“Hướng tới không còn người nhiễm mới HIV”

02/11/2011 16:28

Hưởng ứng Chiến dịch phòng, chống AIDS toàn cầu năm 2011 nhân Ngày Thế giới phòng chống AIDS (1/12) với chủ đề “Getting to Zero - Hướng tới mục tiêu ba không” do Liên Hợp Quốc phát động, Ủy ban Quốc gia Phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm phát động trong cả nước Tháng Hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2011 từ ngày 10/11-10/12/2011 với chủ đề “Hướng tới không còn người nhiễm mới HIV”.

Theo đó, Ủy ban Quốc gia Phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm đề nghị Ban chỉ đạo phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm các bộ, ngành, đoàn thể và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xây dựng kế hoạch cụ thể, chỉ đạo tổ chức thực hiện và giám sát các hoạt động của Tháng Hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS phù hợp với tình hình, đặc điểm của địa phương, đơn vị.

Cuộc chiến chống HIV/AIDS đòi hỏi nỗ lực từ tất cả các quốc gia, khu vực trên thế giới. Ảnh minh họa

Được biết, Chương trình phối hợp của Liên Hợp Quốc về HIV/AIDS (UNAIDS) đã chính thức chọn chủ đề chung cho các Chiến dịch Phòng, chống AIDS toàn cầu trong giai đoạn 2011-2015 là “Geting to zero” nghĩa là “Hướng tới mục tiêu ba không: không còn người nhiễm mới HIV, không còn người tử vong do AIDS và không còn kỳ thị, phân biệt đối xử liên quan đến HIV/AIDS”.

Hướng tới không còn người nhiễm mới HIV có nghĩa là phấn đấu đến năm 2015: Giảm 50% các ca nhiễm mới do lây truyền HIV do quan hệ tình dục không an toàn, bao gồm nhóm thanh niên, người quan hệ tình dục đồng giới nam, người bán dâm. Loại trừ lây truyền HIV từ mẹ sang con và giảm 50% số ca tử vong ở bà mẹ bị nhiễm HIV/AIDS. Giảm 50% các ca lây truyền HIV trong nhóm những người tiêm chích ma túy, tất cả người nghiện ma túy nhiễm mới HIV đều được dự phòng đúng.

Để thực hiện thành công công tác phòng, chống HIV/AIDS cũng như để đảm bảo mục tiêu mọi người dân đều có cơ hội được tiếp cận các dịch vụ dự phòng lây nhiễm HIV, những người nhiễm HIV có cơ hội được tiếp cận các dịch vụ chăm sóc, hỗ trợ, điều trị, cần phải nỗ lực nhiều hơn nữa trong việc cung cấp các dịch vụ từ truyền thông nâng cao nhận thức cho mọi người, đến việc cung cấp các dịch vụ dự phòng, chăm sóc hỗ trợ và điều trị, lồng ghép hiệu quả chương trình phòng, chống HIV/AIDS với ch­ương trình phòng, chống các tệ nạn ma tuý, mại dâm.

Top