Lồng ghép dự phòng lây truyền HIV, HBV và giang mai

27/11/2015 10:36

Việc lồng ghép dự phòng lây truyền HIV, HBV (viêm gan B) và giang mai từ mẹ sang con là có thể và nên được coi là một phần của gói chăm sóc chuẩn trước sinh.

TS. Nguyễn Thị Thúy Vân, đại diện Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam đã nhận định như trên tại phiên họp chuyên đề về “Điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con, điều trị HIV/AIDS ở trẻ em” do Bệnh viện Nhi Trung ương, Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam và Tổ chức hợp tác phát triển y tế tại Việt Nam đồng chủ trì trong khuôn khổ hoạt động của Hội nghị khoa học quốc gia về HIV lần thứ VI.

Toàn cảnh phiên họp chuyên đề

Theo TS. Nguyễn Thị Thúy Vân, cần có sự đầu tư để xét nghiệm HIV, HBV và giang mai cho phụ nữ mang thai, đồng thời đầu tư cho dự phòng lây truyền mẹ con để ngăn ngừa nhiễm HIV, HBV và giang mai ở trẻ em. Đây là việc tiết kiệm chi phí điều trị trong tương lai.

TS. Cao Thị Thanh Thủy, Quỹ Sáng kiến tiếp cận y tế Clinton cho biết, can thiệp dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con ở trẻ dưới 18 tháng tuổi đã được làm xét nghiệm PCR tại 29 tỉnh trong giai đoạn 2010-2012.

Trong 3 năm triển khai, một số vấn đề được phát hiện, đó là: Tỷ lệ phụ nữ mang thai phát hiện nhiễm HIV muộn khi chuyển dạ và sau sinh cao làm làm tăng cơ hội không nhận được can thiệp dự phòng bằng ARV; Tỷ lệ nhiễm HIV ở trẻ thấp khi mẹ được điều trị ARV bằng 3 thuốc giai đoạn mang thai; Hạn chế kiến thức, thực hành của nhân viên y tế về phòng lây truyền mẹ con, không sẵn có dịch vụ phòng lây truyền mẹ con và kỳ thị, phân biệt đối xử là rào cản thực hiện  phòng lây truyền mẹ con dẫn đến tỷ lệ nhiễm HIV cao ở trẻ.

Theo TS. Cao Thị Thanh Thủy, để giải quyết vấn đề trên, cần tăng cường xét nghiệm HIV sớm cho phụ nữ mang thai và điều trị ARV 3 thuốc để phòng lây truyền mẹ con hiệu quả. Tăng cường triển khai các chính sách, hướng dẫn mới có liên quan đến phòng lây truyền mẹ con để tăng tiếp cập xét nghiệm HIV và điều trị ARV cho phụ nữ mang thai, phụ nữ nhiễm HIV cho con bú.

TS. Trần Tôn, Viện Pasteur TP.HCM cho biết, đã theo dõi HIV kháng thuốc ở trẻ em điều trị ARV phác đồ bậc 1 tại 2 Bệnh viện Nhi đồng 1 và Nhi đồng 2 tại TP.HCM. TS. Trần Tôn đưa ra các khuyến nghị: Cần có các biện pháp can thiệp nhằm tăng cường khả năng tiếp cận chương trình chăm sóc điều trị cho trẻ em sinh ra từ mẹ nhiễm HIV; Ghi nhận đột biến gây kháng chéo nhiều thuốc cùng lúc và những chủng HIV tích lũy nhiều đột biến kháng thuốc chỉ sau 12 tháng điều trị nên cần tiếp tục triển khai thực hiện những nghiên cứu và giám sát tình trạng kháng thuốc để có thể cập nhật thông tin về tình hình kháng thuốc kịp thời cho hướng dẫn quốc gia về điều trị cho người nhiễm HIV/AIDS; Mắc lao và điều trị lao cùng lúc với điều trị ARV có thể liên quan đến việc xuất hiện HIV kháng thuốc nên đây là điều cần lưu ý để xem xét và bổ sung cho hướng dẫn điều trị...

Tại phiên họp chuyên đề, sau khi tổng hợp các ý kiến, hội đồng nhận định: Tỷ lệ phụ nữ mang thai phát hiện nhiễm HIV muộn khi chuyển dạ và sau sinh vẫn còn cao và điều này làm giảm cơ hội dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con bằng thuốc ARV và hạn chế kiến thức, thực hành của nhân viên y tế về phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con. Bên cạnh đó, sự không sẵn có dịch vụ phòng lây truyền mẹ con, kỳ thị và phân biệt đối xử là rào cản trong việc tăng tiếp cận đối với các can thiệp phòng lây truyền mẹ con dẫn đến tỷ lệ nhiễm HIV cao ở trẻ.
Top