Mong muốn được điều trị miễn phí lâu dài…

27/07/2015 17:32

Đây không còn là mong muốn riêng của những người nhiễm HIV/AIDS tại huyện miền núi Quan Hóa, tỉnh Thanh Hóa, mà còn là ước mong lớn của lãnh đạo ngành y tế huyện Quan Hóa.

 

BS Phạm Thị Sử, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Quan Hóa - Ảnh: Thùy Chi

Trao đổi với phóng viên Trang tin điện tử Tiếng Chuông về vấn đề này, BS Phạm Thị Sử, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Quan Hóa cho biết, Quan Hoá là 1 trong 11 huyện vùng cao miền núi của tỉnh Thanh Hoá và là 1 trong 61 huyện nghèo nhất nước. Quan Hoá có 5 dân tộc anh em, trong đó 64,5% là người Thái. Ở Quan Hóa, ca nhiễm HIV đầu tiên xảy ra vào năm 2001 nhưng đến năm 2004, việc công tác phòng chống HIV/AIDS ở đây mới thực sự đi vào hoạt động.

Đến thời điểm hiện tại, lũy tích số người nhiễm HIV/AIDS trên địa bàn huyện là 683 người, trong đó tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số chiếm đến 88%. Chính vì vậy, do hoàn cảnh khó khăn nên những người nhiễm HIV và điều trị Methadone nơi này chỉ ước muốn được điều trị miễn phí.

Bên cạnh đó, địa bàn rộng, giao thông đi lại khó khăn, cơ sở vật chất trang thiết bị phục vụ cho hoạt động còn thiếu thốn, không đủ điều kiện hướng dẫn; kinh phí cho hoạt động phòng, chống còn hạn chế, chưa động viên khuyến khích được công tác huy động cộng đồng. Các thành viên tham gia huy động cộng đồng thì chưa có công ăn việc làm ổn định nên kinh tế gia đình gặp nhiều khó khăn trong sinh hoạt hàng ngày.

Theo BS Phạm Thị Sử, hình thức tiếp cận đầu tiên được triển khai tại Quan Hóa là truyền thông tuyên truyền, sau đó là các hoạt động xét nghiệm tự nguyện, rồi xét nghiệm lưu động đến thôn xã.

Chương trình điều trị ARV tính từ tháng 7/2009 đnến nay đang điều trị cho 335 bệnh nhân. Hoạt động này đã dần cải thiện và chuyển về xã. Hiện nay Quan Hóa có 14 xã đã được chuyển cấp thuốc về tận nơi cho các bệnh nhân, giảm bớt chi phí đi lại cho bệnh nhân.

Về chương trình điều trị nghiện các dạng thuốc phiện bằng Methadone, lúc đầu được triển khai tại Trung tâm phòng, chống HIV/AIDS huyện, sau đó do nhiều khó khăn cho bệnh nhân trong việc đi lại nên Quan Hóa đã triển khai điều trị tại xã Thành Sơn - là xã đầu tiên được triển khai trên địa bàn. Đến nay đang điều trị cho 136 bệnh nhân.

Trước đây khi đặt điểm điều trị Methadone tại trung tâm huyện, có nhiều bệnh nhân phải đi tới 60km mới tới được nơi điều trị, nhưng từ khi đưa Methadone về đến tận xã như tại xã Thành Sơn, chỉ trong hai tháng mà đã có đến 200 người tham gia. Cũng từ đây, tình trạng phân biệt đối xử đã bớt hơn do những người bệnh và những người có nguy cơ cao được tư vấn và đã truyền lại cho cộng đồng.

Để làm được điều đó, các cán bộ y tế trên địa bàn phải ngày đêm tuyên truyền vận động đến từng bản với chiến lược “mưa dầm thấm lâu”. Tuy nhiên, do nguồn kinh phí, viện trợ cho chương trình phòng, chống HIV/AIDS bị cắt giảm nên gặp không ít khó khăn.

Để giải quyết khó khăn này thì giải pháp xã hội hóa điều trị Methadone là tối ưu trong khi nguồn viện trợ cho chương trình bị cắt giảm mạnh. Tuy nhiên, BS Phạm Thị Sử cho hay, “chỉ có 10 nghìn đồng/người/ngày, tức 300 nghìn đồng/tháng đóng góp để được dùng Methadone thôi nhưng đối với những người nghiện, đó là khoản đáng kể. Có không ít người nghiện ma tuý nói không với Methadone chỉ vì không thể chi được những đồng tiền bé nhỏ này. Vì vậy, mong họ đến với chúng tôi là tốt lắm rồi chứ chúng tôi chưa dám hy vọng gì đến xã hội hoá chương trình can thiệp này”.

Đối với các bác sĩ là vậy, còn đối với những người nghiện, những người đang nhiễm HIV đang phải điều trị bằng Methadone và ARV, tất cả họ đều có chung một mong muốn đó là được dùng thuốc miễn phí để điều trị bệnh lâu dài, để có sức khỏe làm việc.

Anh Hà Xuân Nhã, bệnh nhân điều trị Methadone (áo trắng) - Ảnh: Thùy Chi

Anh Hà Xuân Nhã, bệnh nhân điều trị Methadone chia sẻ: “Việc điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone đã giúp tôi cải thiện sức khỏe có được như ngày hôm nay. Bây giờ tôi chỉ mong có sức khỏe tốt để tu chí làm ăn. Tôi rất cảm ơn ngành y tế tạo điều kiện cho chúng tôi được điều trị miễn phí. Là một người sinh ra và lớn lên ở vùng đất nghèo Quan Hóa, đồng thời tôi cũng là người đang được điều trị Methadone tại xã Thanh Sơn, tôi chỉ mong muốn được điều trị miễn phí lâu dài để những người nghèo như tôi, những người đã trót lầm lỡ được uống thuốc lâu dài”.

Cùng tâm sự với anh Nhã, chị Hà Thị Diệu, người nhiễm HIV đang điều trị ARV cho biết, hiện cả hai vợ chồng đều đang được điều trị dự phòng ARV. Gia đình rất khó khăn, 2 con nhỏ đều do ông bà nuôi và nuôi hoàn toàn bằng sữa ngoài. Bản thân chị làm nghề may nên chỉ kiếm được khoản tiền nhỏ hàng tháng. Bởi vậy, chị cũng như những người đang mắc căn “bệnh thế kỷ” chỉ mong muốn được uống thuốc miễn phí để có sức khỏe kiếm tiền nuôi dậy con cái.

Trước những tâm sự của các bác sĩ trực tiếp điều trị bệnh nhân bằng Methadone và ARV tại cộng đồng, cũng như những người đang được thụ hưởng chương trình. TS Hoàng Đình Cảnh, Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) cho biết: “Là một người lãnh đạo công tác phòng chống HIV/AIDS tôi rất thấu hiểu những tâm tư nguyện vọng của những người đang phải gồng mình chống bệnh, nhất là khi kinh phí bị cắt giảm và họ phải tự chi trả một phần kinh phí để chữa bệnh”.

Theo TS Cảnh, từ năm 2013 khi thoát khỏi nước nghèo, các nguồn viện trợ cho công tác phòng chống HIV đã bị cắt giảm đáng kể, điều đó cũng gây những khó khăn không nhỏ trong công tác phòng chống căn bệnh này.

Trước thực trạng trên, TS Hoàng Đình Cảnh cho biết, Chính phủ, Bộ Y tế đã có những giải pháp cụ thể để giải quyết vấn đề này. Theo đó, Chính phủ đã có những gói kinh phí để hỗ trợ chương trình, đồng thời các địa phương cũng cần phải đảm bảo nguồn kinh phí để hỗ trợ thực hiện đề án phòng chống HIV như đã cam kết.

Bên cạnh đó, Bộ Y tế đã đồng ý đưa các loại dịch vụ điều trị bệnh nhân HIV vào danh mục bảo hiểm y tế. Điều này sẽ giúp những người nhiễm HIV giảm được chi phí điều trị khi đến các cơ sở y tế khám, chữa bệnh.

Ngoài ra,. Để giải quyết sự kỳ thị đối với người nhiễm HIV ở địa phương, ngành y tế đã đồng ý quy định về việc cho người nhiễm HIV đi khám bệnh ở những địa phương khác, tại các cơ sở y tế cùng cấp chứ không nhất thiết phải khám tại địa phương.
Top