“Lao động tình dục” tìm kiếm biện pháp ngăn ngừa HIV

30/07/2014 12:07

Để đạt được mục tiêu không còn người nhiễm mới HIV trong tương lai, những người là lao động tình dục (hoạt động mại dâm) cần phải tìm ra những biện pháp hữu ích ngăn ngừa căn bệnh thế kỷ này.

Mục tiêu không còn người nhiễm mới HIV khó có thể thực hiện nếu những người hoạt động mại dâm bị phân biệt đối xử, kỳ thị

Các chuyên gia nghiên cứu trong lĩnh vực mại dâm và HIV cho biết, những người hoạt động mại dâm phải đối mặt với các vấn đề bạo lực, kỳ thị và không được tiếp cận với các biện pháp chăm sóc, điều trị và phòng ngừa mà họ mong muốn. Dù ở các nước giàu hay nghèo, dù là phụ nữ hay đàn ông thì họ đều xảy ra tình trạng này và họ phải đối mặt với nguy cơ lây nhiễm HIV.

Tại Hội nghị quốc tế AIDS thứ 20 ở Meibourne, Úc, bà Linda Gail Bekker, Phó Giám đốc Trung Tâm HIV Desmond Tutu tại Đại học Cape Town cho biết: “Tình dục là một nhu cầu tự nhiên của con người. Nếu như phải đối mặt với sự lan truyền HIV qua con đường tình dục thì chúng ta cần phải xử lý và tìm ra những giải pháp tốt nhất để bảo vệ sức khỏe và cuộc sống của mình theo từng thời điểm”.

Theo bà Bekker, những người trong ngành công nghiệp tình dục thích thuật ngữ lao động tình dục hơn là mại dâm. “Cộng đồng này muốn nghĩ về họ như là đang làm một công việc bình thường và tôi nghĩ rằng điều đó nằm trong nỗ lực để được nhìn nhận như là những con người, có phẩm giá và đang làm việc kiếm sống và cố gắng đạt tới sự hợp pháp của nghề này”, bà Bekker nói.

Bà Bekker cho rằng, các lao động tình dụng thực ra là một cộng đồng bị cách ly khỏi nhịp điệu phát triển của xã hội. Làm nghề này luôn phải chấp nhận một sự sỉ nhục lớn và sự phân biệt đối xử. Vì lý do đó, họ cảm thấy mình ở ngoài rìa xã hội.

Các hoạt động của những người hoạt động mại dâm luôn phải thực hiện bí mật và thường không được tiếp xúc với bao cao su, chất bôi trơn, xét nghiệm HIV và điều trị các bệnh lây lan qua tình dục. Điều này dẫn tới việc họ có nguy cơ nhiễm HIV cao.

Bên cạnh vấn đề trên, bà Bekker cho biết, những vấn đề khác mà các lao động tình dục phải đối mặt nữa chính là từ phía cảnh sát - những người được cho là người bảo vệ cho những lao động tình dục.

“Điều tôi muốn nói với vai trò là một người làm y tế công cộng đó là tôi không ở đây quyết định mọi người nên làm gì hoặc không nên làm gì. Điều tôi cần làm là sử dụng các ‘công cụ’ theo ý tôi muốn để đảm bảo rằng những cá nhân khác không nhiễm HIV. Đặc biệt khi tôi có sẵn các công cụ để thực hiện điều đó”, bà Bekker nói.

Những ‘công cụ’ bao gồm PrEP, phương pháp phòng chống trước khi tiếp xúc, biện pháp này là việc uống những loại thuốc kháng virus retro nhằm ngăn chặn lây nhiễm HIV ban đầu. Ngoài ra còn các chất khử trùng mới, hoặc các loại gel âm đạo, đang được phát triển đều có chứa các loại thuốc ngăn chặn HIV.

Hiện biện pháp tiếp cận cũ ABC (A=Abstinence: kiêng nhịn; B=Be Faithful: chung thủy; C=Condom: bao cao su) không còn đủ tốt nữa. Bà Bekker cho rằng, một chương trình phòng, chống và điều trị HIV thành công phải bao gồm việc huy động cộng đồng. Trong đó, có cả những lao động tình dục được đưa vào các hoạt động giáo dục ngang hàng, được tư vấn và xét nghiệm tình nguyện.
Top