Kiện toàn các phòng khám ngoại trú cho điều trị HIV

14/09/2015 16:43

Từ năm 2005, chương trình điều trị ARV cho người nhiễm HIV/AIDS bắt đầu được mở rộng. Hiện có gần 100.000 người nhiễm HIV/AIDS đang được điều trị ARV, trong đó có gần 5.000 trẻ em.

Điều trị ARV giúp người nhiễm HIV kéo dài tuổi thọ và giảm lây nhiễm - Ảnh minh họa

Theo thống kê của Bộ Y tế, tính đến thời điểm hiện tại, trên toàn quốc có 312 phòng khám ngoại trú và 526 điểm cấp phát thuốc ARV tại xã/phường, Chương trình điều trị cũng đã được triển khai tại 23 trại giam và 33 Trung tâm chữa bệnh giáo dục lao động xã hội (Trung tâm 06).

Tuy nhiên, các phòng khám ngoại trú (OPC) đặt tại bệnh viện chưa được coi là một khoa phòng thực sự của bệnh viện, nhân sự phần lớn là cán bộ hợp đồng, lương do dự án chi trả, không bền vững khi các dự án sẽ cắt giảm thời gian tới.

Bên cạnh đó, chỉ một số ít phòng khám ngoại trú vận dụng được bảo hiểm y tế (BHYT) cho người nhiễm HIV, nhưng xét nghiệm cơ bản, chẩn đoán hình ảnh, điều trị nhiễm trùng cơ hội lại không được thanh toán bằng BHYT. Hầu hết Phòng khám ngoại trú đều được đặt tại khoa Truyền nhiễm nên chưa phù hợp với việc điều trị ngoại trú. Còn các phòng khám ngoại trú được đặt tại Trung tâm y tế huyện thì không đủ chức năng khám chữa bệnh.

Trước thực trạng trên, Bộ Y tế có Công văn số 1240/BYT-AIDS gửi Sở Y tế các tỉnh đề nghị giao nhiệm vụ điều trị HIV cho các cơ sở y tế, thành lập Phòng khám chuyên khoa HIV/AIDS tại các bệnh viện nhằm bảo đảm bệnh nhân được điều trị liên tục và truyền thông, hướng dẫn bệnh nhân tham gia BHYT. Tính đến thời điểm này, đã có 41/63 tỉnh, Sở Y tế đã có văn bản chỉ đạo đã kiện toàn xong; chỉ còn 22 tỉnh chưa có văn bản chỉ đạo việc thực hiện kiện toàn.

Điều trị ARV mang lại nhiều lợi ích

Nếu như trước đây, nhiễm HIV đồng nghĩa với suy giảm mạnh hệ thống miễn dịch và tử vong sớm thì mới đây, kết quả nghiên cứu tại Nam Phi của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho thấy: Người nhiễm HIV điều trị bằng thuốc ARV sớm có thể gia tăng tuổi thọ bằng 80% của người không nhiễm với điều kiện điều trị sớm trước khi tế bào CD4 ("tế bào giúp đỡ" tiêu diệt các vi khuẩn đột nhập vào cơ thể; số lượng tế bào CD4 có thể ước lượng sức đề kháng của cơ thể để xác định được giai đoạn của tình trạng nhiễm HIV) xuống dưới 200 tế bào/mm3. Điều trị ARV sớm sẽ có tỉ lệ thuận với bảo vệ số năm sống của người nhiễm HIV.

WHO cũng khuyến cáo, điều trị ARV cho người nhiễm HIV không phụ thuộc số lượng CD4 làm giảm 65% nguy cơ mắc bệnh lao. Hiện nay, Việt Nam đã triển khai điều trị ARV ở người nhiễm HIV mắc lao không phụ thuộc vào số tế bào CD4 và đang triển khai mở rộng điều trị dự phòng mắc lao cho người nhiễm HIV hiện không mắc lao ở tất cả các cơ sở điều trị HIV/AIDS trên toàn quốc.

Bên cạnh việc kéo dài tuổi thọ, điều trị ARV đem đến cho người nhiễm HIV cuộc sống bình thường như người khoẻ mạnh không nhiễm bệnh. Các nhà khoa học đã chứng minh được rằng: Khi người nhiễm HIV được điều trị ARV, nguy cơ lây nhiễm HIV quan quan hệ tình dục giảm tới 96%. Đặc biệt, nếu phụ nữ mang thai nhiễm HIV được điều trị dự phòng bằng ARV ở giai đoạn sớm và con của họ được dùng sữa ăn thay thế sữa mẹ thì tỷ lệ lây nhiễm chỉ còn khoảng 2%.

Theo đánh giá của các chuyên gia trong và ngoài nước, ARV là giải pháp hiệu quả cho việc điều trị HIV/AIDS. Hiện nay chi phí thuốc ARV bậc 1 cho một người nhiễm HIV chỉ khoảng 10.000 đồng/ngày, theo đó Việt Nam cần 400 tỷ để điều trị ARV cho 100.000 bệnh nhân HIV/AIDS trong vòng 1 năm. 

Với những lợi ích mà ARV mang lại, cần phải bảo đảm việc điều trị ARV bền vững, lâu dài. Đồng thời, tạo điều kiện đáp ứng cho mọi đối tượng tại cộng đồng, trong trại giam, người nghèo, vô gia cư nhiễm HIV được tiếp cận điều trị ARV.

Đẩy mạnh những chiến lược tiết kiệm, hiệu quả

Tuy nhiên, trong bối cảnh các nguồn viện trợ quốc tế đang cắt giảm và để đạt được mục tiêu 90-90-90 do Liên Hợp Quốc đưa ra, PGS.TS. Bùi Đức Dương, Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS cho rằng: Cần đẩy mạnh những chiến lược xét nghiệm nhằm tiết kiệm, đạt hiệu quả để đưa xét nghiệm về tuyến xã/phường, xét nghiệm lưu động đối với nơi tình hình dịch cao; Tập trung cho nhóm có hành vi nguy cơ cao (NCC), vợ bạn tình nhóm NCC, người nhiễm HIV và xét nghiệm định kỳ cho nhóm NCC; Sử dụng phương cách xét nghiệm bằng 3 test nhanh để khẳng định; Mở rộng phòng xét nghiệm khẳng định tại tuyến huyện; Kết nối hiệu quả giữa xét nghiệm phát hiện HIV và điều trị ARV.

Bên cạnh đó, ngành y tế cần mở rộng tiêu chuẩn điều trị ARV; kiện toàn các phòng khám ngoại trú hiện có. Đối với phòng khám ngoại trú đặt tại Trung tâm y tế huyện không đủ điều kiện là cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, cần lên kế hoạch thành lập phòng khám ngoại trú mới tại khoa khám bệnh của bệnh viện huyện để tiếp nhận bệnh nhân mới.

Đối với phòng khám ngoại trú đặt tại bệnh viện huyện, bệnh viện cần lên kế hoạch chuyển phòng khám ngoại trú sang khoa khám bệnh cho phù hợp với qui chế; đồng thời, mở mới các phòng khám ngoại trú.

Đối với những huyện có từ 50 người nhiễm HIV còn sống trở nên thì mở mới phòng khám ngoại trú tại khoa khám bệnh của bệnh viện huyện hoặc Trung tâm y tế huyện có đủ điều kiện là cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Với các huyện vùng sâu, vùng xa đi lại khó khăn thì có thể mở mới phòng khám ngoại trú khi có từ 30 người nhiễm HIV trở lên.

Sở Y tế các tỉnh, thành phố làm việc với Bảo hiểm xã hội tỉnh để tăng cường chi trả bảo hiểm y tế cho người nhiễm HIV, có văn bản hướng dẫn các đơn vị thực hiện bảo hiểm y tế cho người nhiễm HIV. Đồng thời, phân cấp và nâng cao năng lực cho tuyến xã/phường trong tư vấn và xét nghiệm test nhanh chẩn đoán nhiễm HIV, cấp thuốc ARV và theo dõi điều trị; xử trí các tác dụng phụ nhẹ; tăng cường tiếp nhận điều trị cho bệnh nhân mới; hỗ trợ chuyên môn cho tuyến xã.

Ngoài ra, các địa phương chủ động xây dựng kế hoạch đáp ứng với tình hình dịch; chủ động về cơ sở vật chất, nhân sự và chi trả về nhân sự; chủ động nâng cao năng lực cho tuyến huyện, tuyến xã.
Top