Long An: Phát hiện gần 5.300 người nhiễm HIV

16/10/2019 14:35

Tính đến hết tháng 8/2019, Long An ghi nhận phát hiện gần 5.300 ca nhiễm HIV, trong đó hơn 1.400 ca đã tử vong. Hiện số người nhiễm HIV còn sống đang được quản lý là 1.950 ca.

 Xét nghiệm tự nguyện HIV trên địa bàn tỉnh: Ảnh: TT KSBT tỉnh Long An

Những năm gần đây, các trường hợp nhiễm HIV mới gia tăng trong nhóm đối tượng thanh niên, học sinh, nhóm người quan hệ tình dục đồng giới nam… Tỉnh đang tích cực triển khai đồng bộ nhiều giải pháp hướng đến đối tượng trọng tâm, địa bàn trọng điểm và các giải pháp hiệu quả, thiết thực.

Nhằm khống chế lây nhiễm HIV trong cộng đồng dưới 0,3%, hoàn thành mục tiêu 90-90-90 (90% người nhiễm HIV biết được tình trạng nhiễm của bản thân, 90% người nhiễm HIV được điều trị bằng thuốc kháng HIV (ARV) và 90% số người đang được điều trị có tải lượng HIV ở mức thấp) vào năm 2020, Long An triển khai các giải pháp củng cố và mở rộng mạng lưới xét nghiệm HIV, chú trọng đến những người dễ phơi nhiễm HIV, mở rộng độ bao phủ dịch vụ chăm sóc, điều trị HIV ở các địa bàn có số người nhiễm HIV cao.

Giải pháp ưu tiên được Long An đặt ra nhằm đạt được 3 mục tiêu 90-90-90 trong phòng chống HIV/AIDS là tìm người phơi nhiễm để quản lý, điều trị phơi nhiễm kịp thời, hạn chế lây nhiễm mới. Nhiều người nhiễm HIV trên địa bàn tỉnh khi được tiếp cận, phần lớn chưa điều trị ARV hoặc đã điều trị nhưng tải lượng HIV còn cao chính là nguồn lây HIV ra cộng đồng.

Ngoài ra, tỉnh đang thực hiện dự án hỗ trợ phòng, chống HIV/AIDS, hướng tới mục tiêu góp phần giảm sự lây nhiễm HIV thông qua các biện pháp dự phòng có hiệu quả, cải thiện việc chăm sóc, hỗ trợ và điều trị người nhiễm HIV/AIDS, nâng cao năng lực và cơ sở hạ tầng của hệ thống phòng, chống AIDS. 

Từ đầu năm 2019, Long An là một trong những địa phương đầu tiên của cả nước triển khai chương trình điều trị dự phòng trước khi phơi nhiễm HIV/AIDS (PrEP). Những địa bàn đông dân cư được tỉnh chú trọng triển khai PrEP như: TP Tân An và các huyện: Đức Hòa, Bến Lức, Cần Giuộc, Cần Đước... Những người bị phơi nhiễm hoặc chưa phơi nhiễm nhưng nằm trong nhóm có nguy cơ bị nhiễm đều có thể đăng ký tham gia để được tư vấn, xét nghiệm, hỗ trợ thuốc uống tại các trung tâm phòng, chống dịch bệnh cấp tỉnh và các huyện, thị xã, thành phố. Đặc biệt, PrEP có hiệu quả đến 92% phòng ngừa lây nhiễm HIV trong nhóm quan hệ đồng tính nam.

Thời gian tới, địa phương sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng dịch vụ xét nghiệm, chăm sóc và điều trị cho người nhiễm HIV/AIDS, tạo tâm lý ổn định cho bệnh nhân khi tiếp cận dịch vụ. Như vậy, mục tiêu 90-90-90 sẽ đạt kết quả cao.

Tăng cường công tác truyền thông, nâng cao nhận thức phòng, chống HIV/AIDS trong cộng đồng, kêu gọi người dân chủ động xét nghiệm, phát hiện sớm tình trạng bệnh để tiếp cận điều trị.

Chú trọng triển khai chương trình K=K (không phát hiện bằng không lây nhiễm), tăng cường xét nghiệm tại phòng điều trị ngoại trú ARV và phòng tư vấn, điều trị HIV miễn phí.
Top