Khánh Hòa: Đa dạng hóa mô hình truyền thông phòng, chống HIV/AIDS

18/04/2019 16:16

Từ nay đến cuối năm, địa phương tập trung đẩy mạnh công tác truyền thông, đa dạng hóa các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS. Cụ thể, truyền thông trực tiếp đến từng đối tượng, nhóm hoặc gia đình có nguy cơ mắc HIV cao; tổ chức tại cộng đồng các buổi nói chuyện chuyên đề; truyền thông lưu động; sân khấu hóa...

 Tuyên truyền phòng, chống HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh. Ảnh: TT PC HIV/AIDS Khánh Hòa

Mục tiêu là cung cấp kiến thức nhằm nâng cao nhận thức, tăng cường ý thức thay đổi hành vi có hại, duy trì hành vi an toàn, giúp người có HIV, người nghiện ma túy hiểu lợi ích của điều trị HIV/AIDS, điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế Methadone…

Thời gian qua, để giảm thiểu số người nhiễm mới HIV/AIDS, địa phương đã triển khai mô hình truyền thông phòng, chống HIV/AIDS với nhiều hình thức đa dạng. Đặc biệt, ngành Y tế tỉnh đã triển khai thành công mô hình can thiệp giảm tác hại dựa vào cộng đồng theo hình thức xây dựng quy chế phối hợp giữa 3 đơn vị: Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh, Trung tâm Y tế huyện, thị xã, thành phố và các tổ chức tài trợ trong việc hỗ trợ hoạt động cho các nhóm đồng đẳng. Đây là mô hình đầu tiên được triển khai trong cả nước.

Kết quả mô hình mang lại là duy trì bền vững và tạo điều kiện thuận lợi cho các thành viên tiếp cận cộng đồng ở các nhóm đồng đẳng thực hiện việc tiếp cận, tư vấn, thử phản ứng nhanh HIV tại cơ sở cho những đối tượng có hành vi nguy cơ cao (mại dâm, nghiện chích ma túy, đồng tính nam có quan hệ tình dục…).

Nhờ vậy, năm 2017, toàn tỉnh có hơn 1.500 lượt người nghiện chích ma túy được nhận bơm kim tiêm sạch (đạt 81%), 1.380 lượt phụ nữ bán dâm và 1.075 lượt nam đồng tính có quan hệ tình dục được nhận bao cao su miễn phí (đạt 86%). Riêng 9 tháng năm 2018, số đối tượng nghiện chích ma túy được nhận bơm kim tiêm sạch gần 1.450 lượt, hơn 1.050 lượt phụ nữ bán dâm và 701 lượt nam đồng tính có quan hệ tình dục nhận được bao cao su miễn phí.

Cùng với các cơ sở y tế công lập, công tác tư vấn, xét nghiệm HIV hiện nay được triển khai hầu hết ở các cơ sở y tế tư nhân (phòng khám đa khoa và bệnh viện). Mô hình này tạo điều kiện thuận lợi cho những người nhiễm HIV và những người có nguy cơ cao dễ dàng tiếp cận được các dịch vụ dự phòng và điều trị. Thông qua đó, hàng năm, toàn tỉnh có khoảng 27.000 lượt người được tư vấn và xét nghiệm HIV, riêng 9 tháng năm 2018, có hơn 18.600 lượt người.Ngoài ra, các cơ sở y tế công lập ở 8 huyện, thị xã, thành phố và Bệnh viện Bệnh nhiệt đới tỉnh đã kiện toàn cơ sở vật chất và triển khai hoạt động tiếp nhận khám và điều trị cho bệnh nhân HIV/AIDS. Đến nay, 95% bệnh nhân HIV/AIDS đã được chuyển về các bệnh viện tuyến huyện; 100% trạm y tế triển khai cấp thuốc ARV cho các bệnh nhân.

Tính đến thời điểm hiện tại, số người nhiễm HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh còn sống gần 1.050 người, trong đó có hơn 870 bệnh nhân đang điều trị ARV; có 8 huyện, thị xã, thành phố với 120 xã, phường có người mắc, tỷ lệ mắc HIV/AIDS là 170 người/100.000 dân…
Top