Lai Châu: Ưu tiên trọng tâm các chương trình phòng, chống HIV/AIDS

10/04/2015 16:01

Trong thời gian qua, nhằm khống chế tỷ lệ nhiễm HIV trong cộng đồng dân cư dưới 0,3% để giảm tác động của HIV/AIDS đối với sự phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn tỉnh, Lai Châu đã thực hiện đúng theo nguyên tắc ưu tiên trọng tâm, trọng điểm các chương trình, dự án phòng chống HIV/AIDS, đặc biệt là Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống HIV/AIDS giai đoạn 2012-2015.

Tổ chức xét nghiệm HIV lưu động cho người dân ở khu vực vùng sâu vùng xa - Ảnh minh họa

Để thực hiện đúng nguyên tắc trên trong công tác phòng, chống HIV/AIDS, tỉnh đã triển khai nhiều hoạt động tích cực nhằm đảm bảo điều phối các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS từ tỉnh đến cơ sở, có chung một hệ thống theo dõi và đánh giá thống nhất. Các chương trình được tỉnh xây dựng trên hệ thống tổ chức phối hợp chặt chẽ giữa các tuyến tỉnh, huyện, xã trong công tác Phòng, chống HIV/AIDS.

Đối với chương trình phòng, chống HIV/AIDS, tỉnh đã đặt hoàn toàn trong hệ thống Y tế lồng ghép mô hình 3 trong 1 (VCT; OPC; MMT) giúp việc chuyển tiếp dịch vụ chăm sóc sức khoẻ người bệnh thuận lợi, có trách nhiệm.

Công tác điều trị ARV và Methadone được tỉnh triển khai, cấp thuốc tới tận xã, phường. Hiện tỉnh đang điều trị ARV cho gần 700 bệnh nhân, riêng công tác điều trị nghiện bằng Methadone tuy mới triển khai 1 năm nhưng đã có 1.277 bệnh nhân tham gia.

Chương trình Dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con cũng được tỉnh triển khai mạnh từ năm 2009, giúp cho nhiều trẻ sinh ra không bị lây nhiễm HIV qua mẹ; việc lồng ghép sàng lọc, điều trị Lao/HIV đạt trên 95% số bệnh nhân quản lý.

Bên cạnh việc triển khai mạnh mẽ các chương trình, dự án ưu tiên, tỉnh chú trọng đẩy mạnh công tác truyền thông, tập trung nhóm đồng bào dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa nhằm nâng cao nhận thức người dân, giúp thay đổi hành vi từ không có lợi sang hành vi có lợi cho sức khoẻ.

Bà Lê Thị Mai, Giám đốc Trung tâm phòng, chống HIV/AIDS tỉnh cho biết, mặc dù đã đạt được một số kết quả nhất định, tuy nhiên thời gian tới, công tác phòng chống HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh sẽ gặp rất nhiều khó khăn, bởi nguồn viện trợ từ các tổ chức nước ngoài cho chương trình phòng, chống HIV/AIDS ở Việt Nam ngày càng hạn hẹp.

Đến nay, nguồn viện trợ này đang giảm dần, từ năm 2013 kinh phí bị cắt giảm 60%, ảnh hưởng rất lớn đến việc duy trì các hoạt động cho phòng, chống HIV/AIDS. Đặc biệt, hết năm 2015, Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống HIV/AIDS giai đoạn 2012-2015 kết thúc, trong khi đó, tất cả những bệnh nhân nhiễm HIV cần được chăm sóc suốt đời. Hầu hết bệnh nhân thuộc hộ nghèo, nhờ chương trình hỗ trợ, bệnh nhân được hỗ trợ kinh phí, giảm thiểu gánh nặng về chi phí, từ đó, bệnh nhân yên tâm điều trị.

Mặt khác, việc tiếp cận các đối tượng có nguy cơ cao trên địa bàn tỉnh còn gặp nhiều khó khăn do thiếu kinh phí để thành lập, hỗ trợ hoạt động cho các nhóm đồng đẳng, câu lạc bộ. Trong khi đó, Lai Châu là tỉnh miền núi, biên giới, tỷ lệ đói nghèo còn cao, nhận thức của một bộ phận người dân còn hạn chế; tệ nạn mua bán và sử dụng ma tuý vẫn diễn biến phức tạp cũng như tình trạng dân di, biến động về làm việc, sinh sống dẫn đến nguy cơ lây nhiễm HIV trong cộng đồng…

Việc can thiệp thiểu giảm tác hại hiện đang mở rộng với nhiều hình thức, đặc biệt việc điều trị Methadone là biện pháp hữu hiệu nhất, đã và đang được người dân ủng hộ cao. Người nghiện ma tuý theo đó đã tự nguyện nhận mình có nghiện ma tuý và tham gia tích cực chương trình này. Tuy nhiên, gần 100% người nghiện trên địa bàn tỉnh có điều kiện kinh tế hết sức khó khăn, trong khi việc điều trị cai nghiện bằng Methadone đến năm 2017 là đóng dự án, đồng nghĩa với việc người nghiện phải trả phí điều trị. 

Bà Lê Thị Mai cho rằng, thời gian tới cần xã hội hóa các nguồn lực trong phòng chống HIV/AIDS. Bên cạnh việc duy trì chương trình mục tiêu quốc gia về phòng chống HIV/AIDS, cần huy động nguồn lực tài chính cho công tác này từ nhiều nguồn của để bảo đảm nguồn lực cho việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, trong đó xác định nguồn đầu tư từ ngân sách là chính.

Đối với các dự án viện trợ đang triển khai phải có lộ trình chuyển giao cụ thể đảm bảo tính bền vững khi dự án kết thúc. Cùng với đó, tiếp tục vận động, kêu gọi đa dạng hoá các nguồn viện trợ quốc tế, các nhà tài trợ mới, trung ương cũng cần có cơ chế chuyển nguồn kinh phí điều trị người nhiễm HIV/AIDS từ các chương trình dự án sang nguồn kinh phí của quỹ Bảo hiểm Y tế, hỗ trợ về thuốc, xét nghiệm lâm sàng...

Đặc biệt, đa dạng hoá nguồn kinh phí trong tỉnh, tận dụng tối đa và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực sẵn có. Như vậy, khi các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS bị cắt giảm kinh phí nhưng vẫn đảm bảo được chất lượng của các hoạt động, dịch vụ, đồng thời sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho phát triển kinh tế xã hội ở địa phương.

Top