Hải Phòng: Điều trị dự phòng hướng tới mục tiêu không còn người nhiễm

17/05/2019 16:52

Bắt đầu triển khai Chương trình điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP) tại Hải Phòng, từ tháng 4/2019 đến nay, Trung tâm Da liễu Hải Phòng đã cung cấp thuốc điều trị cho 10 người. Mục tiêu trong năm 2019 sẽ triển khai cho 80 người, không chỉ của thành phố Hải Phòng mà còn cho các đối tượng có nhu cầu tại các tỉnh/thành lân cận chưa được triển khai Dự án như Hải Dương, Thái Bình…

 Tư vấn điều trị cho người nguy cơ cao tại Hải Phòng - Ảnh: Thùy Chi

Ngày 17/5, tại Hải Phòng diễn ra Lễ khởi động PrEP. Hải Phòng là địa phương thứ 5 khởi động sự kiện này.

Với mục tiêu hướng tới không còn người nhiễm HIV năm 2030, Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo bên cạnh các biện pháp can thiệp giúp giảm tỷ lệ lây nhiễm HIV, thì điều trị dự phòng trước phơi nhiễm bằng thuốc ARV – hay gọi là PrEP là một trong những can thiệp có hiệu quả nhất để dự phòng lây nhiễm HIV cho nhóm có nguy cơ cao như nam có quan hệ tình dục với nam (MSM), người chuyển giới nữ, tiêm chích ma túy, vợ/chồng/bạn tình của người nhiễm HIV.

Hiện nay, PrEP là một phần trong chiến lược dự phòng HIV toàn diện, bao gồm cả việc sử dụng bao cao su. PrEP là biện pháp dự phòng nhiễm HIV bằng cách uống thuốc kháng HIV đều đặn hàng ngày, trước khi phơi nhiễm HIV. Tuân thủ tốt có thể giảm nguy cơ lây nhiễm HIV qua quan hệ tình dục và tiêm chích ma túy. PrEP an toàn cho người dùng, cả phụ nữ mang thai và cho con bú.

PGS.TS Phan Thị Thu Hương - Phó Cục trưởng Cục phòng, chống HIV/AIDS cho biết: 30 năm qua Việt Nam phải ứng phó với HIV/AIDS, với số người nhiễm gần 250.000 người. Trong thời gian qua, Việt Nam đã triển khai hàng loạt mô hình, can thiệp mở rộng toàn diện như chương trình bao cao su, bơm kim tiêm, methadone, chăm sóc điều trị đa dạng tiến bộ. Việt Nam luôn là quốc gia đầu tiên trong việc cam kết thực hiện những mô hình này, từ đó thu được kết quả nhất định, dự phòng cho gần nửa triệu người.

Vào năm 2005-2006, mỗi năm Việt Nam có khoảng 30.000 người được phát hiện nhiễm mới. Những năm gần đây, số lượng người phát hiện giảm còn 10.000 người/năm. Con số này tuy đã giảm, nhưng còn rất lớn. Trong những năm trước đây, trong 30.000 người lây nhiễm thì 70% là lây nhiễm từ đường máu, 30% lây nhiễm qua đường tình dục. Nhưng những năm gần đây số lượng người lây nhiễm qua đường tình dục chiếm đến 70%, đây là con số rất đáng lo ngại, con đường lây nhiễm này rất khó kiểm soát.

Gần đây chúng ta đã có bằng chứng khoa học thay đổi chiều hướng của dịch HIV ở Việt Nam và các tỉnh/ thành phố. Với gần 30% tỷ lệ lây nhiễm qua đường máu, nghiện chích ma túy vào những năm trước thì tỷ lệ này giảm còn 10%. Nhưng nhóm MSM trước đây tỷ lệ lây nhiễm từ 3-5%, thì đến giờ này đã tăng lên từ 11 - 13%, đây là một nhức nhối trong công tác phòng chống HIV/AIDS.

Cách đây 2 năm, Tổ chức Y tế thế giới đã có khuyến cáo về một biện pháp y tế dự phòng trước phơi nhiễm đặc biệt hiệu quả bằng thuốc với hiệu quả hơn 93%, đặc biệt tại các quốc gia có tỷ lệ lây nhiễm cao, rất phù hợp với bối cảnh dịch tại Việt Nam. Sau 2 năm triển khai tại Việt Nam, với hơn 2.000 người MSM tham gia chương trình PrEP thì không có ca nhiễm mới nào. Đối với những người không được đưa vào điều trị dự phòng, đối tượng MSM đã tăng 37% những người nhiễm mới. Chính vì vậy, Bộ Y tế quyết định đã triển khai mở rộng chương trình tại 11 tỉnh/thành phố, với 43 cơ sở y tế công lập và tư nhân, hiện nay đã có 2.000 khách hàng đang sử dụng dịch vụ PrEP.

Bà Paula Morgan, Phó Giám đốc Trung tâm Dự phòng và kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ (CDC) tại Việt nam cho biết: tại Hải Phòng, Dự án được triển khai tại Trung tâm Da liễu, các cán bộ triển khai dự án đã được tập huấn theo chương trình quốc gia, CDC và một số tổ chức khác sẵn sàng tài trợ tài chính cho hoạt động này. CDC hiện nay đã hỗ trợ các dịch vụ xét nghiệm để bệnh nhân có thể được sử dụng dịch vụ PrEP miễn phí…
Top