Hy vọng về thử nghiệm lâm sàng thuốc phòng, chống HIV

01/12/2017 17:29

Hai loại vaccine kết hợp và một loại thuốc tiêm có tác dụng lâu dài chống lại HIV đang được thử nghiệm lâm sàng. Đây là lần đầu tiên trong hơn một thập kỷ cùng lúc diễn ra hai cuộc thử nghiệm lâm sàng lớn về thuốc phòng, chống HIV.

Ảnh minh họa

Thử nghiệm thứ nhất kéo dài 3 năm, với sự tham gia của 2.600 phụ nữ khu vực nam châu Phi, là hai loại vaccine kết hợp phát triển bởi Hãng Johnson & Johnson, phối hợp cùng Viện Sức khỏe quốc gia Hoa Kỳ (NIH) và Quỹ Bill & Melinda Gates.

Thử nghiệm thứ hai, với sự tham gia của 3.200 phụ nữ vùng hạ Sahara, là một loại thuốc tiêm tên gọi Cabotegravir của Hãng dược GlaxoSmithKline của Anh. Thử nghiệm này cũng nhận được sự hỗ trợ từ NIH và Quỹ Gates, dự kiến sẽ kéo dài đến tháng 5/2022.

Phụ nữ là đối tượng quan tâm lớn nhất trong cuộc chiến chống lại virus HIV, vì chỉ riêng ở châu Phi, họ chiếm hơn 1/2 số ca nhiễm HIV mới.

Các thử nghiệm vaccine mới nhất được đặt nền móng từ thành công (dù còn khiêm tốn) của đợt thử nghiệm lâm sàng ở Thái Lan năm 2009, khi đó một phiên bản vaccine khác cho thấy 31% hiệu quả.

Ông Paul Stoffels, trưởng khoa học gia của J&J tin rằng, vaccine mới có thể đạt được mức độ hiệu quả trên 50%. "Đó là mục tiêu, và hi vọng là chúng tôi sẽ đạt cao hơn", ông Stoffels cho biết.

Mặc dù các loại thuốc hiện đại đã biến HIV/AIDS từ "án tử" thành một căn bệnh mãn tính, vai trò của một loại vaccine hiệu quả vẫn cần thiết để dập tắt trận đại dịch này. Một lý do khiến việc chế tạo vaccine HIV khó khăn là do loại virus này có quá nhiều chủng.

Trong báo cáo công bố trước thềm Ngày thế giới phòng chống AIDS, Chương trình Liên Hiệp Quốc về HIV/AIDS (UNAIDS) đánh giá các biện pháp chữa trị căn bệnh thế kỷ ngày nay đã dễ tiếp cận hơn. Khoảng 21 triệu người dương tính với HIV, tức hơn một nửa, đang tiếp cận được với thuốc. Mục tiêu của Liên Hiệp Quốc là chấm dứt trận đại dịch vào năm 2030.

Bác sĩ Anthony Fauci, Giám đốc Trung tâm Quốc gia bệnh truyền nhiễm và dị ứng thuộc NIH, khẳng định nhân loại đang có trong tay đủ các công cụ để chấm dứt đại dịch AIDS.

Ông Fauci đã làm việc miệt mài từ thập niên 1980 để tiêu diệt căn bệnh này.

Khoa học đã có những loại thuốc cực kỳ hiệu quả. Không chỉ cứu được tính mạng của người nhiễm HIV, chúng còn giúp làm giảm mức độ virus xuống đủ thấp để không làm lây lan sang người khác". Một công cụ khác là "dự phòng trước phơi nhiễm" (PrEP). Loại thuốc này có thể giúp giảm nguy cơ nhiễm HIV nếu uống mỗi ngày.

Báo cáo của UNAIDS cho biết, trong năm 2016 có khoảng 1,8 triệu ca nhiễm HIV mới. Con số này đã giảm 39% so với 3 triệu ca nhiễm vào kỳ đỉnh điểm của đại dịch vào thập niên 1990.

Tại vùng hạ Sahara thuộc châu Phi, nơi từng là tâm chấn của đại dịch HIV/AIDS, số ca nhiễm mới đã giảm 48% tính từ năm 2000. Tuy nhiên, ở Đông Âu và Trung Á, số ca nhiễm lại tăng 60% từ năm 2010, số ca tử vong liên quan đến AIDS tăng 27%. Đó là lý do tại sao, với những công cụ hiệu quả hiệu nay vẫn cần phải có một loại vaccine để dập tắt trận đại dịch HIV/AIDS.
Top