Mở rộng mô hình đào tạo điều trị HIV trực tuyến hiệu quả

07/01/2016 16:32

Nhằm chủ động ứng phó với những khó khăn, thách thức về vấn đề nhân lực, nhiều cơ sở điều trị HIV/AIDS đã ứng dụng chương trình đào tạo, hỗ trợ lâm sàng từ xa trong chăm sóc, điều trị HIV/AIDS đối với đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế.

 

Ảnh minh họa

Từ tháng 5/2015 đến nay, đều đặn 2 lần/tháng, đại diện các phòng khám ngoại trú tại 12 tỉnh, thành khu vực phía Bắc “gặp nhau” trên mạng internet để tham dự lớp đào tạo trực tuyến về chăm sóc, điều trị HIV/AIDS.

Hình thức lớp học là hội thảo truyền hình đa điểm trực quan với phần mềm riêng. Các học viên được trình bày ca bệnh cụ thể và thảo luận tự do. Vì vậy, việc nắm bắt kiến thức trực quan và dễ dàng hơn.

Lớp học nằm trong khuôn khổ chương trình “Đào tạo, hỗ trợ lâm sàng trực tuyến trong chăm sóc, điều trị HIV/AIDS” do Trung tâm Đào tạo và Chỉ đạo tuyến của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương phối hợp với Tổ chức Hợp tác phát triển Y tế Việt Nam, Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) tổ chức.

Bác sĩ Tạ Thị Diệu Ngân, Phó Giám đốc Trung tâm Đào tạo và Chỉ đạo tuyến, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, số lượng bác sĩ làm trong lĩnh vực HIV ở phòng khám thường xuyên thay đổi, đặc biệt tại các phòng khám ngoại trú không ổn định. Mặt khác, kiến thức về chăm sóc, điều trị căn bệnh này lại thường biến đổi và có cập nhật mới; các chuyên gia đầu ngành lại tập trung về các bệnh viện ở thành phố lớn. Do đó, mô hình đào tạo được mở rộng để các bác sĩ tuyến dưới có thể tiếp cận được các kiến thức cần thiết, bảo đảm chất lượng chăm sóc và điều trị bệnh nhân HIV/AIDS.

Một ưu điểm nổi bật của mô hình đạo tạo trực tuyến là tiết kiệm chi phí, theo ước tính có thể giảm 20-30 lần so với cách truyền thống. Các giảng viên không cần phải về từng cơ sở trực tiếp giảng dạy vừa mất thời gian, vừa tốn kém như trước đây. Các cơ sở tuyến dưới chỉ cần trang bị bộ phần mềm kỹ thuật riêng. Mỗi buổi học, cách xử lý một ca bệnh đặc thù và kiến thức hữu ích có thể truyền đến cho tất cả học viên. Họ cũng được thảo luận và chia sẻ ý kiến, học hỏi kinh nghiệm với các đồng nghiệp thường xuyên hơn.

Sau khoảng 6 tháng triển khai, chương trình đào tạo, hỗ trợ lâm sàng trực tuyến trong chăm sóc, điều trị HIV/AIDS đã bước đầu phát huy hiệu quả tại các cơ sở y tế tuyến dưới. Tuy nhiên, do đây là hình thức đào tạo mới nên nhiều học viên còn chưa thành thục và mạnh dạn trong quá trình thảo luận trực tuyến. Bên cạnh đó, học viên vẫn cần tham gia công tác điều trị nên có khả năng gián đoạn trong việc học. Do đó, chương trình rất cần sự ủng hộ và đồng hành của lãnh đạo các cơ sở y tế nhằm tạo điều kiện về thời gian, kỹ thuật cho các học viên.
Top