Không có tình trạng thiếu nữ bản Poọng không dám lấy chồng vì “ám ảnh” HIV

28/02/2014 08:54

Vừa qua, báo Vietnamnet có bài viết “Ám ảnh HIV, thiếu nữ cả bản không dám lấy chồng” phản ánh ở bản Poọng, xã Tam Chung, huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa người dân phải sống trong cảnh cùng cực bởi bệnh AIDS, thiếu nữ lớn lên không dám lấy chồng vì sợ nhiễm HIV. Để làm rõ thông tin trên, phóng viên Trang tin Tiếng Chuông đã trao đổi với ông Nguyễn Bá Cẩn, Giám đốc Trung tâm phòng, chống HIV/AIDS tỉnh Thanh Hóa.

Ông Nguyễn Bá Cẩn - Giám đốc Trung tâm phòng, chống HIV/AIDS tỉnh Thanh Hóa. Ảnh Thùy Chi

Xin ông cho biết tình hình lây nhiễm HIV/AIDS tại bản Poọng, xã Tam Chung, huyện Mường Lát trong thời gian gần đây?

Ông Nguyễn Bá Cẩn: Mường Lát là huyện miền núi vùng sâu, vùng xa, cách thành phố Thanh Hóa gần 300 km về phía Tây, cuộc sống của người dân vô cùng khó khăn chủ yếu nhân dân trong vùng sống bằng làm nương, làm rẫy.

Hiện nay số người nhiễm HIV ở huyện chủ yếu tập trung trong nhóm người nghiện chích ma túy (chiếm hơn 70% ca nhiễm). Từ năm 2001-2013, lũy tích có 434 người nhiễm HIV ở huyện Mường Lát (trong đó có 115 người ở xã Tam Chung và 41 ở bản Pọong).

Tính đến 31/12/2013, số người hiện được điều trị thuốc kháng virus (ARV) ở bản Pọong là 13 người, xã Tam Chung là 40 người và toàn huyện là 171 người. Đặc biệt, tại bản Pọong có 24 cháu bé sinh ra từ bố hoặc mẹ nhiễm HIV, trong đó có 3 cặp bố mẹ cùng nhiễm HIV, tất cả các cháu đều đã xét nghiệm HIV và 100% có kết quả HIV âm tính. Dịch HIV/AIDS ở Mường Lát gây tử vong 115 người dân toàn huyện, trong đó có 49 người ở xã Tam Chung, 22 người ở bản Pọong.

Trong những năm qua, huyện Mường Lát nhận được sự hỗ trợ từ Trung ương, các tổ chức quốc tế cho hoạt động phòng, chống HIV/AIDS. Các hoạt động can thiệp đã kiềm chế được dịch HIV/AIDS trong 3 năm trở lại đây, cụ thể là số ca nhiễm HIV mới được phát hiện trên địa bàn huyện Mường Lát, bản Pọong xã Tam Chung có xu hướng giảm rõ rệt.

Trong thời gian qua, công tác phòng, chống HIV/AIDS tại bản Poọng, xã Tam Chung, huyện Mường Lát được triển khai như thế nào, thưa ông?

Ông Nguyễn Bá Cẩn: Huyện Mường Lát phát hiện ca nhiễm đầu tiên năm 2001. Đến năm 2006 lũy tích người nhiễm HIV chỉ dưới 50 ca. Từ khi Trung tâm Y tế huyện được tách lập (năm 2007), hoạt động giám sát, phát hiện số người nhiễm HIV trong nhóm nghiện chích ma túy khá cao và số người nhiễm HIV tăng nhanh.

Từ năm 2008, nhận thấy số người nhiễm HIV tăng nhanh ở huyện Mường Lát, Ban chỉ đạo phòng chống HIV/AIDS, ma túy, mại dâm tỉnh Thanh Hóa đã xác định huyện Mường Lát là 1 trong 3 huyện trọng điểm (Thành phố Thanh Hóa, Mường Lát và Quan Hóa) triển khai hoạt động phòng, chống HIV/AIDS toàn diện, tập trung nhiều nguồn lực có thể để giảm tỷ lệ lây nhiễm HIV/AIDS ở đây. 

Dự án phòng, chống HIV/AIDS do Ngân hàng Thế giới tài trợ đã triển khai trên địa bàn huyện từ năm 2008, tập trung chủ yếu vào hoạt động truyền thông, can thiệp giảm hại và tư vấn xét nghiệm HIV. Bản Pọong, xã Tam Chung được triển khai ngay từ đầu của dự án.

Trong 6 năm triển khai, huyện đã truyền thông được hơn 1.100 buổi phát sóng qua hệ thống loa đài; thực hiện được 808 buổi truyền thông qua hội nghị ở bản với gần 39.850 lượt người tham dự; cung cấp gần hơn 1,1 triệu bơm kim tiêm sạch cho khoảng 506 người nghiện chích ma túy; cấp gần 100.000 bao cao su cho người nghiện chích ma túy và phụ nữ bán dâm trên địa bàn huyện.

Bên cạnh đó, dự án đã tư vấn và xét nghiệm cho 3.224 lượt người có nguy cơ qua VCT cố định, phát hiện 223 lượt người có kết quả HIV dương tính (đạt 6,9% số xét nghiệm); tư vấn và xét nghiệm cho 532 lượt đối tượng có nguy cơ qua VCT lưu động, phát hiện 43 người có kết quả HIV dương tính (đạt 8% số xét nghiệm).

Từ năm 2011, huyện Mường Lát được Dự án quỹ toàn cầu chính thức tài trợ triển khai các hoạt động như: điều trị ARV cho bệnh nhân AIDS, sàng lọc điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con, tư vấn xét nghiệm HIV tự nguyện và điều trị các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế Methadone cho người nghiện chích ma túy. Cơ sở điều trị Methadone của huyện bắt đầu triển khai điều trị từ cuối tháng 12/2013 đã điều trị cho 15 người nghiện trong đó có 5 người nghiện ở xã Tam Chung.

Cuộc sống người dân ở bản Poọng. Ảnh Thùy Chi

Các chương trình, hoạt động phòng, chống HIV/AIDS từ các dự án, tổ chức quốc tế đã tác động tích cực đến hành vi, nhận thức của người dân huyện Mường Lát. Người nghiện chích ma túy đã thay đổi tư duy, sử dụng 100% bơm kim tiêm sạch dùng 1 lần trong các lần tiêm chích. Người dân ở các bản vùng sâu, xa, người có nguy cơ được tiếp cận với dịch vụ tư vấn xét nghiệm HIV lưu động để biết tình trạng nhiễm HIV của mình, được điều trị ARV kéo dài sự sống, nâng cao chất lượng cuộc sống cho mình và những người có liên quan.

Tuy nhiên, việc triển khai công tác phòng, chống HIV/AIDS cho đồng bào dân tộc miền núi, đặc biệt ở xã Tam Chung còn gặp nhiều khó khăn tồn tại do địa bàn đi lại phức tạp, số người nghiện chích ma túy nhiều đang tiềm ẩn trong cộng đồng, khó tiếp cận, quản lý. Kỳ thị với người nhiễm HIV/AIDS đã được cải thiện nhưng vẫn còn cản trở việc quản lý đối tượng và tiếp cận các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS. Chính vì vậy, công tác phòng, chống HIV/AIDS ở địa bàn huyện Mường Lát đang được được chú trọng và sẽ tiếp tục được ưu tiên trong thời gian tới.

Xin ông cho biết thông tin về những phụ nữ góa chồng và thiếu nữ bản Pọong không dám lấy chồng trong bản vì sợ lấy phải người nhiễm HIV nên đều thoát ly sang các xã, bản khác có xảy ra không?

Ông Nguyễn Bá Cẩn: Đã có thời gian dịch HIV từng là nỗi lo sợ của cả bản Pọong và xã Tam Chung. Tuy nhiên, được sự hỗ trợ của Trung ương, chính quyền địa phương, sau nhiều năm triển khai mạnh mẽ các hoạt động can thiệp, phần lớn người dân ở khu vực này đã hiểu biết về bản chất các con đường lây truyền của HIV/AIDS và đến nay không còn nỗi sợ hãi về căn bệnh này nữa.

Thông tin báo Vietnamnet đưa ra, ở bản Pọong có khoảng 30 phụ nữ góa chồng không biết từ nguồn nào, còn theo báo cáo từ UBND xã Tam Chung, tổng số phụ nữ có chồng chết liên quan đến nghiện và nhiễm HIV ở bản Poọng là 18 người, trong đó 05 người đã lập gia đình mới, 03 người chuyển đi nơi khác và còn lại 10 phụ nữ góa chồng hiện đang sinh sống ở bản. Trong 10 phụ nữ góa chồng (chồng chết đều vì AIDS) có 01 phụ nữ nhiễm HIV và đã được điều trị ARV.

Cũng theo Báo cáo của UBND xã Tam Chung, không có tình trạng thiếu nữ trong bản không dám lấy chồng vì “ám ảnh HIV”. Thống kê từ năm 2010 đến nay, toàn bản có 14 trường hợp thiếu nữ trong bản đi lấy chồng, trong đó 07 thiếu nữ đã lấy chồng trong bản.

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc – Chủ tịch Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy mại dâm đã yêu cầu Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với UBND tỉnh Thanh Hóa khẩn trương xác minh, làm rõ thông tin báo Vietnamnet phản ánh qua bài viết "Ám ảnh HIV, thiếu nữ cả bản không dám lấy chồng". Hiện tỉnh đang triển khai những công việc gì để xác minh, làm rõ thông tin trên?

Ông Nguyễn Bá Cẩn: Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về việc làm rõ thông tin bài báo của Vietnamnet, Cục Phòng, chống HIV/AIDS – Bộ Y tế đã chủ trì phối hợp với UBND tỉnh Thanh Hóa, Sở Y tế Thanh Hóa cùng với các ban ngành chức năng trong tỉnh, UBND huyện, xã rà soát, kiểm tra các số liệu để làm rõ những nội dung mà bài báo Vietnamnet đã nêu.

Trung tâm phòng, chống HIV/AIDS của tỉnh cũng đã tổ chức đánh giá thực tại về ảnh hưởng của HIV/AIDS tại Mường Lát nói chung và bản Poong xã Tam Chung nói riêng để có những số liệu chính xác, đề xuất những giải pháp triển khai phòng, chống HIV/AIDS tại các điểm nóng của huyện Mường Lát phù hợp và hiệu quả báo cáo Bộ Y tế để tổng hợp báo cáo Chính phủ.

Trân trọng cảm ơn ông!

Top