Mở rộng dịch vụ tư vấn xét nghiệm lưu động HIV

31/08/2015 17:07

Bộ Y tế hiện đang triển khai mở rộng dịch vụ tư vấn xét nghiệm HIV thông qua các dịch vụ tư vấn xét nghiệm lưu động và phối hợp với các tổ chức cộng đồng tư vấn chuyển gửi người nguy cơ cao lây nhiễm HIV đến cơ sở y tế làm xét nghiệm HIV.

Tổ chức xét nghiệm nhiễm HIV lưu động cho cộng đồng - Ảnh minh họa

Trong những năm gần đây, chương trình tư vấn xét nghiệm tự nguyện đã được mở rộng với số điểm tư vấn xét nghiệm tự nguyện (VCT) và khách hàng VCT tăng từ 157 điểm năm 2005 lên 485 điểm trong năm 2013. Tuy vậy, số phòng VCT đã giảm xuống còn 270 điểm trong năm 2014.

Trong năm 2014, các điểm VCT hoạt động thiếu hiệu quả so với số khách hàng thấp nên đã bị đóng cửa, nhưng các mô hình tư vấn xét nghiệm lưu động và tư vấn xét nghiệm do nhân viên y tế đề xuất ngày cành mở rộng.

Tính đến tháng 6, toàn quốc hiện có 1.345 cơ sở y tế cung cấp dịch vụ tư vấn và xét nghiệm HIV, có 95 phòng được phép khẳng định HIV dương tính và 1.250 phòng xét nghiệm sàng lọc HIV. Tư vấn xét nghiệm cho 260.000 người trong đó có 5.000 lượt người có kết quả HIV dương tính. Tỷ lệ tiếp cận dịch vụ tư vấn xét nghiệm trong các nhóm có hành vi nguy cơ cao trong năm 2014 là 28.1% đối với người nghiện chích ma túy; 38.4% phụ nữ bán dâm và 39.4% đối với nam quan hệ đồng tính.

Để mở rộng dịch vụ tư vấn xét nghiệm HIV, Bộ Y tế đã phê duyệt phương cách xét nghiệm HIV mới, theo đó áp dụng 3 xét nghiệm nhanh để chuẩn đoán sơ bộ nhiễm HIV và cho kết quả trong cùng ngày. Phương cách này sẽ được triển khai tại các tuyến cung cấp dịch vụ. Kết quả xét nghiệm HIV sẽ được khẳng định tại phòng xét nghiệm tuyến quận huyện.

Nhằm tăng cường tính tiếp cận, xét nghiệm HIV được giới thiệu qua nhiều cách thức như: Cán bộ y tế đề xuất, người sử dụng dịch vụ y tế tự đề xuất và xét nghiệm di động. Các tổ chức xã hội cũng được huy động tham gia giới thiệu người nguy cơ cao nhiễm HIV tới các dịch vụ xét nghiệm HIV.

Bên cạnh việc mở rộng dịch vụ tư vấn xét nghiệm HIV thông qua các dịch vụ tư vấn xét nghiệm lưu động, ngành y tế cũng sẽ mở rộng hệ thống giám sát dịch HIV. Hiện nay, có 40 tỉnh, thành phố đang triển khai giám sát trọng điểm hàng năm. Một số tỉnh đã triển khai giám sát trọng điểm kết hợp với giám sát hành vi và gián sát STI. Song song là hệ thống báo cáo ca bệnh để thu thập báo cáo các trường hợp nhiễm HIV trên toàn quốc. Phần mềm HIV Info 2.1 được cập nhật thành phiên bản HIV Info 3.0 giúp các cán bộ báo cáo chính xác hơn về trường hợp HIV ở địa phương.

Ngoài ra, phương pháp đánh giá kết quả can thiệp dựa vào phân tích bậc thang đã giúp cán bộ chương trình tại tuyến quận/huyện phát hiện và cải thiện các hạn chế trong quá trình tiếp cận dịch vụ từ dự phòng tới chăm sóc và điều trị của nhóm quần thể có nguy cơ cao. Phân tích bậc thang là công cụ hữu ích và hiệu quả để giám sát đáp ứng với dịch HIV.

Để thực hiện được phương pháp phân tích, các chương trình can thiệp cần liên kết với nhau. Hiện Cục phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) đang làm việc cùng các đối tác để xây dựng cơ sở dữ liệu điện tử để quản lý, phân tích và cung cấp báo cáo cho chương trình chăm sóc điều trị, kết nối với phần mềm HIVinfo có thông tin về các trường hợp HIV.
Top