Hà Nội sẽ mở thêm nhiều điểm điều trị Methadone

09/06/2014 16:23

Theo Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Văn Dung, để góp phần đạt được mục tiêu điều trị Methadone cho 80.000 người nghiện ma túy đến năm 2015 trên toàn quốc, Hà Nội sẽ mở mới 4 cơ sở điều trị Methadone và cấp phép cho 3 cơ sở điều trị tại Viện Sức khỏe Tâm thần Trung ương (BV Bạch Mai); Viện Tâm thần TƯ 1 và Đại học Y Hà Nội.

Điều trị methdone giúp người nghiện cải thiện sức khỏe và tái hòa nhập cộng đồng. Ảnh minh họa

Đối với 4 cơ sở điều trị mở mới, mỗi cơ sở sẽ điều trị cho khoảng 250 bệnh nhân. TP Hà Nội sẽ tập trung khảo sát, chọn địa điểm đáp ứng với các tiêu chí: Là quận/huyện có tình hình lây nhiễm HIV qua tiêm chích ma túy cao; UBND quận/huyện cam kết ủng hộ và triển khai chương trình điều trị thay thế bằng thuốc Methadone trên địa bàn; cơ sở bố trí xa trường học, gần bệnh viện để kịp thời chuyển bệnh nhân cấp cứu khi có các tai biến trong điều trị; có sự kết nối tốt với các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS khác như tiếp cận cộng đồng, tư vấn xét nghiệm tự nguyện HIV (VCT), các phòng khám ngoại trú (OPC)…

Với 3 cơ sở điều trị tại Viện Sức khỏe Tâm thần TƯ (BV Bạch Mai); Viện Tâm thần TƯ 1 và Đại học Y Hà Nội, các đơn vị này sẽ xây dựng cơ chế phối hợp với 3 cơ sở điều trị Methadone để đảm bảo công tác điều trị cho các bệnh nhân đạt hiệu quả cao.

Bên cạnh đó, Hà Nội sẽ tiếp tục duy trì 6 cơ sở điều trị Methadone. Mỗi cơ sở điều trị điều trị tối đa 300 bệnh nhân. Các cơ sở đã tuyển đủ cán bộ biên chế, đảm bảo trình độ chuyên môn trong công tác điều trị, cung ứng đủ thuốc, vật tư tiêu hao cho cơ sở điều trị.

Hiện nay, dù là một trong những tỉnh, thành trọng điểm về HIV/AIDS, nhưng độ bao phủ điều trị cai nghiện bằng methadone tại Hà Nội được đánh giá là rất thấp so với nhu cầu.

Ông Nguyễn Văn Dung cho biết, tính đến ngày 15/5, 6 điểm điều trị Methadone tại Hai Bà Trưng, Đống Đa, Long Biên, Từ Liêm, Hà Đông và Sơn Tây đang duy trì điều trịu cho 1.541 bệnh nhân. Tình hình cấp phát thuốc được được thực hiện theo đúng quy trình do Bộ Y tế ban hành. Việc tiếp nhận, bảo quản và cấp phát thuốc hiện không xảy ra vấn đề thất thoát Methadone.

Sau hơn 3 năm triển khai chương trình điều trị Methadone, nhiều bệnh nhân được điều trị đã thay đổi hành vi, nhận thức, tăng thể trạng sức khỏe, giảm lây nhiễm HIV, nhiều người đã tìm được việc làm, cải thiện cuộc sống. Tuy nhiên, theo ông Dung, Methadone chỉ thay thế cho nghiện các chất dạng thuốc phiện, không thể điều trị cho nghiện các chất ma túy tổng hợp như ma túy đá. Vì vậy, một số bệnh nhân mặc dù đã được điều trị ổn định bằng Methadone nhưng vẫn tiếp tục sử dụng ma túy tổng hợp, làm ảnh hưởng đến tuân thủ và hiệu quả của chương trình điều trị Methadone.
Top