Hiệu quả của Dự án phòng, chống HIV/AIDS ở Thanh Hóa

09/01/2012 16:13

Dự án Phòng, chống HIV/AIDS chính thức đi vào hoạt động ở Thanh Hóa từ năm 2006 tại 7 huyện và nâng lên 16 huyện vào năm 2009, với tổng số 185/637 xã được hưởng lợi từ dự án.

Dự án do Ngân hàng Thế giới tài trợ, tập trung vào 5 chương trình, gồm: chương trình truyền thông thay đổi hành vi, can thiệp giảm tác hại; chương trình chăm sóc hỗ trợ người nhiễm HIV/AIDS; chương trình khám, điều trị các bệnh lây qua đường tình dục; chương trình giám sát, đánh giá và chương trình nâng cao năng lực.

Tư vấn cho thai phụ có HIV tại Trung tâm phòng chống AIDS Thanh Hóa

Sau 5 năm, trên địa bàn 16 huyện được thụ hưởng từ dự án, các chỉ số về hành vi an toàn của các đối tượng đều đạt trên 85%; tỷ lệ sử dụng bơm kim tiêm sạch trong nhóm tiêm chích ma túy đạt 86%, tỷ lệ gái mại dâm dùng bao cao su đạt 93,6%... Dự án đã giúp Thanh Hóa đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cho hệ thống phòng, chống HIV/AIDS.

Trước những thách thức mới đối với công tác phòng, chống HIV/AIDS, năm 2012 Thanh Hóa sẽ nỗ lực hơn nữa trong việc tập trung đào tạo, tập huấn nguồn nhân lực nhằm nâng cao trình độ, hiểu biết cho cán bộ làm công tác phòng, chống HIV/AIDS và tệ nạn ma túy, mại dâm; tăng cường hơn nữa công tác truyền thông trên báo chí, truyền hình, phát thanh; quan tâm đến công tác điều trị cho các đối tượng và bệnh nhân; công tác can thiệp giảm hại cần có sự quản lý thật tốt, nhất là việc phát bơm kim tiêm, bao cao su. Việc thành lập thêm các điểm điều trị mới bằng Methadone cần có sự thẩm tra nhằm xác định đầy đủ các điều kiện thực hiện…

Toàn tỉnh hiện có 538/637 xã, phường, thị trấn có người nhiễm HIV/AIDS, tập trung chủ yếu trong nhóm nghiện chích ma túy (67,2%). Số lượng người nhiễm HIV phát hiện hàng năm ở Thanh Hóa vẫn cao, khoảng 600-700 người, tỷ lệ người nhiễm mới HIV ở Thanh Hóa vẫn đứng thứ 3 trong cả nước.

Trong những năm qua, Thanh Hóa đã tập trung làm tốt công tác phòng, chống HIV/AIDS với 2.667 người bị nhiễm HIV được chăm sóc tại cơ sở y tế và cộng đồng, trong đó 986 người được điều trị dự phòng bằng Cotrimoxazole. Năm 2011, Thanh Hóa đã triển khai được 1 cơ sở điều trị Methadone với 291 người đang tham gia điều trị. Dự kiến năm 2012, Thanh Hóa sẽ nâng số người được điều trị bằng Methadone lên 400 bệnh nhân. Nhiều mô hình thí điểm phòng chống tệ nạn xã hội tại cộng đồng được triển khai và phát huy kết quả tích cực, qua đó có 179/637 xã, phường, thị trấn lành mạnh, không có tệ nạn mại dâm, ma túy.

Top