Kêu gọi sử dụng bơm kim tiêm “thông minh” giúp ngừa lây HIV

24/02/2015 15:21

Ngày 23/2, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã kêu gọi cộng đồng nên chuyển sang dùng loại bơm kim tiêm thông minh (chỉ sử dụng được một lần) cho việc tiêm chủng trước năm 2020.

Việc chuyển sang dùng bơm kim tiêm thông minh sẽ rẻ hơn nhiều so với số tiền phải bỏ ra điều trị cho những trường hợp bị lây nhiễm bệnh - Ảnh minh họa

Việc dùng kim tiêm đã qua sử dụng trong tiêm chủng đang khiến mỗi năm có khoảng 2 triệu người trên thế giới mắc phải các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như HIV/AIDS, viêm gan… Giá thành của loại bơm này đắt hơn so với việc chỉ thay kim và sử dụng lại ống bơm mà nhiều nước trên thế giới vẫn áp dụng.

Hiện nay trên thế giới có hơn 16 tỉ người tiêm chủng mỗi năm. Loại bơm kim tiêm bình thường có thể được thay kim hoặc không thay kim để sử dụng lại vô số lần. Nhưng với loại bơm kim tiêm thông minh mà WHO đang đề xuất, sau khi đã tiêm một lần thì ống tiêm không thể sử dụng lại được, kim tiêm cũng không thể lấy ra được.

Bên cạnh đó, việc chuyển sang dùng bơm kim tiêm thông minh sẽ rẻ hơn nhiều so với số tiền phải bỏ ra điều trị cho những trường hợp bị lây nhiễm bệnh.

Bác sĩ Selma Khamassi, người đứng đầu nhóm nghiên cứu của WHO về an toàn tiêm chủng cho biết: Việc bắt buộc thay mới loại bơm kim tiêm thông thường bằng loại bơm kim tiêm thông minh hy vọng sẽ giúp loại bỏ 1,7 triệu ca mới mắc bệnh viêm gan siêu vi B mỗi năm. Hiện trên thế giới mỗi năm còn phát hiện thêm 300.000 ca mắc bệnh viêm gan siêu vi C và 35.000 trường hợp nhiễm HIV, chưa kể những số liệu không thống kê được về các dịch khác như Ebola hay Marburg.

Trên thế giới đã từng xảy ra rất nhiều trường hợp lây nhiễm bệnh hàng loạt do dùng lại bơm kim tiêm. WHO từng ghi nhận một trường hợp thương tâm ở vùng nông thôn Roka (Campuchia). Hàng loạt gia đình ở đây, có cả em bé, học sinh và những cụ già 82 tuổi bỗng nhiên đều nhận kết quả xét nghiệm dương tính với virus HIV.

Điểm chung giữa những người này là gần như tất cả đều được tiêm phòng bởi một bác sĩ không có giấy phép hành nghề và bị nghi đã dùng lại bơm kim tiêm từng qua sử dụng. Kể từ đó, 4 nạn nhân ở đây đã qua đời, gồm 3 cụ già và 1 em bé.

Ở các nước phương Tây phát triển cũng từng xảy ra trường hợp tương tự. Ở bang Nevada, Mỹ từng có trường hợp bùng phát viêm gan siêu vi C do một bác sĩ đã dùng một ống bơm để tiêm cho nhiều người khác nhau.

Ngoài ra, WHO cũng kêu gọi sử dụng loại kim tiêm có vỏ bọc để phòng trường hợp bác sĩ vô tình đâm mũi kim trúng vào ngón tay mình sau khi tiêm cho bệnh nhân.
Top