phải đi vay hàng xóm vì không có đồng nào trong túi.

Chính tình yêu vô bờ với hai con thơ là động lực vô hình giúp chị vững chãi bước tiếp. Hiện, con gái cả của chị đã học lớp 1, bé thứ 2 đang theo học lớp mầm. Chị bảo, ngoài việc mong mình và các con khỏe mạnh, chị mong muốn sẽ có một ngôi nhà kiên cố để ba mẹ con không lo sợ mỗi khi mưa to gió lớn.

Anh Nguyễn Văn Sơn, bác sĩ tại Phòng khám Đa khoa Bạch Ngọc, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang cho biết: “Gia đình chị C ăn ở hiền lành lắm, hàng xóm ai cũng thương khi biết chị có “H”. Kinh tế gia đình thì khó khăn lắm. Nhà cửa không có vật dụng gì giá trị, mưa lớn là cũng đáng ngại. Ở đây cách trung tâm huyện hơn 20km nên việc mua bán cũng bất tiện. Dù có chăm chỉ làm ăn nhưng việc kiếm được tiền để làm nhà là điều xa xỉ với gia đình chị ấy”.

Chia tay chị C khi trời đã nhá nhem tối, hình ảnh người phụ nữ mang “án tử” trong người ôm hai con thơ bên căn nhà gỗ cũ kĩ vẫy tay chào tạm biệt khách để lại cho chúng tôi cảm giác buồn bã đến nao lòng.

Top