Lai Châu: Nhiều bệnh nhân hưởng lợi các dịch vụ tư vấn, chăm sóc, điều trị miễn phí

26/02/2018 15:59

Sau 7 năm Dự án Quỹ Toàn cầu phòng, chống HIV/AIDS hoạt động, nhiều người nhiễm HIV/AIDS đã được hưởng lợi từ các dịch vụ tư vấn, chăm sóc điều trị, miễn phí ngay tại địa phương. Số người đến tư vấn xét nghiệm tự nguyện, phát hiện mới nhiễm HIV và số bệnh nhân được điều trị ARV ngày càng tăng.

Dự án Quỹ Toàn cầu phòng, chống HIV/AIDS được triển khai tại Lai Châu từ năm 2011, nhằm tăng cường các hoạt động chăm sóc, điều trị, hỗ trợ toàn diện cho người nhiễm HIV tại cộng đồng và các cơ sở y tế. Trong đó, các nhóm hoạt động chính của dự án gồm: Tư vấn xét nghiệm HIV tự nguyện, chăm sóc và hỗ trợ người nhiễm HIV tại nhà và cộng đồng; chăm sóc điều trị cho bệnh nhân HIV/AIDS; điều trị ARV cho trẻ nhiễm HIV dưới 15 tuổi; điều trị dự phòng lây nhiễm HIV từ mẹ sang con; điều trị nhiễm trùng cơ hội và điều trị các bệnh lây truyền qua đường tình dục cho người nhiễm HIV, nâng cao năng lực cho cán bộ công tác trong lĩnh vực phòng, chống HIV/AIDS.

Chăm sóc sức khỏe cho người nhiễm HIV tại cộng đồng. Ảnh: Trà My

Theo số liệu thống kê, cuối năm 2010, chỉ có 58 bệnh nhân được điều trị ARV, nhưng đến nay đã có gần 1.000 bệnh nhân được điều trị. Người nhiễm HIV đã được cải thiện sức khỏe, tái hòa nhập cộng đồng, nhiều trường hợp rất tích cực tham gia đóng góp cho công tác phòng, chống HIV/AIDS tại cộng đồng.

Một trong những nguyên nhân làm gia tăng dịch bệnh HIV/AIDS là sự kỳ thị, cấm đoán, phân biệt đối xử và cần phải xóa bỏ. Chính sự kỳ thị và phân biệt đối xử khiến cho người nhiễm HIV và những người có nguy cơ nhiễm HIV không tiếp cận được với các dịch vụ xét nghiệm để biết tình trạng nhiễm để điều trị sớm. Do đó, dự án cũng chú trọng góp phần giảm thiểu phân biệt đối xử, kỳ thị đối với người nhiễm HIV/AIDS. Nhiều người nhiễm HIV đã vượt qua chính mình, đến xét nghiệm tự nguyện để phát hiện sớm tình trạng bệnh của mình.

Hiện các phòng tư vấn, xét nghiệm tự nguyện tại Lai Châu đang hoạt động rất hiệu quả, mỗi năm có hàng nghìn người được tư vấn, xét nghiệm tự nguyện, trong đó có hần 80% người đồng ý xét nghiệm. Những trường hợp này được giới thiệu đến phòng khám ngoại trú để chăm sóc, điều trị. Người bệnh được khám sức khỏe định kỳ, điều trị các bệnh nhiễm trùng cơ hội, điều trị bằng thuốc kháng virus ARV, điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con; hỗ trợ chăm sóc tại nhà cho người nhiễm HIV khi có yêu cầu, hỗ trợ chăm sóc toàn diện trẻ nhiễm và trẻ bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS.

Hoạt động dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con cũng được dự án triển khai tích cực với mục tiêu 100% phụ nữ mang thai nhiễm HIV đều được chăm sóc, điều trị dự phòng. Tổ chức lồng ghép tư vấn xét nghiệm HIV tự nguyện cho phụ nữ mang thai vào hoạt động khám thai tại các Trạm Y tế xã, phường, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, phối hợp với phòng tư vấn xét nghiệm HIV tự nguyện các huyện, thành phố để bảo đảm cung cấp tư vấn xét nghiệm có chất lượng cho phụ nữ mang thai nhiễm HIV…

Theo thống kê của Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh, toàn tỉnh có gần 1.300 người nhiễm HIV/AIDS còn sống quản lý có mặt tại địa phương. Riêng 5 tháng đầu năm 2017, Trung tâm đã xét nghiệm HIV tự nguyện cho 3.275 phụ nữ mang thai, trong đó phát hiện 6 trường hợp dương tính với HIV. Dịch vụ phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con được phủ kín tại các huyện, thành phố.

Bên cạnh đó, dự án còn triển khai chương trình chăm sóc cộng đồng tại các xã để tư vấn tâm lý khách hàng khi cần thiết, kịp thời giới thiệu người nhiễm HIV đến phòng khám ngoại trú; tham gia chăm sóc người nhiễm tại gia đình, cộng đồng…

Tuy nhiên, Lai Châu là một tỉnh miền núi, địa hình phức tạp, giao thông đi lại khó khăn, trình độ dân trí không đồng đều giữa các vùng. Người nhiễm HIV chủ yếu là tiêm chích ma túy, do địa hình phức tạp nên khó khăn, nhiều đối tượng di biến động nên ảnh hưởng đến công tác điều trị khiến công tác phòng, chống HIV/AIDS vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức.

Để giải quyết những khó khăn, thách thức, giảm thiểu tác hại của HIV/AIDS đối với cộng đồng, nhất là giảm sự kỳ thị phân biệt đối xử đối với người nhiễm HIV/AIDS thì việc tuyên truyền chống kỳ thị phân biệt đối xử với người bệnh phải được đặt lên hàng đầu. Đồng thời, tăng cường các hoạt động chăm sóc và điều trị; tạo điều kiện cho người bệnh tham gia các hoạt động xã hội trong cộng đồng.
Top