Kết nối cộng đồng trong phòng, chống HIV/AIDS

17/03/2015 16:59

Dự án “Kết nối cộng đồng trong phòng, chống HIV/AIDS tại các tỉnh ven biển miền Bắc” góp phần tăng cường các dịch vụ dự phòng và chăm sóc HIV/AIDS tại cộng đồng; nâng cao năng lực cho những người là đối tượng đích tham gia phòng, chống HIV/AIDS và tăng cường kết nối, điều phối với các bên tham gia chính trong phòng, chống HIV/AIDS.

 

Ảnh minh họa

Ngày 16/3, tại Hải Phòng, Trung tâm nghiên cứu sức khỏe cộng đồng và phát triển (COHED) và Cơ quan phát triển Hoa Kỳ (USAID) tại Việt Nam tổ chức triển khai dự án “Kết nối cộng đồng trong phòng, chống HIV/AIDS tại các tỉnh ven biển miền Bắc”.

Dự án do Chương trình phối hợp của Liên Hợp Quốc về HIV/AIDS (USAID) tài trợ, với tổng số tiền hơn 40 tỷ đồng được triển khai từ tháng 3/2015 đến hết năm 2017 tại 3 tỉnh, thành phố là Hải Phòng, Quảng Ninh và Nghệ An.

Ngoài Hải Phòng, Quảng Ninh và Nghệ An là hai đơn vị khác được thụ hưởng dự án này. Dự án do USAID tài trợ, với tổng số tiền là 2 triệu USD (trên 40 tỷ đồng Việt Nam), triển khai từ tháng 3/2015 đến hết năm 2017.

Đối tượng dự án hướng tới bao gồm: Người tiêm chích ma túy chưa xét nghiệm HIV trong 6 tháng qua hoặc không biết về tình trạng HIV của bản thân; người nhiễm HIV chưa đăng ký điều trị ngoại trú, tham gia điều trị nhưng bỏ điều trị, không tuân thủ điều trị ARV; phụ nữ bán dâm tiêm chích ma túy và chưa xét nghiệm HIV trong 6 tháng qua; bạn tình của nhóm tiêm chích ma túy và người nhiễm HIV.

Dự án tập trung đánh giá nhanh để tìm hiểu thực trạng các dịch vụ hiện có, khoảng cách giữa nhu cầu, thực tế và cách tiếp cận phù hợp với năng lực của các tổ chức tham gia. Đồng thời, tuyển dụng, đào tạo cho mạng lưới nhân viên hỗ trợ cộng đồng; tiếp cận và truyền thông nâng cao nhận thức cho các nhóm đối tượng dự án; hỗ trợ các đối tượng tiếp cận dịch vụ thông qua hệ thống chuyển gửi (hệ thống hỗ trợ người xét nghiệm và điều trị HIV).

Bên cạnh đó, dự án cũng triển khai phối hợp cung cấp dịch vụ xét nghiệm lưu động, cung cấp dịch vụ để theo dấu khách hàng, giới thiệu họ điều trị và tiếp tục điều trị tại các cơ sở điều trị ARV; đánh giá năng lực tổ chức và xây dựng kết hoạch nâng cao năng lực cho các nhóm cộng đồng; đào tạo, giám sát hỗ trợ cho những nhóm này dựa trên nhu cầu thực tế, phù hợp với chiến lược của tổ chức…

Tại Hải Phòng, ngoài các mục tiêu chung trên, trong 3 năm triển khai dự án, Hải Phòng còn chú trọng tăng cường các dịch vụ dự phòng, chăm sóc HIV/AIDS, phấn đấu đạt được 6.705 người được tiếp cận dịch vụ tư vấn, 6.034 người được xét nghiệm HIV…

Hiện Hải Phòng là một trong những tỉnh, thành phố trọng điểm của cả nước về công tác phòng chống HIV/AIDS. Thành phố này phát hiện khoảng trên 11.000 trường hợp nhiễm HIV, trong đó có 7.300 trường hợp đã được chăm sóc và điều trị tại cộng đồng.
Top