Lạng Sơn đạt mục tiêu 3 giảm trong phòng, chống AIDS

15/07/2014 15:01

Tình hình lây nhiễm HIV/AIDS ở tỉnh Lạng Sơn đã đạt mục tiêu 3 giảm (giảm nhiễm mới, giảm người chuyển bệnh AIDS và giảm tử vong do AIDS) trong 6 tháng đầu năm.

Tổ chức tuyên truyền phòng, chống HIV/AIDS cho người dân trên địa bàn tỉnh. Ảnh minh họa

Có được kết quả trên một phần là nhờ việc thực hiện đồng bộ các giải pháp từ tuyên truyền, tư vấn, chăm sóc, điều trị, đặc biệt là công tác chống phân biệt đối xử và kỳ thị đối với người nhiễm HIV/AIDS trên địa bàn.

Theo thống kê của Trung tâm phòng, chống HIV/AIDS tỉnh Lạng Sơn, trong 6 tháng đầu năm 2014, số người nhiễm mới HIV ở Lạng Sơn giảm 40%, số chuyển sang giai đoạn AIDS giảm 60% và số tử vong do AIDS và các bệnh có liên quan giảm đến 61% so với cùng kỳ năm 2013.

Để đạt được mục tiêu 3 giảm, Lạng Sơn đã chú trọng tổ chức các công tác truyền thông, giám sát thường xuyên liên tục bằng các buổi nói chuyện chuyên đề, các tài liệu, sản phẩm truyền thông… Cụ thể, tỉnh đã tổ chức tuyên tryền lây nhiễm HIV cho trên 16.500 lượt người nghiện chích ma túy, gần 15.000 lượt người bán dâm, tiếp viên nhà hàng, trên 2.700 lượt phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ  và khoảng 200 đối tượng có quan hệ tình dục đồng giới nam (MSM).

Cùng với công tác truyền thông, các hoạt động can thiệp giảm hại cũng được tỉnh tăng cường bằng cách phát triển mạng lưới đồng đẳng viên, cộng tác viên hoạt động tại các khu vực trọng điểm, cấp phát miễn phí gần 113.000 bơm kim tiêm và hàng nghìn bao cao su cho các đối tượng có nguy cơ cao.

Mặt khác, công tác điều trị bằng ARV đã được áp dụng từ 10 năm nay trên địa bàn tỉnh cũng mang lại hiệu quả cao, giúp kéo dài sự sống và cải thiện cuộc sống cho những người nhiễm HIV. Kết hợp với công tác chăm sóc tốt cho người nhiễm không chỉ giảm số người chuyển sang giai đoạn AIDS, tử vong do AIDS mà cũng giảm các các bệnh có liên quan đến HIV và lây truyền qua đường tình dục.

Đặc biệt, tỉnh Lạng Sơn chú trọng triển khai mạnh công tác chống phân biệt đối xử và kỳ thị đối với người nhiễm HIV/AIDS. Giám đốc Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh Lạng Sơn Đào Đình Cường cho biết, từ 10 năm nay, Lạng Sơn đã tiếp cận và triển khai nhiều hoạt động giảm hại như chương trình bao cao su, bơm kim tiêm và sắp tới là chương trình Methadone... Với độ bao phủ ngày càng cao, song việc chống kỳ thị, phân biệt luôn được coi là một “kênh” giảm hại có hiệu quả nhất, độ bao phủ rộng và mang tính nhân văn sâu sắc.

Kỳ thị và phân biệt đối xử có tác hại rất lớn trong công tác phòng chống HIV/AIDS. Đối với những người nhiễm HIV/AIDS, điều này làm cho người nhiễm mặc cảm mà giấu bệnh, không dám thể hiện mình dẫn đến thiếu thông tin, kỹ năng tự chăm sóc và phòng lây nhiễm. Như vậy, nguy cơ “vô tư” truyền bệnh cho người khác là rất cao.

Do bị kỳ thị, phân biệt đối xử, người nhiễm có thể do uất ức mà nổi loạn, trả thù đời hoặc trở thành “quần thể ẩn” rất khó tiếp cận, quản lý và chăm sóc. Nghiêm trọng hơn, người nhiễm bị cô lập trước xã hội, đã có trường hợp ở thành phố Lạng Sơn khi biết một cháu bị nhiễm HIV được nhập học, các phụ huynh đã có hành động tẩy chay đến nỗi nhà trường phải chuyển cháu sang trường  khác.

Ông Đào Đình Cường cho hay, do chú trọng triển khai công tác chống phân biệt đối xử và kỳ thị bằng cách đa dạng hóa, lồng ghép tổ chức các buổi chia sẻ, tuyên truyền, vận động những người dân trên địa bàn tỉnh tham gia, nên tình trạng này đã giảm rất nhiều trong thời gian qua. Hiện nay, nhiều hoạt động truyền thông đã có sự tham gia trực tiếp của những người nhiễm HIV, họ đã dám bộc lộ mình và nỗ lực vươn lên để thể hiện mình vẫn có ích cho cộng đồng.

Tuy vậy, sự kỳ thị, phân biệt đối xử vẫn còn tồn tại ở một số vùng cao, vùng xa, vùng khó khăn trên địa bàn tỉnh. Theo ông Đào Đình Cường, nguyên nhân của tình trạng này là do một bộ phận người dân có trình độ dân trí thấp thiếu thông tin về HIV/AIDS. Với 66,3% số xã ở tất cả 11 huyện, thành phố có người nhiễm HIV, tỉnh Lạng Sơn sẽ nỗ lực thực hiện sâu, rộng hơn công tác tuyên truyền kiến thức cần thiết về HIV/AIDS cho người dân, đặc biệt tại các khu vực vùng sâu, vùng xa để không còn tình trạng phân biệt đối xử, kỳ thị trong cộng đồng.
Top