"Kết nối" người bệnh và cơ sở điều trị

21/03/2012 17:13

Quận Ðồ Sơn, thành phố Hải Phòng có 7 phường, với hơn 51.000 dân, nhưng có tới hơn 480 người nhiễm HIV. Trong số đó chủ yếu là lây nhiễm qua con đường tiêm chích ma túy. Nhóm "Kết nối cộng đồng" chỉ là một trong bốn nhóm tự lực ở Ðồ Sơn đã tham gia tiếp cận cộng đồng để giới thiệu những người có hành vi nguy cơ cao và nhiễm HIV/AIDS đến với phòng khám ngoại trú.

Năm 2006, sau khi phát hiện nhiễm HIV, chị H. đã tìm đến phòng khám ngoại trú Ðồ Sơn. Ðến với phòng khám, chị được tư vấn, động viên chia sẻ và vận động tham gia vào nhóm chăm sóc tại nhà. Khi nhóm "Kết nối cộng đồng" ra đời, chị là một trong bốn thành viên tích cực của nhóm. Hằng ngày, chị đi tiếp cận với những người có hành vi nguy cơ cao để kết nối họ với Phòng khám ngoại trú. Tại đây, họ được các nhân viên của phòng khám tư vấn, xét nghiệm và hướng dẫn làm các thủ tục, nếu cần phải chuyển viện hoặc điều trị ARV. Chị kể lại: "Khi cháu thứ hai được 3 tuổi thì chồng tôi bị lao hạch, phải đi bệnh viện điều trị. Sau đó, các bác sĩ làm xét nghiệm HIV cho cả hai vợ chồng thì chúng tôi đều có kết quả HIV dương tính ( ). Lúc đó sức khỏe của tôi quá yếu, cho nên phải điều trị ARV. Sau một thời gian tôi điều trị, sức khỏe tạm ổn định, tôi được vận động tham gia vào nhóm chăm sóc tại nhà. Với kinh nghiệm có được trong những lần đi chăm sóc tại cộng đồng, tôi chuyển sang tham gia vào nhóm "Kết nối cộng đồng" cùng 3 thành viên khác.

Cán bộ y tế tư vấn cho người có HIV tại phòng khám ngoại trú quận Ðồ Sơn (Hải Phòng).

Cùng với công việc mưu sinh buôn bán và chăm sóc chồng, con, chị vẫn dành thời gian để thực hiện công việc của mình. Những lúc rảnh rỗi, chị H. tìm đến với những người bạn có hoàn cảnh giống mình và những người có hành vi nguy cơ cao để trò chuyện với họ. Thông qua những buổi tiếp xúc ấy, nghe qua các triệu chứng của từng người, chị giới thiệu họ đến với phòng khám ngoại trú Ðồ Sơn. Khi các bác sĩ làm xét nghiệm nhanh, nếu có nghi ngờ sẽ chuyển lên tuyến trên hoặc hướng dẫn để điều trị. Kể từ ngày tham gia, chị đã giúp đỡ được hơn 50 người... Tiếng lành đồn xa, cho nên nhiều người đã tự tìm đến chị để được giúp đỡ. Mỗi khi có con em bị ốm, người thân của họ lại tìm đến để được chị tư vấn.

Chị không thể quên hai trường hợp ốm nặng, tưởng chừng không qua nổi, nhưng sau khi được chị tư vấn, sức khỏe của họ đã khá lên nhiều. Ðó là trường hợp của một phụ nữ bị lây nhiễm HIV từ chồng. Sau khi chồng chết, chị bị nhiễm lao phổi. Ðược mọi người giới thiệu, không quản mưa nắng, chị H. tìm đến để thuyết phục, động viên giới thiệu về các lợi ích khi đến với phòng khám ngoại trú. Tại đây, người bệnh được xét nghiệm và chuyển tuyến để điều trị tràn dịch màng phổi, sau đó mới trở lại phòng khám để điều trị ARV. Còn trường hợp khác là một bà mẹ tìm đến gặp chị nhờ giúp đỡ con trai bà đang ốm liệt giường vì các bệnh nhiễm trùng cơ hội. Vì sợ kỳ thị cho nên người bệnh không chịu gặp bác sĩ. Nhưng sau khi được chị thuyết phục, người thanh niên ấy đã để chị đưa đến phòng khám ngoại trú. Sau khi khám và tư vấn, anh đã được điều trị ARV. Bây giờ thì sức khỏe của anh đã trở lại bình thường.

Giám sát viên dự án Lifegap phụ trách nhóm kết nối cộng đồng, y sĩ Bùi Ngọc Phảng cho biết: Mỗi thành viên trong nhóm một tháng phải kết nối được ít nhất hai người đến với phòng khám. Hằng tháng, các thành viên của nhóm "Kết nối cộng đồng" sinh hoạt định kỳ để trao đổi công việc, trang bị thêm kiến thức về HIV/AIDS và kinh nghiệm đi tiếp cận thực tế... Kết nối cộng đồng đang giúp đỡ những người nhiễm HIV/AIDS tiếp cận thuận lợi với các dịch vụ dự phòng, chăm sóc, hỗ trợ và điều trị nhiễm HIV/AIDS... Họ cũng giúp cộng đồng hiểu đúng đắn hơn về HIV/AIDS...".

Top