Lịch sử Hội nghị khoa học Quốc gia về phòng, chống HIV/AIDS

25/11/2015 17:03

Để đánh giá lại các hoạt động nghiên cứu khoa học về HIV/AIDS và tạo cơ hội cho các nhà khoa học trong nước và quốc tế có thể trao đổi, thảo luận, chia sẻ về các kết quả nghiên cứu, sáng kiến, mô hình can thiệp, cung cấp dịch vụ về phòng, chống HIV/AIDS, trong những năm qua, ngành y tế tại Việt Nam đã tổ chức thành công 5 Hội nghị Khoa học Quốc gia về HIV/AIDS.

Cụ thể, năm 1997, Hội nghị Khoa học Quốc gia về HIV/AIDS lần đầu tiên được tổ chức tại Hà Nội. Tại hội nghị này có 30 đề tài tham gia, các đề tài chủ yếu tập trung vào hai lĩnh vực chính bao gồm: Nghiên cứu về y sinh học, dịch tễ học HIV/AIDS ở Việt Nam và nghiên cứu về xã hội học, tập trung vào kiến thức, thái độ, thực hành phòng, chống HIV/AIDS của các nhóm dân cư trong cộng đồng.

Đến năm 1999, Hội nghị Khoa học quốc gia về HIV/AIDS lần thứ II được tổ chức tại Hà Nội. Tại hội nghị này đã có tới 87 đề tài, công trình nghiên cứu tham gia, bao gồm 5 lĩnh vực chính. Trong đó, có những lĩnh vực mới như: Nghiên cứu về đặc điểm và diễn biến lâm sàng; đáp ứng miễn dịch của người nhiễm HIV và bệnh nhân AIDS ở Việt Nam; các phương pháp điều trị, chăm sóc và dự phòng đối với bệnh nhân AIDS; các nghiên cứu về pháp luật, chính sách đối với công tác phòng, chống HIV/AIDS.

Vào năm 2005, Hội nghị Khoa học Quốc gia về HIV/AIDS lần thứ III được tổ chức tại TP.HCM. Tại hội nghị này số lượng đề tài tham dự đã lên tới 180 đề tài. Các nghiên cứu hầu như tập trung vào tất cả các lĩnh vực của công cuộc phòng, chống HIV/AIDS.

Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng phát biểu tại Hội nghị Khoa học Quốc gia về HIV/AIDS lần thứ IV

Năm 2010, Hội nghị Khoa học Quốc gia về HIV/AIDS lần thứ IV được tổ chức tại Hà Nội với chủ đề: “Tiếp cận phổ cập hoàn thành mục tiêu thiên niên kỷ vào năm 2015” với sự tham dự của hơn 1.500 đại biểu. Hội nghị tập trung vào 4 chủ đề: Khoa học cơ bản về HIV/AIDS và Dịch tễ học về HIV/AIDS, HIV/AIDS/STI/Lao; Can thiệp, dự phòng lây nhiễm HIV/AIDS; Chăm sóc, điều trị nhiễm trùng cơ hội và AIDS.

Hội nghị có 230 báo cáo là các đề tài nghiên cứu khoa học và báo cáo chia sẻ kinh nghiệm các mô hình phòng, chống HIV/AIDS. Trong đó, hơn 40 báo cáo của các chuyên gia, các nhà khoa học quốc tế. Tại hội nghị có 4 phiên toàn thể, 16 phiên chuyên đề. Ngoài ra, còn có 50 gian hàng triển lãm, 8 hội thảo vệ tinh đã được tổ chức trong thời gian tổ chức hội nghị.

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm gian hàng triển lãm trong khuôn khổ Hội nghị Khoa học Quốc gia về Phòng, chống HIV/AIDS lần thứ V - Ảnh: Thùy Chi

Hội nghị Khoa học Quốc gia về phòng, chống HIV/AIDS lần thứ V được tổ chức vào năm 2013 tại Hà Nội với chủ đề “Hướng tới không còn người nhiễm mới HIV”. Gần 1.000 đại biểu đã đến tham dự. Hội nghị tập trung vào 4 lĩnh vực: Khoa học cơ bản, Dịch tễ học về HIV/AIDS, HIV/AIDS/STI/Lao; Can thiệp dự phòng lây nhiễm HIV; Điều trị, chăm sóc bệnh nhân HIV/AIDS và các nhiễm trùng cơ hội; Lãnh đạo, quản lý, sự tham gia của các tổ chức xã hội dân sự, kinh tế y tế trong phòng, chống HIV/AIDS.

Ngoài 2 phiên họp toàn thể, hội nghị đã tổ chức 13 phiên họp chuyên đề có 87 công trình, đề tài nghiên cứu khoa học, bài học chia sẻ kinh nghiệm có giá trị ứng dụng thực tiễn cao đã được các chuyên gia, các nhà khoa học, cán bộ nghiên cứu báo cáo tại các hội trường. 38 đề tài báo cáo bằng poster được trưng bày tại tiền sảnh của hội nghị và 6 hội thảo vệ tinh...

Năm nay, Hội nghị khoa học Quốc gia về phòng, chống HIV/AIDS lần thứ VI được tổ chức trong hai ngày, từ 24-25/11 tại Hà Nội. Phát biểu tại buổi khai mạc ngày 24/11, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Chủ tịch Ủy ban quốc gia phòng chống AIDS và phòng chống tệ nạn ma túy, mại dâm nhấn mạnh, các vấn đề liên quan đến phòng bệnh, hỗ trợ điều trị liên quan đến HIV/AIDS đều cần có các giải pháp khoa học, cần phải thực hiện rất khoa học và cần sự tham gia của toàn xã hội. Những kết quả nghiên cứu, khuyến nghị của các nhà khoa học đưa ra phải được triển khai trong thực tế để những người nhiễm HIV/AIDS đều được tiếp cận, hướng tới đạt được mục tiêu 90-90-90 đã cam kết với Liên Hợp Quốc.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại Hội nghị khoa học quốc gia phòng chống HIV/AIDS lần thứ VI - Ảnh: Thùy Chi

Hội nghị lần này thu hút khoảng 1.000 đại biểu tham dự. Hội nghị bao gồm: 2 phiên toàn thể, 11 phiên chuyên đề, và 4 hội thảo vệ tinh. có 82 công trình nghiên cứu sẽ được trình bày tại các phiên, trong đó có 28 nhà khoa học quốc tế và 54 nhà khoa học trong nước sẽ trực tiếp trình bày báo cáo tại hội nghị. Ngoài ra, có 22 gian hàng triển lãm, góc báo chí và 40 Poster được trình bày.

Các báo cáp tập trung vào việc phân tích, đánh giá tình hình dịch HIV/AIDS, chia sẻ hiệu quả triển khai các chương trình can thiệp dự phòng, chăm sóc và điều trị HIV/AIDS, các mô hình dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS và hiệu quả đầu tư cho phòng, chống HIV/AIDS thông qua các công trình nghiên cứu khoa học giai đoạn 2013-2015.

Điểm mới của Hội nghị năm nay là chủ đề của Hội nghị “Hướng tới mục tiêu 90-90-90 về phòng, chống HIV/AIDS”. Mục tiêu 90 – 90 – 90 của Việt Nam là hướng tới năm 2020 ở Việt Nam có 90% số người biết được tình trạng nhiễm HIV của mình, 90% số người đã chẩn đoán nhiễm HIV được điều trị thuốc ARV liên tục và 90% số người được điều trị ARV kiểm soát được tải lượng virus ở mức thấp và ổn định. Đây là mục tiêu mà toàn cầu đang hướng tới và Việt Nam là nước đầu tiên trong khu vực Châu Á - Thái Bình dương cam kết hưởng ứng mục tiêu này.

Đặc biệt, tại hội nghị năm nay, có tới hơn 100 nhà khoa học quốc tế tham dự hội nghị. Một số nhà khoa học quốc tế vừa là người chủ trì các phiên hội nghị, các hội thảo vệ tinh, đồng thời cũng báo cáo chia sẻ các kết quả nghiên cứu mới nhất về phòng, chống HIV/AIDS trong nước và khu vực. Điển hình là sự tham gia của GS. Françoise Barré-Sinoussi. Bà Françoise đã bảo vệ bằng tiến sĩ tại Đại học Khoa học Paris  (Faculté des sciences de Paris) vào năm 1974. Năm 1983, bà đã tìm ra HIV, virus gây ra bệnh AIDS. Từ năm 1988 bà chuyển sang nghiên cứu vaccine ngừa HIV tại Viện Pasteur Paris. Năm 2008 cùng với hai nhà khoa học khác bà đã được Viện Hàn lâm Khoa học Thụy Điển trao Giải Nobel Sinh lý và Y khoa.

Hội nghị khoa học Quốc gia về phòng, chống HIV/AIDS lần thứ VI không chỉ đáp ứng được niềm mong đợi của các nhà khoa học mà còn là cầu nối giữa các nhà khoa học trong nước và quốc tế để chung tay tiến tới mục tiêu 90-90-90 trong phòng, chống HIV/AIDS.

HIV/AIDS vẫn là hiểm họa không chỉ liên quan đến sức khỏe, giống nòi mà tới cả sự ổn định của xã hội nếu không được chú trọng phòng, chống. Trong suốt 25 năm qua, các nhà khoa học trên toàn thế giới vẫn không ngừng nỗ lực, luôn miệt mài, nghiên cứu để tìm ra những giải pháp điều trị HIV/AIDS và chấm dứt đại dịch AIDS trên toàn cầu. Hy vọng trong một thời gian không xa, bằng sự nỗ lực và tâm huyết của mình, các nhà khoa học sẽ sớm tìm ra được những giải pháp để có thể chấm dứt căn bệnh thế kỷ HIV/AIDS.
Top