Long An: Thay đổi cách tiếp cận truyền thông phòng, chống lây nhiễm HIV

11/07/2019 14:46

Thay đổi cách tiếp cận, truyền thông đang là cách làm hiệu quả của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Long An để thu hút những người nhiễm HIV và nguy cơ cao nhiễm HIV tham gia điều trị PrEP.

 Xét nghiệm HIV. Ảnh: Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Long An

Mặc dù các nghiên cứu và thực tiễn cho thấy việc tham gia điều trị dự phòng phơi nhiễm HIV (PrEP) có hiệu quả tốt nhất trong việc phòng, chống lây nhiễm HIV, đặc biệt ở những nhóm có nguy cơ cao, nhưng hiện nay những người tham gia tiếp cận dịch vụ này vẫn còn rất hạn chế.

Chính vì vậy, đẩy mạnh công tác truyền thông là hoạt động mà ngành Y tế tỉnh Long An hướng tới. Không chỉ tổ chức tại các trung tâm y tế, cơ sở cấp phát thuốc, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Long An còn tổ chức tuyên truyền tại những nơi khiến người nguy cơ cao nhiễm HIV không rụt rè, hay né tránh, chẳng hạn như tại quán cà phê nhỏ, không có bảng hiệu hay cờ phướn.

Ông Nguyễn Ngọc Linh - Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Long An cho biết, khi đã hiểu về PrEP thì việc tham gia PrEP sẽ là cứu cánh cho những người có nguy cơ lây nhiễm HIV cao trong việc bảo vệ bản thân cũng như bạn tình của mình, nhất là trong bối cảnh người nhiễm HIV trong nhóm MSM và cộng đồng người chuyển giới có xu hướng tăng lên trong thời gian gần đây. Một điều quan trọng hơn là khi tham gia PrEP, những người thụ hưởng được miễn phí hoàn toàn các chi phí uống thuốc cũng như khám định kỳ.

“Những người cần truyền thông chúng tôi hướng đến đều thuộc nhóm MSM. Bình thường họ ít khi công khai vì xã hội dù ít hay nhiều vẫn còn cái nhìn chưa thật sự thiện cảm. Và quan trọng nhất, giữa người làm truyền thông và những người cần điều trị phải tạo được lòng tin cho nhau, từ đó họ mới hiểu, cùng hợp tác và cùng bắt tay điều trị để ngăn ngừa lây nhiễm HIV”, ông Linh cho hay.

Khác với những buổi hội họp, tuyên truyền, buổi truyền thông về PrEP được bố trí trong không gian khá thân mật với các dãy bàn được xếp đan xen tạo không khí ấm cúng, không mang tính hình thức và được tổ chức tại quán cà phê, nơi những người trong nhóm MSM vẫn thường hay gặp mặt. Có hơn 50 người thuộc nhóm MSM đến dự. Trong số đó, có nhiều người còn rất trẻ, có người đồng tính nam nhưng cũng có những người là bạn tình của họ.

Ban đầu, khi tham dự, nhiều ánh mắt của các thành viên trong nhóm MSM còn khá e dè, ái ngại khi thấy sự xuất hiện của phóng viên. Tuy nhiên, với cách tổ chức lồng ghép giữa truyền thông và các hoạt động văn nghệ, đố vui, những ánh mắt ái ngại đó dần tập trung sau mỗi hoạt động thông tin về PrEP.

Sau mỗi buổi truyền thông như vậy, đã có 2/3 số người tham dự tình nguyện làm các xét nghiệm test nhanh xác định HIV cũng như đồng ý tham gia vào quá trình sử dụng PrEP. “Đó là những tín hiệu rất tích cực cho thấy khi chúng ta tạo được lòng tin với những người thuộc các nhóm có nguy cơ cao dễ lây nhiễm HIV thì việc vận động, thuyết phục họ chung tay phòng, chống lây nhiễm HIV không phải là việc ngoài tầm với. Tôi tin rằng, những người dự buổi truyền thông sẽ tiếp tục là những đồng đẳng viên để vận động những người khác trong nhóm MSM cùng tham gia PrEP”, ông Linh nói.

Trong số hơn 50 người có nguy cơ cao nhiễm HIV thuộc nhóm MSM dự chương trình truyền thông do Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Long An tổ chức, một số người đã có quá trình sử dụng PrEP nhưng cũng có những người chưa từng tiếp cận với PrEP.

Anh T, thuộc nhóm MSM cho biết, sau khi tham gia buổi tuyên truyền anh đã hiểu rõ được lợi ích của PrEP và không ngần ngại tham gia. Sử dụng PrEP hàng ngày sẽ tránh được lây truyền HIV đối với những nhóm người có nguy cơ cao như anh giúp anh yên tâm hơn. Anh cũng sẽ khuyên những người bạn giống như mình tham gia điều trị PrEP để phòng ngừa căn bệnh thế kỷ HIV/AIDS.

Bà Amy Bailey, Phó Giám đốc Văn phòng Phòng, chống dịch bệnh Hoa Kỳ tại Việt Nam, việc điều trị dự phòng trước phơi nhiễm có hiệu quả cao trong phòng ngừa HIV khi sử dụng đúng theo chỉ định. Theo những kết quả đã được ghi nhận, PrEP có hiệu quả đến 92% trong việc phòng ngừa lây truyền HIV trong nhóm nguy cơ cao như MSM. Người sử dụng dịch vụ PrEP được tiếp cận các dịch vụ y tế, bao gồm xét nghiệm HIV, các bệnh lây truyền qua đường tình dục, kiểm tra sức khỏe định kỳ. Những người được ưu tiên PrEP sẽ gồm những nhóm có nguy cơ cao nhiễm HIV như MSM, bán dâm nam hoặc nữ, người chuyển giới, người tiêm chích ma túy và bạn tình của người nhiễm HIV có tải lượng virus trên ngưỡng ức chế.

Việc sử dụng PrEP là can thiệp hiệu quả trong phòng ngừa nhiễm HIV, góp phần làm giảm số ca nhiễm HIV đối với các nhóm có nguy cơ cao, cắt đứt đường lây truyền HIV, góp phần giúp Việt Nam đạt mục tiêu 90-90-90 trong phòng chống HIV/AIDS.
Top