Kết thúc dịch HIV/AIDS: Cần có sự cam kết và đầu tư thông minh

17/10/2014 16:21

Việt Nam đang hướng tới mục tiêu kết thúc đại dịch HIV/AIDS vào năm 2030. Những năm qua, công cuộc phòng chống căn bệnh nguy hiểm này đã đạt được nhiều bước tiến đáng kể. Tuy nhiên chặng đường để đạt mục tiêu trên còn dài, trong khi thách thức về vấn đề thiếu hụt tài chính đang là một trở ngại lớn cần giải quyết.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, mô hình ước tính dự báo mới nhất cho thấy, dịch HIV tiếp tục sẽ tập trung ở những nhóm người có hành vi nguy cơ đặc biệt là hành vi liên quan đến lây nhiễm HIV qua đường tình dục (người mua dâm, vợ, chồng hoặc bạn tình của người nhiễm HIV, người nghiện chích, gái bán dâm và nam giới có quan hệ tình dục đồng giới với nam).

Do vậy, để tiếp tục khống chế dịch HIV/AIDS và thực hiện thành công mục tiêu chiến lược quốc gia phòng, chống HIV/AIDS đến năm 2020, tầm nhìn 2030 và để kết thúc đại dịch HIV/AIDS vào năm 2030 thì cần có sự cam kết và đầu tư thông minh vào những hoạt động hiệu quả với sự ủng hộ của các cấp lãnh đạo, sự tham gia của toàn xã hội.

Hiện nay, đa phần kinh phí cho phòng, chống HIV/AIDS ở Việt Nam là phụ thuộc vào viện trợ quốc tế. Những năm qua có đến gần 80% kinh phí trực tiếp cho các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS ở Việt Nam do viện trợ quốc tế. Đó là chưa kể các hỗ trợ kỹ thuật khác mà chúng ta không thể tính bằng tiền.

Kinh phí quốc tế áp đảo so với kinh phí trong nước, thứ nhất, do Việt Nam làm tốt công tác vận động nguồn lực từ các tổ chức quốc tế và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực tài trợ. Các nước, các tổ chức quốc tế thấy rằng việc đầu tư cho Việt Nam thực sự có hiệu quả nên họ cũng sẵn sàng hỗ trợ.

Trong những năm qua, Việt Nam thuộc nhóm các nước có thu nhập thấp. Do vậy cũng là một trong các tiêu chí khi xét viện trợ cho các nước nghèo. Gần đây Việt Nam đã trở thành nước có thu nhập trung bình mặc dù vẫn là trung bình thấp. Như vậy tiêu chí đó sẽ không còn nữa.

Trong giai đoạn đầu khi dịch tấn công vào Việt Nam, nguồn lực và kinh nghiệm trong phòng, chống HIV/AIDS ở Việt Nam khi đó rất hạn chế. Các mô hình can thiệp dự phòng và điều trị chúng ta cũng chưa có nhiều mà việc triển khai các mô hình, sáng kiến hay các can thiệp này không chỉ bằng sự hỗ trợ kỹ thuật mà các tổ chức quốc tế đã phải đầu tư luôn cả ngân sách để giúp Việt Nam xây dựng mô hình.

Giảm thiểu số người nhiễm mới: Là vấn đề “nóng”

Những năm 2004-2007, tình hình dịch HIV ở Việt Nam tăng rất nhanh, có những thời điểm mỗi năm phát hiện trên 30.000 người nhiễm mới, số người chết do AIDS cũng nhiều, do vậy giảm thiểu số người nhiễm mới là vấn đề “nóng” với sức khỏe người dân mỗi quốc gia nói riêng.

Dịch HIV/AIDS là vấn đề toàn cầu, không biên giới, nên việc đáp ứng cũng cần có tính chất liên quốc gia, toàn cầu. Do vậy các nước phát triển cũng thấy cần có trách nhiệm hỗ trợ Chính phủ các nước có thu nhập thấp trong việc ứng phó với đại dịch HIV/AIDS.

Trước tình hình nguồn tài chính cho công tác phòng chống HIV/AIDS sẽ bị thiếu hụt trầm trọng trong thời gian tới, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết, Bộ Y tế đã tham mưu báo cáo Chính phủ cần nhanh chóng chuyển từ phòng, chống HIV/AIDS dựa vào viện trợ sang sử dụng ngân sách trong nước, chủ yếu là từ ngân sách nhà nước (trung ương và địa phương) và bảo hiểm y tế. Bên cạnh đó, cần có sự chung vai góp sức của các ban ngành, đoàn thể và của toàn xã hội.

Thứ nhất, ngành y tế sẽ củng cố và kiện toàn mạng lưới phòng, chống HIV/AIDS theo hướng lồng ghép tối đa các dịch vụ chăm sóc và điều trị vào hệ thống y tế sẵn có và phân cấp để tăng cường tính hiệu quả và bền vững.

Thứ hai, Bộ Y tế sẽ khẩn trương mở rộng những can thiệp hiệu quả nhất với độ bao phủ đảm bảo có tác động rõ rệt trong phòng, chống HIV/AIDS. Các dịch vụ can thiệp cần tiếp tục mở rộng như chương trình bơm kim tiêm sạch, bao cao su, điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone, tư vấn xét nghiệm HIV và điều trị ARV.

Thứ ba, tập trung đầu tư cho các vùng trọng điểm và các nhóm đối tượng nguy cơ cao để mang lại hiệu quả cao nhất. Kinh phí hạn chế thì phải xác định lại địa bàn ưu tiên và đối tượng ưu tiên can thiệp.

Bên cạnh đó, là chiến lược tăng cường xã hội hóa, huy động sự hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong và ngoài nước cho phòng, chống HIV/AIDS; xem xét thu một phần chi phí cho điều trị methadone để có thể duy trì hoạt động của các cơ sở điều trị nghiên chất dạng thuốc phiện bằng chất thay thế.

Các địa phương cần xây dựng đề án đảm bảo tài chính và tăng chi ngân sách địa phương cho phòng, chống HIV/AIDS tại địa phương mình, đặc biệt là các tỉnh, thành phố có nguồn thu ngân sách lớn. Bên cạnh các nhà tài trợ hiện đang hỗ trợ, tiếp tục vận động thêm các nhà tài trợ mới như ASEAN và các đối tác như APEC...

Top