Hải Phòng: Cần gần 570 tỷ đồng cho công tác phòng, chống HIV/AIDS

15/05/2015 11:06

Theo ước tính của UBND TP Hải Phòng, tổng nhu cầu kinh phí hoạt động cho chương trình phòng, chống HIV/AIDS của thành phố giai đoạn 2015 - 2020 là gần 570 tỷ đồng. Trong đó, công tác dự phòng lây nhiễm HIV cần 274 tỷ đồng (chiếm 47,96%); chăm sóc điều trị HIV/AIDS cần 282 tỷ đồng (chiếm 49,32%); giám sát dịch và theo dõi, đánh giá chương trình gần 4,7 tỷ đồng (chiếm 0,83%); tăng cường năng lực là trên 10 tỷ đồng (chiếm 1,89%).

 

Các nhu cầu trên chưa bao gồm kinh phí chi thường xuyên cho hoạt động bộ máy của Trung tâm phòng, chống HIV/AIDS TP Hải Phòng… Đây là những ước tính trong dự thảo kế hoạch thực hiện Đề án Bảo đảm tài chính cho hoạt động phòng, chống HIV/AIDS tại thành phố Hải Phòng giai đoạn 2015-2020.

Theo Phó Chủ tịch UBND TP Hải Phòng Lê Khắc Nam, các tổ chức quốc tế đang cắt giảm nguồn kinh phí hỗ trợ các chương trình phòng, chống HIV/AIDS. Vì vậy, Hải Phòng đang nghiên cứu để đề xuất các giải pháp phù hợp nhằm huy động nguồn lực theo 4 nguồn chính: ngân sách trung ương, ngân sách thành phố, viện trợ nước ngoài, xã hội hoá.

Tổng kinh phí phục vụ cho công tác phòng, chống HIV/AIDS giai đoạn 2010-2014, trên địa bàn TP là gần 229 tỷ đồng, trong đó ngân sách nhà nước thông qua Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống HIV/AIDS là 10,08 tỷ đồng (chiếm 4,4%); ngân sách địa phương ước đạt gần 24 tỷ đồng (chiếm 10,1%); người dân tự chi trả gần 7 tỷ đồng (chiếm 3,1%) và nguồn viện trợ quốc tế là 147 tỷ đồng (chiếm 83%). Tuy nhiên từ năm 2012 đến nay, nguồn tài trợ quốc tế cho chương trình này đã giảm đi rất nhiều, chỉ riêng năm 2014 chương trình mục tiêu quốc gia giảm tới gần 70% so với năm 2013.

Trong giai đoạn 2010-2014,  TPcó sự tài trợ của nhiều dự án quốc tế do đó độ bao phủ của các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS đã phủ kín các địa bàn trọng điểm. Thống kê cho thấy, trên 70% người nghiện ma túy đã được tiếp cận chương trình và sử dụng bơm kim tiêm sạch; 80 - 90% phụ nữ mại dâm tiếp cận với chương trình và sử dụng bao cao su; 12 cơ sở điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone hoạt động với 3.400 lượt người được điều trị; 10/14 quận, huyện có cung cấp dịch vụ điều trị HIV/AIDS bằng ARV…

Để  các kết quả và hoạt động phòng, chống HIV/AIDS trong thời gian tới được duy trì bền vững, đạt hiệu quả cao, Hải Phòng phấn đấu các mục tiêu: Duy trì tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm tuổi 15-49 đến năm 2015 là 0,77%; phổ cập điều trị ARV đạt 80% trong bối cảnh nguồn lực từ quốc tế ngày càng giảm và không còn tài trợ sau năm 2015. Chính vì vậy, Hải Phòng cần có kế hoạch cụ thể để thực hiện việc bảo đảm nguồn lực tài chính cho công tác này.

Hiện TP. Hải Phòng phát hiện 7.500 người nhiễm HIV còn sống, mỗi năm thành phố phát hiện khoảng 300 người nhiễm mới HIV. Tình hình dịch bệnh có nhiều diễn biến phức tạp. Đường lây nhiễm HIV/AIDS có xu hướng chuyển dịch từ đường tiêm, chích chung bơm kim tiêm sang đường quan hệ tình dục, quan hệ đồng giới.
Top