Mô hình tiếp cận 4.0: Cải tiến chiến lược tăng cường phát hiện nhiễm HIV

31/12/2018 16:04

Phương pháp tiếp cận đổi mới, nhằm kết nối cộng đồng có nguy cơ cao lây nhiễm HIV tiếp cận các thông tin liên quan đến dự phòng lây nhiễm, cũng như các dịch vụ xét nghiệm HIV mà họ lựa chọn. Từ đó, kết nối những người đã có kết quả xét nghiệm khẳng định dương tính với HIV tới các liệu pháp điều trị kéo dài sự sống. Các tiếp cận này còn gọi là tiếp cận 4.0, đây là bước tiến mới nhất trong chiến lược được thực hiện từ nhiều năm trước.

 Diễu hành truyền thông phòng, chống HIV/AIDS. Bên cạnh công tác truyền thông, mô hình tiếp cận 4.0 là phương pháp tiếp cận mới, nhằm kết nối cộng đồng nguy cơ cao lây nhiễm HIV tiếp cận các thông tin dự phòng lây nhiễm. Ảnh: Thùy Chi

Cải tiến phương pháp tiếp cận

Năm 2018, Dự án USAID SHIFT đã hợp tác với các địa phương trong lĩnh vực phòng, chống HIV triển khai mô hình tiếp cận 4.0. Trong nhiều năm qua, các đồng đẳng viên HIV nhận hỗ trợ hàng tháng để thực hiện việc tiếp cận nhóm đích có nguy cơ lây nhiễm HIV cao, bao gồm nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM) và nhóm chuyển giới (TG). Họ thường lui tới các địa bàn quen thuộc với nhóm MSM hoặc cung cấp dịch vụ thăm khám và tư vấn giảm nguy cơ lây nhiễm và xét nghiệm HIV.

Năm 2014, tổ chức FHI 360 và Dự án USAID SMART TA đã bắt đầu thực hiện chương trình với tên gọi các phương pháp tiếp cận nâng cao (EOA), áp dụng hình thức khuyến khích dựa trên hiệu quả công việc thay cho hình thức chi trả hỗ trợ hàng tháng. Hoạt động này, thông qua hình thức chi trả dựa trên số lượng người được tiếp cận và số lượng ca nhiễm mới HIV được phát hiện, được áp dụng nhằm khuyến khích các nhân viên hỗ trợ cộng đồng, giúp tăng cường nỗ lực tiếp cận của họ cũng như nhắm tới những nhóm có nguy cơ cao hơn.

Trong năm 2016, Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ tại Việt Nam (USAID) thông qua Dự án SHIFT (được thực hiện bởi tổ chức FHI 360) bắt đầu hợp tác cùng CLB Bầu Trời xanh tại TPHCM đăng tải thông tin trên trang Facebook của họ. Ban đầu, hoạt động hợp tác chỉ nhằm tận dụng chức năng trò chuyện của Facebook để cung cấp dịch vụ tư vấn và đánh giá nguy cơ; và sau đó kết nối những khách hàng có nguy cơ cao tới các sự kiện để tiến hành xét nghiệm.

Những nỗ lực kể trên đã đạt được thành công lớn trong việc nhận diện khách hàng có nguy cơ cao thông qua tư vấn trực tuyến, kết nối họ tới các sự kiện để được xét nghiệm. Năm 2017, một chức năng khác là công cụ tự đánh giá nguy cơ trực tuyến đã được tích hợp bổ sung vào phương pháp tiếp cận từ trực tuyến đến trực tiếp (O2O). Đây được coi là bước tiến lớn, tuy nhiên vẫn còn rất nhiều khách hàng có nguy cơ cần được tiếp cận.

Dự án USAID SHIFT đã hỗ trợ triển khai hoạt động tiếp cận trực tuyến và đánh giá nguy cơ nhằm đẩy mạnh việc tìm kiếm ca mới, đặc biệt trong các nhóm ẩn. Tuy nhiên, vẫn còn có nhiều nhóm đích tiềm năng chưa được tiếp cận vì họ không phải là thành viên của các nhóm trên Facebook, nơi các thông điệp và hình ảnh được quảng bá.

Vì vậy, một ý tưởng đã được đưa ra nhằm cải tiến mô hình với sự hỗ trợ của dữ liệu lớn (Big Data) cũng như các tính năng quảng cáo nhắm trúng đích của các mạng xã hội để tìm ca mới và kết nối họ tới sử dụng các dịch vụ. Phương pháp tiếp cận này có thể hướng tới bất kì nhóm đích nào đang trực tuyến, dựa trên mối quan tâm, hành vi của họ cũng như các kĩ thuật xác định mục tiêu quảng cáo sử dụng trên các nền tảng như Facebook, Google và Instagram.

Hỗ trợ tăng cường cho các mạng lưới cộng đồng

Với cam kết học hỏi và không ngừng cải tiến nhằm đáp ứng nhu cầu của các nhóm đích, Dự án USAID SHIFT đã phối hợp với CLB Bầu trời xanh và Trung tâm phòng, chống AIDS TPHCM thực hiện chiến lược tiếp cận mới nhất này từ tháng 3/2018.

Phương pháp tiếp cận này, được biết đến với tên gọi tiếp cận 4.0, được xây dựng dựa trên phương pháp tiếp cận từ trực tuyến đến trực tiếp (O2O) và tận dụng các quảng cáo đăng tải trên các diễn đàn dành cho nhóm MSM và TG, bao gồm các ứng dụng hẹn hò cho nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới như Blued, và các nền tảng lớn khác như Facebook hay Google , nhằm cung cấp cho khách hàngcó nhu cầu, các thông tin về dự phòng và xét nghiệm HIV.

Qua 6 tháng thực hiện tại TPHCM với kết quả khả quan, dự án USAID SHIFT đã tiếp tục phối hợp với các đối tác tại Hà Nội để mở rộng mô hình tiếp cận 4.0 trong tháng 9/2018.

Khách hàng khi nhấn vào các quảng cáo của tiếp cận 4.0 sẽ được dẫn tới một trang dành riêng cho tiếp cận 4.0 trên website của Trung tâm Phòng, chống AIDS ở TPHCM hay Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP. Hà Nội. Trên các trang này hiển thị các hình ảnh thu hút nhóm MSM và TG, và các thông tin chi tiết về dự phòng HIV, các dịch vụ HIV cũng như các sự kiện có hoạt động xét nghiệm. Khách hàng cũng có thể tiếp cận khảo sát đánh giá nguy cơ.

Dựa trên các hành vi mà khách hàng cung cấp, họ sẽ được đánh giá có nguy cơ cao hay thấp, và những người có nguy cơ cao được khuyến khích đăng ký xét nghiệm HIV. Khách hàng có thể lựa chọn xét nghiệm bằng các hình thức: Đến trực tiếp các phòng khám của dự án, hoặc đặt lịch hẹn xét nghiệm tại cộng đồng tại các sự kiện offline mà dự án hỗ trợ, hoặc đặt bộ tự xét nghiệm bằng dịch miệng chuyển phát đến nhà riêng.  

Các sự kiện offline trực tiếp, được tổ chức bởi CLB Bầu trời xanh ở TPHCM và Hải Đăng ở Hà Nội, là một yếu tố then chốt trong chiến lược tiếp cận 4.0. Không chỉ hỗ trợ tăng cường cho các mạng lưới cộng đồng, các sự kiện này thường có sự tham gia của một số nhân vật nổi tiếng, có sức ảnh hưởng và mang tới không gian vui vẻ, thân thiện khi thực hiện tư vấn và xét nghiệm cho nhóm MSM và TG, và cả nhóm được giới thiệu từ khảo sát đánh giá nguy cơ. Những người có kết quả phản ứng sẽ được kết nối tới dịch vụ tư vấn và xét nghiệm khẳng định, dịch vụ điều trị chăm sóc và các dịch vụ khác.

Mở rộng mô hình tiếp cận 4.0

Với việc xác định khách hàng mục tiêu là những người hiện đại và thường trực tuyến, cũng như việc lựa chọn các nền tảng và các nhóm mà cộng đồng MSM và TG thường sử dụng, Dự án USAID SHIFT có thể hỗ trợ các đối tác tại Hà Nội và TPHCM tập trung vào nhóm có nguy cơ lây nhiễm HIV cao, đó là nhóm MSM và TG độ tuổi từ 16 đến 40.

Kể từ khi bắt đầu thực hiện từ tháng 3/2018, tiếp cận 4.0 đã tổ chức 3 sự kiện xét nghiệm tại cộng đồng ở TPHCM và 1 sự kiện tại Hà Nội.

Khi mô hình tiếp cận 4.0 được mở rộng từ TPHCM tới Hà Nội, Dự án USAID SHIFT đã tổ chức các buổi tọa đàm có sự tham gia của các cơ quan quản lý y tế và các đối tác cộng đồng để nhìn lại 6 tháng đầu thực hiện cũng như bảo đảm thành công khi thực hiện tại Hà Nội.

Trong các tháng tiếp theo, Dự án USAID SHIFT kỳ vọng sẽ hỗ trợ các đối tác địa phương tối ưu hóa các nền tảng trực tuyến nhằm cung cấp thêm thông tin cho các khách hàng được giới thiệu thành công từ các quảng cáo trực tuyến. Đồng thời, dự án cũng đang thực hiện các kế hoạch nhằm hỗ trợ các cơ quan chức năng và các đối tác tại các tỉnh Đồng Nai và Tây Ninh tiếp quản mô hình nói trên.

Trong lúc đó, các cán bộ của Dự án USAID SHIFT, các cơ quan quản lý y tế trung ương và địa phương và các nhân viên hỗ trợ cộng đồng sẽ tiếp tục thực hiện và cải tiến mô hình tiếp cận 4.0 thông qua việc cải thiện khả năng xác định khách hàng mục tiêu, tăng cường dịch vụ tư vấn trực tuyến, và kết nối nhóm có nguy cơ cao tới dịch vụ xét nghiệm, điều trị dự phòng, điều trị kháng virus và các thông tin về bảo hiểm y tế cũng như thuốc dự phòng trước phơi nhiễm (PrEP). 

Trong thời gian tới, Dự án USAID SHIFT sẽ tiếp tục nâng cao kĩ năng và năng lực của các nhân viên hỗ trợ cộng đồng-trung tâm dẫn tới thành công của mô hình tiếp cận 4.0, cả trên nền tảng trực tuyến (thông qua dịch vụ tư vấn) và trực tiếp (thông qua dịch vụ tư vấn và xét nghiệm).

Top